Taliban tiến thoái lưỡng nan tại Afghanistan

ANTĐ - Thủ đô Kabul của Afghanistan tối 26-5 một lần nữa lại trở nên hỗn loạn khi xảy ra vụ phiến quân Taliban tấn công thẳng vào khu ngoại giao đoàn được bảo vệ nghiêm ngặt tại quận trung tâm Wazir Akbar Khan. Mặc dù cả 4 tay súng Taliban tham gia vụ tấn công đã bị tiêu diệt, song sự kiện này cho thấy đây dường như là một nỗ lực thất bại của Taliban trong việc tìm kiếm lại vị thế và ảnh hưởng của họ ở Afghanistan trong bối cảnh tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang bành trướng ảnh hưởng sang quốc gia Nam Á này.

Vụ tấn công bắt đầu xảy ra vào tối 26-5, khi 4 kẻ tấn công tìm cách chiếm quyền kiểm soát khách sạn Heetal vốn được bảo vệ nghiêm ngặt ở quận Wazir Akbar Khan, nơi tập trung nhiều đại sứ quán nước ngoài. Sau hơn 5 tiếng giao tranh dữ dội, đến rạng sáng 27-5, chiến dịch đã kết thúc khi lực lượng an ninh Afghanistan tiêu diệt toàn bộ 4 nghi phạm trước khi chúng đến gần được mục tiêu. Taliban đã nhận là thủ phạm gây ra vụ tấn công này. Thứ trưởng Nội vụ phụ trách An ninh Afghanistan, Tướng Ayoub Salangi  cho biết, cảnh sát còn thu giữ được một lựu đạn, 3 khẩu AK-47 và một súng bắn rocket. Ông Salangi khẳng định những kẻ tấn công đã thất bại trong việc gây thương vong cho dân thường và lực lượng an ninh.

Taliban tiến thoái lưỡng nan tại Afghanistan ảnh 1

Một nhóm phiến quân Taliban ở Afghanistan

Khách sạn Heetal thuộc sở hữu của gia đình Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani. Đây là nơi khách nước ngoài thường xuyên lưu trú. Năm 2009, tòa nhà này từng bị hư hại bởi một vụ đánh bom liều chết của Taliban ở bên ngoài cổng khách sạn, làm 8 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Đầu tháng này, Taliban cũng đã thực hiện một vụ tấn công tương tự nhằm vào một nhà khách tại Thủ đô Kabul khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có 9 người nước ngoài.

Sức ép cả trong lẫn ngoài

Những vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh phiến quân Taliban bắt đầu chiến dịch tấn công mùa Xuân hàng năm bất chấp những lời đề nghị nối lại hoà đàm của Kabul. Đây sẽ là mùa giao tranh đầu tiên lực lượng an ninh Afghanistan chiến đấu với phiến quân mà không có sự hỗ trợ đầy đủ của các lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, ban lãnh đạo Taliban đang rời vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Trong bối cảnh IS ngày càng gia tăng ảnh hưởng ngày tại khu vực Afghanistan-Pakistan, thì một thỏa hiệp chính trị với Chính phủ có thể gây chia rẽ Taliban ở Afghanistan, đồng thời có lợi cho IS trong khu vực. 

Với sự nổi lên của Khurasan Shura - nhánh IS tại Afghanistan và Pakistan, lực lượng thánh chiến tại hai nước này đã gặp phải thách thức lớn. Hiện lực lượng Taliban ở Afghanistan-Pakistan đang trải qua biến chuyển lớn về hoạt động và ý thức hệ với những điều chỉnh về chiến lược và chiến thuật tại vùng này. Về mặt tổ chức và chiến thuật, đó là lực lượng do al-Qaeda và Taliban Afghanistan cầm đầu, song về tư tưởng và chiến lược, lực lượng này lại đang lấy nguồn cảm hứng từ IS.

