Thảm cảnh tại nơi bị động đất, sóng thần tàn phá ở Indonesia

ANTD.VN - Sự giận dữ và thất vọng đang gia tăng tại các khu vực trên đảo Sulawesi của Indonesia khi người dân nơi đây đối mặt với ngày thứ tư không thực phẩm và nước uống sau khi bị động đất và sóng thần tàn phá. 

Thảm cảnh tại nơi bị động đất, sóng thần tàn phá ở Indonesia ảnh 1Cảnh sát bảo vệ tại một điểm phân phát thực phẩm ở Palu

Cạn kiệt thực phẩm và nước uống

Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa quốc gia, tính đến ngày 2-10 đã có 1.234 người thiệt mạng và dự kiến con số này sẽ tăng mạnh trong những ngày tới. Dọc các con đường ở Sulawesi hiện nay xuất hiện các tấm biển “Chúng tôi cần thực phẩm”, “Chúng tôi cần trợ giúp”, còn trẻ em xin tiền trên đường phố. Đám đông xếp hàng dài chờ đổ xăng do nhiên liệu gần như cạn kiệt trong khi cảnh sát quốc gia và binh sĩ quân đội được triển khai tới bảo vệ các trạm xăng và cửa hàng thực phẩm. 

Khoảng 50.000 người bị mất nhà cửa trong thảm họa kép, nhiều người vẫn đang cố thoát khỏi khu vực bị tàn phá. Hơn 3.000 người đổ xô tới sân bay ở thành phố Palu hôm 1-10 để tìm cách rời khỏi thành phố. Một đoạn video ghi lại cảnh đám đông la hét trong giận dữ vì họ không thể lên một chiếc máy bay quân sự. “Chúng tôi không ăn gì trong 3 ngày qua. Chúng tôi chỉ muốn được an toàn”, một phụ nữ hét lên. “Xin hãy quan tâm đến Donggala, Ngài Jokowi (Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo)”, một cư dân bức xúc nói trên đài truyền hình địa phương. 

Đến nay, hầu hết sự chú ý tập trung vào thành phố bị thiệt hại nặng nhất, Palu. Donggala và các khu vực lân cận khác nhận được ít sự trợ giúp, phần lớn vì đường sá đi lại khó khăn, nên nhiều người buộc phải “hôi của” từ các cửa hàng. “Mọi người đói và họ muốn có thứ gì đó cho vào miệng sau vài ngày không được ăn gì”, người đứng đầu chính quyền thị trấn Kasman Lassa ở Donggala nói, “Chúng tôi đã lường trước bằng cách cung cấp thực phẩm, gạo, nhưng không đủ. Có nhiều người ở đây. Vì vậy, về vấn đề này, chúng ta không thể ép họ chịu đựng lâu hơn”. 

Ngày 1-10, tại quận Ulujadi ở phía Tây Palu, người dân vì đói và khát đã chặn các xe tải chở thực phẩm, trong khi cảnh sát không thể ngăn cản được đám đông. Tổng thống Widodo đã kêu gọi người dân bình tĩnh chờ hàng cứu trợ được chuyển đến Palu. Tổng thống Widodo cho biết, các hoạt động bay tại sân bay Sis Al-Jufri thuộc thành phố Palu, tỉnh  Sulawesi, dự kiến sẽ hoạt động bình thường trở lại trong vòng 1 tuần nữa để phục vụ nhu cầu di chuyển và cứu trợ người dân.     

Chôn cất tập thể thi thể các nạn nhân

Trong khi lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót mắc kẹt trong đống đổ nát và hỗ trợ người bị ảnh hưởng, thì Indonesia lại bị rung chuyển vì hàng loạt dư chấn mạnh. Tuy nhiên, không có cảnh báo sóng thần được đưa ra, cũng như chưa có báo cáo thiệt hại về người.

Cùng ngày, chính quyền bắt đầu công tác chôn cất thi thể các nạn nhân tại những ngôi mộ tập thể dài 100m. Hình ảnh của họ được chụp lại trước khi chôn cất để người thân có thể nhận dạng. Hiện các tuyến đường bộ bị chia cắt nên việc di tản người bị nạn gặp khó khăn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mạng lưới viễn thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hơn 1.000 trạm thu phát viễn thông bị hư hại, không có khả năng hoạt động, do vậy ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tìm kiếm cứu hộ. 

Chính phủ Indonesia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả thảm họa. Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc ngày 2-10 cho hay, Seoul có kế hoạch tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận chi tiết về cách thức hỗ trợ Indonesia. Trước đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã công bố kế hoạch viện trợ nhân đạo khẩn cấp 1 triệu USD bằng tiền mặt cho Indonesia sau thảm họa động đất mạnh 7,5 độ richter và sóng thần. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết đã làm việc với Chính phủ Indonesia và sẵn sàng hỗ trợ ngay khi có yêu cầu.

“Cảnh báo sớm có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta trong việc phối hợp các nguồn lực hạn chế để có các hành động hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Chúng tôi đang tăng cường các nỗ lực trong APEC để chuẩn bị, giảm thiểu và ngăn chặn các thảm kịch trong tương lai. Bảo vệ con người và tăng trưởng là yêu cầu chung của chúng ta vì rủi ro khí hậu gia tăng”, Bộ trưởng Phụ trách quan hệ liên chính phủ Papua New Guinea, Kevin Isifu nói về việc các nước thành viên APEC đẩy nhanh xây dựng hệ thống cảnh báo sớm.