Tân Giám đốc FBI cam kết "không bị bất kỳ điều gì chi phối"

ANTD.VN - Với số phiếu áp đảo của các nghị sĩ lưỡng đảng, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ông Christopher Wray, 50 tuổi làm tân Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) của nước này. 

Giám đốc FBI Christopher Wray cam kết sẽ chỉ tuân theo sự thật, luật pháp và công lý

Christopher Wray sinh ra ở thành phố New York,  tốt nghiệp Đại học Yale năm 1989 và kết hôn với bạn học cùng lớp Helen Howell trước khi tốt nghiệp trường Luật của Đại học Yale năm 1992. Hai người có một ngôi nhà ở Atlanta cùng hai con, một trai một gái. 

Sẽ làm việc “độc lập”

Ông Christopher Wray bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1997 với cương vị là trợ lý luật sư Hoa Kỳ tại quận Northern của bang Georgia. Năm 2001, ông chuyển đến Sở Tư pháp làm việc với chức danh Phó Chưởng lý.

Năm 2013, dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, ông Wray được biết đến với cương vị Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát các cuộc điều tra gian lận lớn, gồm cả cuộc điều tra nhằm vào tập đoàn năng lượng Enron. Bên cạnh đó, ông Wray cũng đóng vai trò trong việc phối hợp xử lý vụ khủng bố 11-9 của Bộ Tư pháp.

Phát biểu tại phiên điều trần phê chuẩn tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện ngày 1-8, ông Wray cam kết sẽ làm việc “độc lập”. Ông nói: “Nếu được vinh dự trở thành lãnh đạo của FBI, tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ điều gì chi phối hoạt động của cơ quan này, ngoài sự thật, luật pháp và công lý”. 

Ông Wray được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đánh giá cao vì yếu tố “độc lập” mà ông đề cập. Tuy nhiên, tân Giám đốc FBI sẽ phải thuyết phục các quan chức Chính phủ, đặc biệt là nhân viên của FBI và công chúng rằng ông sẽ thực sự làm được điều mình cam kết chứ không phải trở thành một “trợ lý đắc lực” của Tổng thống Donald Trump. 

Trước đó, hồi đầu tháng 6-2017, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump cho biết sẽ đề cử ông Wray trở thành tân Giám đốc FBI. Đề cử của Tổng thống Donald Trump được đưa ra sau một loạt những bất đồng giữa ông chủ Nhà Trắng với người tiền nhiệm của ông Wray, cựu Giám đốc FBI James Comey.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc Tổng thống cách chức Giám đốc FBI James Comey hôm 9-5 với lý do không lãnh đạo FBI một cách hiệu quả. Trong khi đó, ông Comey lại cho rằng quyết định của Tổng thống nhằm ngăn cản cuộc điều tra do FBI đang tiến hành về cáo buộc các cố vấn của ông Trump “thông đồng” với Nga để tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. 

Sẽ từ chức bất cứ lúc nào

Trên cương vị lãnh đạo mới của FBI, ông Christopher Wray phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Wray khẳng định sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản cuộc điều tra của Công  tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách giám sát cuộc điều tra về cái gọi là “Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ” năm 2016, đều là điều không thể chấp nhận. Hướng mới này sẽ cho phép các điều tra viên thẩm vấn nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Thứ trưởng Tư pháp Rod và có thể cả Tổng thống Trump.

Dù Tổng thống đương nhiệm ít khả năng bị truy tố, song nếu có bằng chứng cho thấy ông đã cản trở công lý thì người đứng đầu Chính phủ có thể đối mặt với một cuộc luận tội. Tất nhiên bước đi này sẽ phải được Hạ viện thông qua trong khi cơ quan này hiện do những người Cộng hòa của Tổng thống Trump kiểm soát. 

Trên thực tế, tân Giám đốc FBI Christopher Wray dường như có nhiều quan điểm không nhất trí với Tổng thống Trump. Đầu tiên và quan trọng nhất là ông không tin rằng Công tố viên đặc biệt Robert Mueller “đang đi săn phù thuỷ” khi ông dẫn đầu cuộc điều tra về mối liên hệ của các cố vấn Tổng thống với Nga. Ông Wray cũng tin rằng Nga đã hành động để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, dù rằng Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. 

Trong suốt buổi điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Wray đã chỉ ra rằng ông không phải là người của Tổng thống, chỉ là người được Tổng thống lựa chọn. Ông cũng nhấn mạnh sẽ từ chức bất cứ khi nào nếu Tổng thống yêu cầu ông làm điều gì đó trái với luật pháp Mỹ.