Lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định chính sách chiến lược của Mỹ
tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ cân bằng cả về kinh tế và quân sự
Phát biểu tại trường Đại học Arizona ngay trước khi bắt đầu chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 7 đến 11-4, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố hoàn toàn ủng hộ việc sớm hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuyên bố này của người đứng đầu Lầu Năm góc được cho đã phản ánh tầm quan trọng của giao lưu thương mại đối với an ninh quốc gia của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong phát biểu được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm châu Á lần đầu tiên sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thậm chí còn ví việc có TPP sẽ “quan trọng như có thêm một chiếc tàu sân bay” để thông qua đó gia tăng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đồng minh và các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Carter nhấn mạnh TPP chính là sự khẳng định hơn nữa cam kết lâu dài của Washington tại khu vực có vai trò đã trở nên sống còn với lợi ích của nước Mỹ.
Những phát biểu trên đây của ông Carter gây khá nhiều bất ngờ bởi tất cả đều đã biết Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược hướng về châu Á - Thái Bình Dương song đó là về quân sự. Nay lần đầu tiên một quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ lên tiếng cho thấy sự chuyển trọng tâm chiến lược của Washington về châu Á - Thái Bình Dương sẽ cân bằng cả về quân sự lẫn kinh tế nhằm ứng phó với những thách thức mới nảy sinh.
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Obama đã tiến hành điều chỉnh chiến lược hướng về châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ đẩy nhanh điều chỉnh bố trí binh lực ở Thái Bình Dương so với Đại Tây Dương từ tỷ lệ 50/50% hiện nay nghiêng thành 60/40% vào năm 2020, đồng thời triển khai những vũ khí, trang bị hiện đại nhất cũng như tăng cường sự “hiện diện thường xuyên” của quân Mỹ tại các quốc gia đồng minh trong khu vực này.
Trong khi đó, TPP mà chính quyền Tổng thống Obama đang muốn ký kết trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2017 sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do với thuế suất gần như bằng 0% giữa 12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Một khi được ký kết, TPP sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Với sự hỗ trợ đắc lực từ đối tác chiến lược cả về quân sự và kinh tế, Mỹ sẽ có một vị thế, ảnh hưởng và sức mạnh tổng hợp tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Đó là lý do để ông Carter hối thúc Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát sớm thông qua dự luật trao quyền đàm phán nhanh cho chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán vì theo ông TPP là một trong những phần quan trọng nhất trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á và nếu không có TPP thì ảnh hưởng của Mỹ cũng như sự ổn định của châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị thách thức.