Thách thức chờ đợi Thủ tướng Đức khi tái tranh cử

ANTD.VN - Ngày 20-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố tái tranh cử trong cuộc bầu cử năm sau. Quyết định của bà Merkel được coi là dấu hiệu cho sự ổn định ở châu Âu sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu và ông Donald Trump sẽ nắm giữ vị trí Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này cũng mang tới cho bà Merkel không ít thách thức.

Nữ tướng xuất sắc của châu Âu

Theo hãng tin Reuters, mặc dù chính sách mở cửa nhập cư của Thủ tướng Đức Merkel gặp nhiều phản ứng trái chiều nhưng bà tự tin khẳng định sẽ trụ lại trong cuộc bầu cử vào tháng 9-2017, kết thúc mọi bàn cãi về chính sách này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo với các quan chức cao cấp trong đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) để chuẩn bị cho cuộc tranh cử, nữ Thủ tướng 62 tuổi cho biết, tái tranh cử là quyết định được đưa ra sau khi bà cân nhắc trong một thời gian dài.

Bà nói rằng: “Nước Đức đang đối mặt với những thách thức ở cả châu Âu và quốc tế… Cuộc bầu cử này sẽ khó khăn hơn bất cứ cuộc bầu cử nào trước đó”. Và bà hiểu rằng, trong thời điểm này, nhiều lãnh đạo khác đang trông đợi bà có thể góp phần tạo nên sự ổn định. 

Thông báo tranh cử năm 2017 của bà Merkel đã được đảng CDU nhiệt liệt ủng hộ. Khoảng 55% người dân Đức vẫn muốn bà Merkel tiếp tục vai trò Thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư. Trong khi 39% có ý kiến ngược lại, kết quả thăm dò của Emnid ngày 20-11 cho biết.

Bà Merkel, lớn lên ở Đông Đức, là một một nhà vật lý và tham gia chính trị sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Bà được xem là nhà lãnh đạo tài năng và quyết đoán. Bà đã dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro, cũng như giành được sự tôn trọng từ cộng đồng quốc tế với nhiều nỗ lực đem lại hòa bình thế giới (chẳng hạn nỗ lực giải quyết xung đột ở Ukraine).

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước đã khen ngợi bà là một “nữ tướng xuất sắc”. Trước chiến thắng của ông Trump tại Mỹ và làn sóng ủng hộ cho các đảng cánh hữu ở một số quốc gia châu Âu dâng cao, nhiều nhà phân tích cho rằng, bà Merkel là một “pháo đài” của các giá trị tự do phương Tây.

Đức không hạn chế về số nhiệm kỳ mà một Thủ tướng có thể đảm nhiệm. Với việc tham gia tranh cử chức Thủ tướng năm 2017, bà Merkel có cơ hội nắm quyền này trong vòng 16 năm như cựu Thủ tướng Helmut Kohl.

Ngổn ngang thách thức

Khó khăn đầu tiên trong kế hoạch tái tranh cử của nữ Thủ tướng Merkel được cho là nằm ở vấn đề chính sách đón nhận lượng lớn người tị nạn vào Đức. Từ năm ngoái, chính sách của bà Merkel mở cửa biên giới Đức cho khoảng 900.000 người nhập cư chủ yếu ở Trung Đông đã khiến nhiều cử tri Đức không hài lòng và làm giảm sút tỷ lệ ủng hộ bà.

Mức độ ủng hộ bà  của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã giảm mạnh trong các cuộc bầu cử khu vực năm 2015, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu cho đảng phản đối chính sách nhập cư – đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) tăng lên.

Thách thức tiếp theo đối với quyết định tái tranh cử của bà Merkel là sự vươn lên tiềm tàng của đảng đối thủ. Theo khảo sát của Emnid cuối tuần qua, khối bảo thủ của nữ Thủ tướng này giảm một điểm, xuống còn 33%, chỉ dẫn trước 9 điểm so với đối thủ gần nhất là Đảng Dân chủ xã hội (SPD).

Đảng này vẫn chưa quyết định liệu Chủ tịch đảng Sigmar Gabriel, cũng là Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế nước này có ra tranh cử cạnh tranh với bà Merkel hay không. Một trong những lãnh đạo cấp phó của đảng SPD, Ralf Stegner cho biết, có thể là sai lầm nếu đánh giá thấp bà Merkel nhưng “huyền thoại bất khả chiến bại” đã hết thời.

Một khó khăn khác đối với kế hoạch tái tranh cử của bà Merkel là mối đe dọa từ tin tức giả và sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Đức. Theo trang mạng BuzzFeed News, các cơ quan tình báo Đức đã cảnh báo, một sự kết hợp giữa tin tức giả và sự can thiệp của Nga thông qua tin tặc và thông tin sai lệch có thể phá vỡ cuộc bầu cử liên bang năm sau theo cách đã diễn ra tại cuộc bầu cử Mỹ.

Một quan chức Đức giấu tên cho biết, họ được cảnh báo trước lượng lớn tin tức giả trên mạng xã hội và đây là vấn đề mà họ đang giám sát. Các phân tích của BuzzFeed News được công bố vừa qua cho thấy, tin tức chính trị xuyên tạc vượt trội so với tin tức thực trên Facebook vào giai đoạn cuối của chiến dịch bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Facebook - ông Mark Zuckerber đã bác bỏ ý kiến cho rằng mạng xã hội này ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trong một bài phát biểu vào tháng trước tại Munich, bà Merkel đã nói rằng, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội đang bóp méo nhận thức thực tế của người dân và đây là điều đe dọa nền dân chủ. Bà kêu gọi các công ty công nghệ cần minh bạch hơn về những thuật toán của họ.

Mối quan tâm bất ngờ của Thủ tướng Đức tới lĩnh vực công nghệ có liên quan đến việc năm sau Đức sẽ bầu cử. Và bà Merkel biết Facebook và Google có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong quyết định ai là người lãnh đạo đất nước sau cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra cuối năm 2017. 

Nếu tái đắc cử chức Thủ tướng Đức, trách nhiệm quốc tế của bà Merkel sẽ là dẫn đầu các cuộc đàm phán với Anh về việc quốc gia sương mù này rút khỏi Liên minh châu Âu; làm dịu mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - đối tác quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng di cư; và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với ông Donald Trump.

Còn ở trong nước, hãng tin Reuters cho rằng, thách thức lớn nhất đối với “Bà đầm thép” của nước Đức là xử lý vấn đề hội nhập của người tị nạn trong một xã hội đang ngày càng chia rẽ và giữ vững tiềm lực kinh tế của châu Âu trên đường đua thương mại thế giới.