Tấn công đẫm máu ở Afghanistan: Cái kết nào cho một thỏa thuận ngừng chiến?

ANTD.VN - Một kẻ đánh bom tự sát đứng giữa một đám đông gồm cả trẻ em và người lớn đang nhảy múa trong một đám cưới tổ chức tại thành phố Kabul, Afghanistan. Trong nháy mắt, hắn ta kích nổ chiếc áo chứa đầy chất nổ, giết chết hàng chục người trong đám cưới. Niềm vui, hạnh phúc đã buộc phải nhường chỗ cho những mất mát to lớn. Không khí tang tóc lại bao trùm lên đất nước Afghanistan và cả tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Taliban về một thỏa thuận ngừng chiến ở đất nước này.

Tận cùng của tội ác

Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công tàn bạo nhất trong năm nay tại thủ đô Kabul, Afganistan khiến 63 người thiệt mạng và 182 người bị thương.  

Vụ nổ xảy ra tại một khu phố phía tây Kabul, nơi có nhiều người trong cộng đồng Shiite Hazara thiểu số của đất nước. IS, tổ chức đã tuyên chiến với người Shiite của Afghanistan gần hai năm trước, đã nhận trách nhiệm về nhiều vụ tấn công nhắm vào dân thường trong quá khứ, cho biết trong một tuyên bố rằng một chiến binh IS sẵn sàng tử vì đạo và mục tiêu nhắm tới là những đám đông người Shiite.

Có hơn 1.200 người đã được mời đến dự đám cưới này và trên thực tế là khách mời gồm cả người Shiite và Sunni.

Tấn công đẫm máu ở Afghanistan: Cái kết nào cho một thỏa thuận ngừng chiến? ảnh 1

Những người đàn ông Afghanistan ôm nhau  khóc  trong đám tang của người thân sau vụ nổ bom tự sát ở Kabul, Afghanistan ngày 18-8-2019 (Ảnh Reuters)

Quả bom phát nổ tại vị trí gần sân khấu nơi các nhạc sĩ đang chơi nhạc, ở dưới, các thanh niên, trẻ em đang nhảy múa và và tất cả những người ở đó đã thiệt mạng, một nhân chứng cho biết. Những người sống sót đã mô tả cảnh hoảng loạn trong hội trường tối, khi mọi người la hét và dẫm đạp lên nhau để tìm những người thân.

Vụ nổ tại hội trường đám cưới đã phá vỡ một khoảng thời gian tương đối yên tĩnh ở Kabul. Trước đó, vào ngày 7-8, một xe gài bom của Taliban nhắm vào lực lượng an ninh Afghanistan đã phát nổ trên một con đường, cách đám cưới này một đoạn ngắn, cũng đã làm 14 người chết và 145 người bị thương, trong đó hầu hết là phụ nữ, trẻ em và người dân khác.  

Trước vụ việc này, phái viên của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, ông Tadamichi Yamamoto đã tuyên bố: “Một cuộc tấn công có chủ ý vào dân thường, chỉ có thể được mô tả như một hành động khủng bố hèn nhát”.

Taliban, một tổ chức khủng bố khác mà Mỹ hy vọng sẽ giúp kiềm chế sự trỗi dậy của IS, cũng đã lên án cuộc tấn công đẫm máu và vô nhân đạo của IS vào ngày 17-8.

 Người dân tổ chức tang lễ cho các nạn nhân của vụ nổ trong đám cưới ở Kabul, Afghanistan ngày 18 – 8- 2019 (Ảnh Reuters)

Tương lai nào cho một thỏa thuận ngừng chiến?

Vụ nổ xảy ra ngay trước ngày quốc khánh thứ 100 của Afghanistan vào ngày 19-8. Thành phố, từ lâu đã quen thuộc với các trạm kiểm soát và phong tỏa, nay lại được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Hiện không rõ các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh tại Kabul theo kế hoạch có được diễn ra hay không.

Người Afghanistan một lần nữa phẫn nộ đặt ra câu hỏi rằng liệu họ có được sự an toàn hay không khi mà Mỹ và Taliban đang xúc tiến ký kết các thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến dài này. 

Sự xuất hiện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trong những năm gần đây là mối đe dọa lớn nhất đối với thường dân Afghanistan trong khi Mỹ và Taliban vẫn đang trong quá trình tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt gần 18 năm chiến tranh ở đất nước này. Trong khi Mỹ muốn Taliban đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không còn được sử dụng làm bệ phóng cho các cuộc tấn công khủng bố toàn cầu, thì dường như không có sự bảo đảm nào cho việc bảo vệ dân thường Afghanistan.    

Cuộc tấn công cũng diễn ra vào thời điểm khi Mỹ và Taliban đang tiến tới một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh sau nhiều vòng đàm phán trong năm nay. Chính phủ Afghanistan đã phải ngồi ngoài trong các cuộc đàm phán này khi Taliban từ chối đàm phán với cái mà họ gọi là “con rối” của nước Mỹ.

Các vấn đề hàng đầu trong các cuộc đàm phán bao gồm việc rút quân đội Mỹ và Taliban đảm bảo họ sẽ không cho phép Afghanistan trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công khủng bố toàn cầu. Trong đó, sự hiện diện ngày càng đe dọa của Nhà nước Hồi giáo là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ. Các vấn đề khác bao gồm một cuộc đàm phán ngừng bắn và vấn đề nội bộ của Afghanistan về tương lai của đất nước.

Nhiều người Afghanistan lo ngại rằng các cuộc tấn công khủng bố trong nước sẽ vẫn tiếp tục, và rất ít người tin rằng Taliban, một tổ chức khủng bố, thường xuyên  chuyên tổ chức các cuộc tấn công đẫm máy nhắm vào dân thường lại có thể đứng ra bảo vệ họ khỏi sự tàn bạo của IS hoặc bất kỳ tổ chức khủng bố nào khác.