Thách thức dưới mái nhà chung ASEAN

ANTD.VN - Hôm nay (8-8), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 49 năm ngày thành lập. Con đường đi của ASEAN in đậm dấu ấn những thành công nhưng phía trước cũng đầy thách thức. 

Khủng bố đang là một trong những thách thức với ASEAN

Dưới mái nhà chung ASEAN, gần nửa thế kỷ qua, các dân tộc ở Đông Nam Á đã tìm cách chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích để phát triển. Hoàn toàn không cường điệu khi khẳng định rằng ASEAN là nhân tố quyết định, mang lại sự chuyển biến rõ rệt cho Đông Nam Á từ khu vực nghèo nàn, chia rẽ, xung đột, bất ổn trở thành một cộng đồng hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác.

Từ 5 nước sáng lập lúc đầu (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines), ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức rộng lớn gồm 10 thành viên, luôn nỗ lực đoàn kết phát huy sức mạnh tập thể, cùng nhau xây dựng một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ các trách nhiệm xã hội, tăng cường hợp tác với các quốc gia đối tác bên ngoài thông qua các cơ chế và phương cách ASEAN.

Tiềm lực của ASEAN cũng tăng lên đáng kể. Các nền kinh tế trong ASEAN gắn kết và thống nhất ngày càng chặt chẽ với tổng GDP 2.600 tỷ USD (tăng 80% trong 7 năm qua). ASEAN không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn. Với sự ra đời của cộng đồng ASEAN (31-12-2015), người ta hy vọng mô hình liên kết khu vực này sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên.

Tuy nhiên, là một tập hợp nhiều dân tộc có tiếng nói, tín ngưỡng, văn hóa và thể chế chính trị khác nhau, con đường đi của ASEAN không phẳng lặng. Trở ngại lớn nhất là mức độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia ASEAN. Chẳng hạn so với Singapore, Campuchia rộng gấp 250 lần và dân số lớn hơn khoảng 30 lần. Tuy nhiên, trong khi mức lương trung bình một tháng của người Singapore đạt khoảng 2.989 USD, thì mức tương tự tại Campuchia khoảng 176 USD. 

Một thách thức nữa mà ASEAN phải đối mặt là vấn đề an ninh. Các chuyên gia nhận định, vấn đề an ninh có thể dễ dàng phá vỡ hoà bình mà các quốc gia vùng Đông Nam Á đã cố gắng thiết lập. Với việc thành lập Cộng đồng ASEAN, người dân dễ dàng di chuyển tới các quốc gia trong khu vực. Tình trạng ấy tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức khủng bố bành trướng thế lực, thu nạp thành viên.

Trong vài thập kỷ qua, những nhóm chiến binh Hồi giáo có liên hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế lớn đã xuất hiện tại một số quốc gia Đông Nam Á, điển hình là Abu Sayyaf và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro tại Philippines. Chúng từng bắt cóc nhiều du khách nước ngoài, đặt bom trên máy bay, ám sát và bắt cóc các linh mục,  doanh nhân… Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đã vươn tới Đông Nam Á.

Tình hình Biển Đông nóng lên bởi những tranh chấp về chủ quyền cũng tác động tiêu cực tới nội bộ ASEAN, đến mức Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Biển Đông chính là phép thử đối với sự đoàn kết và hiệu quả của ASEAN. Những lợi ích kinh tế ràng buộc cùng những tính toán riêng khiến một số nước ASEAN không sẵn lòng chia sẻ một tuyên bố mạnh mẽ, thể hiện lập trường thống nhất của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Những thách thức đó đang tạo ra vật cản trên con đường phát triển của ASEAN. Tuy nhiên, quá khứ chỉ ra rằng, nền tảng của ASEAN là “thống nhất trong đa dạng”. Với quyết tâm chính trị của các nước thành viên, phương cách ASEAN, tầm nhìn chung, các giá trị, chuẩn mực và lợi ích chung, ASEAN sẽ vượt qua các rào cản và khác biệt để đi tới thành công.