Theo chuyên gia nghiên cứu Abdul Basit thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), ở thời điểm hiện tại, ban lãnh đạo Taliban Afghanistan đang bị chia rẽ bởi vấn đề đàm phán hòa bình với Chính phủ. Trong khi giới lãnh đạo lớn tuổi muốn một thỏa thuận chính trị với Kabul, thì thế hệ thánh chiến trẻ hơn, gồm các chỉ huy và chiến binh ở thực địa, phản đối mạnh mẽ ý tưởng này. Họ tin rằng, sau 13 năm chinh chiến, một thỏa hiệp chính trị đồng nghĩa với việc lãng phí sự hi sinh, một sự sỉ nhục rõ ràng đối với những tay súng đã “tử vì đạo”. Trong hoàn cảnh đó, những chiến binh muốn tiếp tục chiến đấu vì ý thức hệ hay những lí do khác sẽ chuyển sang IS. Quả thực, điều này đang tạo ra một thách thức đặc biệt và chưa từng có đối với Taliban Afghanistan.

Rõ ràng, đức tin và lời thề trung thành với Taliban là hai rào cản lớn với thế hệ thánh chiến trẻ tuổi muốn chuyển sang IS. Trong cộng đồng thánh chiến, bất trung với đức tin như là một hành động nhục nhã và phải chịu hình phạt tử hình. Tuy nhiên, sự “mất tích” suốt 13 năm qua của thủ lĩnh Mullah Umar và thành công của mô hình IS đã cho thế hệ thánh chiến trẻ tuổi với sự cấp tiến hóa tôn giáo một lối thoát. Trước khi gia nhập IS, người phát ngôn nhóm chiến binh Uzbek ở Afghanistan, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU), đã tuyên bố: “Không ai nhìn thấy Mullah Omar trong 13 năm qua và vì thế ông ta không còn có thể là lãnh đạo theo luật Hồi giáo Sharia”.

Thế hệ tân binh thánh chiến trẻ tuổi ở Afghanistan-Pakistan ít bị cuốn hút bởi các giáo lý. Với nhóm thánh chiến này, sự hấp dẫn của việc tham gia cái gọi là Nhà nước Hồi giáo - mà bề ngoài dường như là sự tái lập một trật tự xã hội Hồi giáo thuần khiết - có sức nặng hơn bất kỳ đức tin nào. Ngoài ra, hoạt động của Taliban Afghanistan chỉ hạn chế ở Afghanistan cũng làm “vỡ mộng” nhiều tân binh thánh chiến trẻ tuổi. Trong mắt họ, Taliban là một nhóm chính trị thuần túy coi thánh chiến là một vỏ bọc tôn giáo để khôi phục chính quyền bị Mỹ lật đổ sau năm 2001. Họ tin Taliban Afghanistan đang chỉ vì lợi ích chính trị nhỏ bé của mình và gặp bất lợi trong quá trình này, đồng thời bỏ qua nhiều vấn đề lớn và đáng kể hơn mà  cộng đồng Hồi giáo toàn cầu đang đối mặt, vốn được IS chỉ ra đầy đủ trong thông điệp tuyên truyền của chúng.

Chịu ảnh hưởng từ sự bành trướng của IS

Nếu IS có thể duy trì vị thế ở Syria và Iraq thì sẽ càng có nhiều nhóm thánh chiến ở Afghanistan và Pakistan bị lôi cuốn. Điều này sẽ càng làm Taliban Afghanistan và al-Qaeda thêm khó khăn. Nếu không kiểm soát, lực lượng chiến binh gia nhập IS sẽ gây nguy hiểm trong tương lai. Đến nay, các đối tượng chuyển sang IS chủ yếu là phần tử bị Taliban gạt ra bên lề. Quả thực, việc các chiến binh thánh chiến chuyển sang IS quy mô lớn trong tương lai sẽ làm thay đổi toàn bộ cục diện khu vực. Những phần tử như vậy phải được nhìn nhận là nhân tố gia tăng ảnh hưởng của IS.

Theo chuyên gia Abdul Basit, những chiến thắng quân sự của IS ở Iraq và Syria, sức hấp dẫn gần như trên toàn cầu của Vương quốc Hồi giáo tự xưng và khẩu hiệu khủng bố thánh chiến hiện nay đang ảnh hưởng đến các nhóm thánh chiến ở Afghanistan và Pakistan. Al-Qaeda và Taliban Afghanistan, từng đi đầu trong phong trào thánh chiến ở Afghanistan và Pakistan, giờ đây mắc kẹt trong cuộc chiến giành địa bàn với IS. Ngày càng nhiều tay súng thánh chiến, đặc biệt thế hệ trẻ, thể hiện khuynh hướng ủng hộ IS.

Hôm 18-4 vừa qua, IS đã thừa nhận là thủ phạm gây ra vụ đánh bom liều chết tại Jalalabad - miền Đông Afghanistan - làm ít nhất 34 người chết và hơn 100 người bị thương. Giới quan sát cho rằng người dân Afghanistan dường như đang phải đối mặt với một giai đoạn xung đột đẫm máu nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Sự nguy hiểm của các tay súng trong hàng ngũ IS đã được giới chức an ninh nước này thừa nhận. Phát biểu trước Quốc hội Afghanistan hôm 19-4, Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Afghanistan Hesamuddin Hesam cho biết: “IS chia thành hai loại. Một loại hoạt động tại Syria và một loại tại Afghanistan. Các tay súng tại Afghanistan chính là những kẻ từng thuộc lực lượng Taliban trước đây, chúng thay màu cờ từ trắng thành đen, và ngày càng trở nên điên cuồng.

Trong nội bộ lực lượng Taliban, tổ chức khẳng định mình không liên quan tới vụ tấn công ngày 18-4, những tháng gần đây liên tục ghi nhận các vụ đào ngũ. Trong bối cảnh quân đội NATO đang rút dần về nước, nhiều người cho rằng một số tay súng đã dùng lá cờ đen của IS để khẳng định chúng vẫn là lực lượng có tầm ảnh hưởng và có sức đe dọa đáng kể.

Chuyên gia phân tích J.M. Berger, đồng tác giả cuốn “IS: Một chế độ khủng bố”, nhấn mạnh: “IS đã từng tới Afghanistan. Vụ tấn công ngày 18-4 có thể chỉ là một hành động nhằm tái khẳng định mình của IS trong khi chúng đang phải chịu không ít áp lực tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, chúng ta cần theo dõi những diễn biến sau đây, có thể manh mối cụ thể sẽ xuất hiện...”. 

Trong bài phát biểu sau vụ tấn công hôm 18-4, Tổng thống Ghani đã nhắc đến nguy cơ IS đang thâm nhập vào Afghanistan song không đưa ra bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, một số chuyên gia quan sát khu vực cáo buộc ông Ghani đang tìm cách thu hút sự chú ý của thế giới bằng việc lợi dụng mối đe dọa từ IS trong bối cảnh viện trợ quốc tế dành cho Afghanistan giảm mạnh và quân đội nước ngoài rút dần về nước.

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Afghanistan Amrullah Saleh nói: “Sự hiện diện của IS tại Afghanistan là một đòn tâm lý, nhiều yếu tố giả tưởng hơn là thực tế... Ngoại trừ tuyên bố thừa nhận của các tay súng, Afghanistan có bằng chứng gì để chứng minh chính IS là thủ phạm vụ tấn công ngày 18-4?”. Mặc dù vậy, đúng như ông Saleh khẳng định, “cho dù những kẻ khủng bố chiến đấu dưới lá cờ gì thì bản chất của chúng cũng như nhau,…” và “tất cả những kẻ khủng bố đều thực hiện các chiến thuật bẩn thỉu và đẫm máu”. 

Theo thống kê của Liên hợp quốc, thương vong tại Afghanistan trong 4 tháng đầu năm 2015 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 974 người thiệt mạng và 1.963 người bị thương.