Thảm họa sóng thần kinh hoàng ở Indonesia: Đã có hơn 220 người thiệt mạng

ANTD.VN - Ít nhất 220 người đã thiệt mạng sau khi sóng thần do núi lửa phun trào ập vào các bãi biển xung quanh eo biển Sunda nằm giữa đảo Java và Sumatra ở Indonesia vào tối 22-12.

Thảm họa sóng thần kinh hoàng ở Indonesia: Đã có hơn 220 người thiệt mạng ảnh 1Cảnh tượng tan hoang do sóng thần gây ra

Thảm kịch bất thình lình ập đến

Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia xác nhận, không có cảnh báo sóng thần trước khi nó ập đến. Ngoài số nạn nhân thiệt mạng, có khoảng 600 người đã bị thương và 30 người khác đang mất tích. Không chỉ gây thiệt hại về người, đợt sóng thần xảy ra khoảng 21h30 (giờ địa phương) còn phá hủy 558 ngôi nhà, 9 khách sạn, 60 nhà hàng,  350 chiếc thuyền và cuốn trôi nhiều ô tô, cây cối,  cột điện. 

Giới chức Indonesia cho rằng, cơn sóng thần này không phải do động đất gây ra, mà có khả năng do thủy triều dâng bất thường vào thời điểm trăng tròn và lở đất dưới đáy biển do hoạt động tại núi lửa Krakatau. Hoạt động lở đất dưới đáy biển được ghi nhận 24 phút trước khi sóng thần ập đến. 

Các nhân chứng cho biết đã phải dốc hết sức chạy thoát thân khi các khách sạn và ngôi nhà trước biển ở tỉnh Banten bị bức tường nước ập vào, cuốn trôi. Những hình ảnh kinh hoàng quay được từ khu nghỉ dưỡng bãi biển Tanjung Lesung cho thấy đám đông đang xem ban nhạc Seventeen biểu diễn thì sân khấu bất ngờ đổ sập.

Nhiều người la hét cố bỏ chạy khỏi con sóng dữ đang ập đến cuốn trôi ban nhạc trong giây lát. Hai thành viên ban nhạc được xác nhận đã thiệt mạng, tay trống đang mất tích. “Ở dưới đáy biển, tôi chỉ biết cầu Chúa Jesu giúp đỡ”, Zack, một thành viên ban nhạc rock Seventeen may mắn sống sót nhờ bám vào một phần sân khấu bị sập, viết trên Instagram. “Trong những giây phút cuối cùng, tôi gần như thở không ra hơi”. 

Ca sĩ chính của ban nhạc, Riefian Fajarsyah đã đăng tải dòng trạng thái vô cùng đau buồn lên   Instagram. “Chúng tôi đã mất đi các thành viên cốt cán của nhóm”, Riefian nói trong nước mắt. Được biết, ban nhạc rock Seventeen đang biểu diễn trong buổi tiệc tổng kết cuối năm của công ty thiết bị nhà nước Indonesia PLN, với sự tham gia của khoảng 200 nhân viên công ty và các thành viên trong gia đình tại khu nghỉ dưỡng bãi biển Tanjung Lesung thì thảm kịch bất thình lình ập đến.

Thảm họa sóng thần kinh hoàng ở Indonesia: Đã có hơn 220 người thiệt mạng ảnh 2Người đàn ông bật khóc khi biết tin người thân thiệt mạng

Số người chết có thể tiếp tục tăng

Cục Khí tượng Australia đang theo dõi tình hình và đã phát cảnh báo đỏ cho các phi công của các hãng hàng không hoạt động trong khu vực rằng tro bụi núi lửa đang lan về phía tây nam tới độ cao 55.000 feet (16,7km). Hình ảnh từ trang Flight Radar 24 cho thấy tro bụi từ núi lửa lan ra tuyến đường bay chính từ Sydney (Australia) tới Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất). 

Tại tỉnh Lampung, ở bên kia eo biển nối Biển Java với Ấn Độ Dương này, du khách người Na Uy Oystein Lund Andersen nói với BBC: “Tôi ở trên bãi biển một mình, trong khi gia đình tôi đang ngủ trong phòng khách sạn. Khi đó, tôi đang cố gắng chụp cảnh núi lửa Krakatoa phun trào. Đột nhiên, tôi nhìn thấy con sóng ập đến nên chạy thẳng tới khách sạn đánh thức mọi người. Khi sóng lớn tràn vào khách sạn, tôi và những người khác đã chạy thoát lên khu rừng gần đó”.   

Hiện lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm người sống sót, sơ tán nạn nhân bị thương, cung cấp nước sạch, lều bạt và nơi ở tạm thời cho những người bị ảnh hưởng. Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho nhận định, số nạn nhân có thể còn tiếp tục tăng do vẫn còn những khu vực bị ảnh hưởng chưa được thống kê.

Thảm họa sóng thần kinh hoàng ở Indonesia: Đã có hơn 220 người thiệt mạng ảnh 3Lực lượng cứu hộ đưa các thi thể đi nhận dạng

Liên đoàn các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho rằng, số nạn nhân sẽ tăng cao khi tình hình tại các vùng thảm họa trở nên rõ ràng hơn. “Số người chết có thể tiếp tục thay đổi trong vài ngày, thậm chí nhiều tuần tới”, Kathy Mueller, quan chức IFRC, cho biết. IFRC cũng chuẩn bị đối phó khả năng bệnh dịch bùng phát tại những khu vực bị sóng thần quét qua. Trong một tuyên bố, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới những người bị ảnh hưởng bởi sóng thần và cho biết ông đã điều lực lượng phản ứng khẩn cấp tới khu vực. 

Khi núi lửa Krakatoa phun trào hồi năm 1883, nó tạo ra cột tro bụi, đá và khói cao hơn 20km, gây ra sóng thần khiến 36.000 người thiệt mạng. Thảm họa mới nhất này xảy ra chưa đầy 3 tháng sau trận động đất mạnh 7,4 độ richter gây sóng thần tàn phá thành phố Palu trên đảo Sulawesi, phía đông Borneo, làm 2.256 thiệt mạng. Hơn 70.000 ngôi nhà đã bị hư hại, trong khi cơ sở hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc bị hư hỏng.  

Những trận sóng thần thảm khốc trên thế giới

- Ngày 11-3-2011: Động đất mạnh 9 độ richter gây sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản. Trong vòng một giờ xảy ra động đất, các thị trấn dọc bờ biển đều bị những đợt sóng khổng lồ san phẳng. Nhật Bản xác nhận 15.884 người thiệt mạng, 6.148 người bị thương và 2.633 người mất tích, 127.290 ngôi nhà bị tàn phá.

- Ngày 27-2-2010: Động đất tại Chile mạnh 8,8 độ richter kéo theo sóng thần tàn phá các tỉnh ven biển ở miền Nam và miền Trung nước này, làm khoảng 525 người thiệt mạng và 25 người khác mất tích. 

- Ngày 17-7-2006: Động đất 7,7 độ richter gây sóng thần ở vùng biển phía nam của đảo Java, Indonesia, tàn phá làng mạc, nhà cửa và khiến hơn 668 người thiệt mạng, ít nhất 65 người mất tích. 

- Ngày 26-12-2004: Một trận động đất 9,2 độ richter xảy ra tại Ấn Độ Dương tạo ra sóng thần tràn vào 14 quốc gia và cướp sinh mạng của hơn 225.000 người. Sóng cao tới 30 m tàn phá cộng đồng dân cư ven biển ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và các quốc gia lân cận khác. Trong đó, Indonesia là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất.