Thâm nhập "chợ đen" thuốc phá thai bằng thảo dược ở Philippines

ANTD.VN - Đối với phụ nữ nghèo ở Philippines lỡ mang thai ngoài ý muốn, phá thai là một trong số những điều cấm kỵ lớn nhất. 

Lá, rễ cây được cho là có công dụng phá thai được bán chui lủi ở Manila

Ở quốc gia có cộng đồng Công giáo lớn nhất châu Á này, không có chuyện tranh luận cho phép phá thai hay không mà luật đã quy định rõ, phá thai là tội giết người, có thể chịu bản án tới 6 năm tù giam. Tuy nhiên, việc kinh doanh thuốc phá thai trái phép tại đây vẫn khá phổ biến.

“Hàng cấm” nhưng không khó tìm

Sau chiếc ô tô đỗ ở gần một trong những nhà thờ lớn nhất Manila, Philippines, người bán hàng tự xưng là Elsa đưa ra một chiếc túi đựng lá cây. “Đun sôi tất cả các thứ này, cho phụ nữ đã chậm kinh khoảng 2 tháng uống. Nước lá sẽ rất đắng, đắng đến nỗi cơ thể không tiếp nhận nổi, máu sẽ ra và cái thai cũng sẽ ra”.

Elsa thuộc mạng lưới tội phạm mà toàn phụ nữ trung niên điều hành. Họ là những người bán thuốc và thảo dược trái phép, nhưng không khó tìm. Mọi người ở Manila đều biết rằng họ lảng vảng quanh nhà thờ Black Nazarene thuộc quận ven sông Quiapo. Những người này hoạt động giống như những đại lý buôn lậu ma túy, sử dụng mật ngữ, hối lộ cảnh sát khi bị bắt và không tiết lộ tên khách hàng.

Thực tế, sản phẩm bán chạy hàng đầu của Elsa là một lọ thuốc phá thai dạng đã pha sẵn, không cần đun sôi, giá khoảng 250 peso, tương đương 5 USD. Người bán hàng này nói, nếu chậm kinh 8 tuần mà uống thuốc sẽ phá bỏ thai, nhưng cũng có trường hợp đứa trẻ sinh ra bị dị tật. Với thai lớn hơn, cô ta bảo dùng thuốc viên Cytotec của nhà sản xuất Pfizer là đảm bảo nhất. Vì nhu cầu khá lớn nên những người buôn bán như Elsa không lo mất việc.

Vòng luẩn quẩn của phụ nữ nghèo

6 năm về trước, Karen lỡ mang thai lần thứ tư nên dùng đủ loại, từ thảo dược cho đến thuốc Cytotec. Người phụ nữ năm nay 39 tuổi có lý do để đưa đến quyết định đau lòng ấy. Hàng ngày bán cháo ven đường tại Thủ đô Manila, Karen kiếm chỉ được khoảng 5 USD nhưng số tiền đó còn phải chia cho người chồng thất nghiệp, lại nghiện ma túy. Nếu sinh con, cả gia đình sẽ bi đát hơn. “Tôi không thể quên hương vị đó, đắng vô cùng”, Karen nhớ lại việc phải uống thuốc phá thai bằng thảo dược từ một thầy lang ở Quiapo. 

Rồi cô hoảng hốt thực sự vì sau khi dùng thuốc, cái thai vẫn cứ lớn dần. Ngày sắp sinh, Karen xác định có thể con mình bị dị tật. Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là đứa trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Karen đặt tên con bé là “Phép lạ” và hiện đứa trẻ mũm mĩm 6 tuổi đã học mẫu giáo.

Sau khi “Phép lạ” chào đời, Karen nhận thấy gia đình không thể sống bằng nguồn bán cháo. Cô đã nhịn ăn nhiều bữa để nhường thức ăn cho con, thế nên sữa không còn để nuôi đứa nhỏ. Thay vì sữa, Karen cho con bú bình bằng cà phê hòa tan rẻ tiền. Trong tuyệt vọng, Karen liều chuyển sang bán lẻ ma túy. Cô mua ma túy rồi chia nhỏ ra bán cho những người đàn ông nghiện quanh khu phố giống như chồng cô. 

Sau đó, mọi chuyện đảo lộn khi Tổng thống Rodrigo Duterte đắc cử năm 2016. Ngay từ đầu, ông cam kết sẽ tẩy sạch các đại lý ma túy ở Philippines và nhanh chóng thực hiện lời hứa này. Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines đã khiến hơn 8.000 người bỏ mạng, nhiều người trong đó đã bị cảnh sát mặc thường phục xử tại trận.

Những kẻ lạ mặt ngụy trang bằng mũ bảo hiểm xe máy bắt đầu dò xét nhà Karen. Vì thế, Karen đang cố lẩn tránh, không ngủ ở nhà càng nhiều càng tốt. “Là một người mẹ, tôi không có gì cho con. Không có gạo, không tiền, không có nơi để sống hạnh phúc, nhưng con bé vẫn là động lực cho tôi”, người mẹ nghèo tâm sự.

Dân số Philippines giờ hơn 100 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 1980. Thống kê đáng lo ngại khác là phụ nữ ở Philipines có trình độ học vấn tiểu học trung bình có 4,5 con. Những người chỉ kiếm được 2 USD/ngày, chiếm 40% dân số đến tiền mua gạo còn không có, huống hồ một gói thuốc ngừa thai giá 5 USD. Các biện pháp tránh thai cũng bị cấm đoán khiến nhiều gia đình có thể kiệt quệ nếu sinh thêm con. Đó là bài toán vô cùng nan giải đối với những người làm công tác dân số của nước này.