Thái Lan choáng váng sau vụ phát hiện 32 thi thể người di cư bất hợp pháp

ANTĐ - Choáng váng sau khi phát hiện 32 thi thể của những người di cư bị buôn bán ở miền nam Thái Lan, chính quyền Thái Lan đã lên tiếng tìm kiếm sự hợp tác của Malaysia và Myanmar để giúp chống lại nạn buôn bán người đang gia tăng trong khu vực.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 8-5-2015, đã thừa nhận có sự dính líu của các quan chức chính phủ trong các tổ chức buôn bán người, khi một thị trưởng và phó thị trưởng đã bị bắt giữ và khoảng 50 sĩ quan cảnh sát đã bị điều chuyển khỏi khu vực miền Nam Thái Lan.

Thủ tướng Prayuth nói: "Tôi đã ra lệnh cho Bộ Ngoại giao liên hệ với Malaysia và Myanmar để tổ chức một cuộc họp nhằm giải quyết điều này. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc họp này có thể được tổ chức vào cuối tháng này".

Thái Lan choáng váng sau vụ phát hiện 32 thi thể người di cư bất hợp pháp ảnh 1

Cảnh sát biên giới Thái Lan bắt giữ 13 người di cư Rohingya tại huyện Rattapum tỉnh Songkhla ngày 7-5

Tuần trước, Thái Lan đã phát hiện 32 thi thể được cho là những người Rohingya theo đạo Hồi từ bang Rakhine của Myanmar và Bangladesh tại hai địa điểm ở tỉnh Songkhla, hơn 30 ngôi mộ được cho là của người di cư đã được tìm thấy nhưng chính quyền vẫn chưa cho khai quật thi thể ở khu vực này.

Miền Nam Thái Lan nổi tiếng là một điểm trung chuyển của tội phạm buôn người Hồi giáo Rohingya, một nhóm dân tộc thiểu số không quốc tịch ở Myanmar, vào Malaysia. Chính quyền địa phương đã tìm thấy ít nhất 55 người - bao gồm người Rohingya và người Bangladesh - lang thang trong các khu rừng dọc biên giới trong vài ngày qua, Đại tá cảnh sát Putichat Ekkachan cho biết.

Thái Lan choáng váng sau vụ phát hiện 32 thi thể người di cư bất hợp pháp ảnh 2

Quan chức Thái Lan kiểm tra các thi thể tại tỉnh Songkhla ngày 6-5

The Bangkok Post đưa tin rằng Thủ tướng Prayuth nhấn mạnh rằng, Thái Lan "phải tăng cường các biện pháp để chống lại nạn buôn người, vì nó sẽ trầm trọng thêm khi cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành".

Một nguồn tin chính phủ cho biết Thái Lan hy vọng rằng một cuộc họp đa phương sẽ giúp phát triển một kế hoạch hành động của khu vực. Ngoài Myanmar và Malaysia, chính quyền Thái Lan cũng đang xem xét việc mời Bangladesh tham gia hội nghị, cũng như Mỹ, Indonesia, New Zealand, Australia và các quan chức đại diện cho Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn và Tổ chức Di cư Quốc tế.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết rằng, người Rohingya và Bangladesh bị bắt giữ trong vài ngày qua sẽ bị buộc tội nhập cảnh bất hợp pháp và bị giam giữ. "Chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho họ thực phẩm theo tín ngưỡng tôn giáo của họ. Đây là gánh nặng của Thái Lan", ông nói thêm.

Thái Lan choáng váng sau vụ phát hiện 32 thi thể người di cư bất hợp pháp ảnh 3

Người dân di cư tại một cơ sở ở Songkhla

Kể từ khi phát hiện ra các ngôi mộ, 53 cảnh sát tại các tỉnh phía Nam gồm Songkhla, Ranong và Satun - nơi buôn lậu người Rohingya đang lan rộng - đã bị thuyên chuyển công tác.

Theo The Nation, 15 nhân viên cảnh sát khác đã phải đối mặt với lệnh trừng phạt tương tự vì nghi ngờ hưởng lợi từ buôn người hoặc do "thiếu năng lực”. Đầu tuần qua, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc", đồng thời kêu gọi "một nỗ lực khu vực để chấm dứt nạn buôn người".

Việc khám phá những xác chết đã khiến Thái Lan bị sốc. Thái Lan hiện đang bị áp lực của Liên minh châu Âu và Mỹ về nạn buôn bán người. Năm 2014, Thái Lan đã bị xếp hạng thấp nhất trong một báo cáo nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong khi hồi đầu tháng này, EU đã ra hạn cho Thái Lan 6 tháng để cải thiện các nỗ lực trong cuộc chiến chống đánh bắt cá bất hợp pháp của các tàu thuyền đánh cá sử dụng người di cư trong "điều kiện như nô lệ".

Hầu hết người Rohingya bị tập trung trong các trại đến từ bang Rakhine ở miền Tây Myanmar. Sau cuộc đụng độ bạo lực trong mùa hè năm 2012, những người Rohingya bắt đầu bỏ chạy hàng loạt để tìm sự an toàn, cũng như tìm kiếm việc làm tại Malaysia và xa hơn nữa. 

Người Bangladesh cũng sử dụng những kẻ buôn lậu người để đi đến những nơi họ xem như là hứa hẹn kinh tế ở Malaysia. Nhưng một số trong số họ - cùng với người Rohingya - bị bắt cóc và buộc phải lên thuyền. Khi đến gần bờ biển Thái Lan, họ được đưa bằng xe tải đến các trại trú ẩn trong rừng và bị giam giữ cho đến khi gia đình trả tiền chuộc. Số còn lại sau đó cố gắng vượt biên giới sang Malaysia.