Tầm nhìn chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

ANTD.VN - Khái niệm địa chính trị “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng thay thế cho thuật ngữ “Châu Á-Thái Bình Dương” phản ánh một tầm nhìn khu vực chiến lược của giới hoạch định chính sách Mỹ. 

Tầm nhìn chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Tổng thống Mỹ D.Trump và Thủ tướng Ấn Độ N.Modi đồng thuận trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) từ lâu đã có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình các cam kết rộng lớn hơn cam kết “Châu Á trước hết” của Mỹ. Ấn Độ Dương là khu vực tập trung nhiều nhất các kênh giao thông đường thủy quan trọng trên thế giới, có eo biển, kênh giao thông quan trọng so với bất cứ đại dương nào. Ấn Độ Dương chiếm 1/9 hải cảng thế giới, 1/5 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, các container vận chuyển qua Ấn Độ Dương hàng năm chiếm 50% số container vận chuyển trên toàn thế giới. Dầu thô vận chuyển hàng năm qua Ấn Độ Dương chiếm 46,5% lượng vận chuyển dầu thô bằng đường biển hàng năm trên thế giới. 

Theo thống kê khác, có đến hơn 100.000 tàu thuyền qua Ấn Độ Dương, mỗi năm, trong đó bao gồm 2/3 tàu chở dầu, 1/3 tàu chở hàng cỡ lớn và 1/2 tàu chở container trên thế giới. Thương mại quốc tế hai chiều qua Ấn Độ Dương đạt gần 1.000 tỷ USD/năm. Khu vực này hiện là nơi có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 7 trong số 8 thị trường phát triển nhanh nhất và 7 trong số 10 lực lượng quân đội quy mô nhất toàn cầu. Nhiều người thậm chí còn dự đoán rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ đóng góp hơn một nửa sản lượng kinh tế thế giới trong những năm tới. Chính vì vậy, bất cứ một nước lớn nào cũng đều rất coi trọng Ấn Độ Dương, mong muốn có thể chiếm vị thế chủ đạo ở khu vực chiến lược này.

Tuy Chính phủ Mỹ cho rằng lợi ích của nước này ở Ấn Độ Dương là đa phương diện, liên quan đến chính trị, kinh tế, an ninh, môi trường, tài nguyên, nhưng thông qua việc tổng kết lại có thể thấy lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương chủ yếu tập trung ở các mặt: Thứ nhất, bảo đảm chắc chắn Ấn Độ Dương là tuyến thương mại quốc tế an toàn và thông suốt. Thứ hai, khống chế dầu mỏ của khu vực Trung Đông, gây ảnh hưởng đối với những nước nhập khẩu dầu mỏ quan trọng, từ đó duy trì quyền lực. 

Thứ ba, ngăn chặn các nước không hữu nghị với Mỹ giữ vai trò chủ đạo Ấn Độ Dương, đặc biệt là con đường yết hầu của Ấn Độ Dương. Có hai con đường yết hầu của Ấn Độ Dương: một là phía Đông eo biển Malacca và kéo dài đến Biển Đông, chủ yếu ngăn chặn đối tượng là Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy; hai là, eo biển Hormuz, ngăn chặn đối tượng là Iran. Mỹ luôn cảm thấy lo ngại trước thực lực của Trung Quốc không ngừng tăng lên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đang phát triển một dự án đường bộ, đường sắt và ống dẫn dầu đi qua Trung Á và Pakistan, đặc biệt là triển khai một cảng nước sâu gần Karachi (Pakistan), khu vực chiến lược cửa gõ vào Vịnh Ba Tư.

Thông qua dự án “Một vành đai, Một con đường”, với trọng tâm là Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Trung Quốc đang thể hiện rõ ý định thay đổi hiện trạng và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy của Trung Quốc tất nhiên sẽ thách thức lợi ích chiến lược và an ninh của Mỹ ở khu vực này.

Đối với Mỹ, việc đề cập đến Ấn Độ Dương cũng là nhắc đến Ấn Độ, một quốc gia rộng lớn, đông dân, kinh tế phát triển nhanh ở châu Á. Gần đây, chính sách của Ấn Độ đã thay đổi tương đối. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu rời xa chính sách trung lập vốn tồn tại lâu dài trong các chính quyền tiền nhiệm để đổi sang sách lược chiến tranh ngoại giao có tính cân bằng với Trung Quốc.

Từ mùa hè năm ngoái, Ấn Độ đã lên kế hoạch chi tiêu ít nhất 61 tỷ USD trong 12 năm tiếp theo để phát triển lực lượng Hải quân của nước này khi các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Ấn Độ Dương. Mỹ tìm thấy điểm chung với Ấn Độ trong việc kiềm chế và ngăn chặn tham vọng vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Vì thế, Washington hy vọng cải thiện và tăng cường quan hệ với New Delhi có thể là một chính sách đối trọng với Bắc Kinh trong khu vực.