Tại sao Mỹ quyết tâm lật đổ chính quyền Venezuela?

ANTD.VN - Bộ Tài chính Mỹ (8-4) đã tuyên bố áp đặt một vòng trừng phạt mới nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Theo đó, các biện pháp đã tập trung vào 34 tàu thuộc sở hữu của Công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela (PDVSA), nhằm thắt chặt hơn "yết hầu" (dầu mỏ) của Venezuela.

Xâu chuỗi lại các sự kiện liên quan trong quá khứ

Kể từ những năm 1998, Mỹ đã tìm cách lật đổ chính quyền Venezuela. Điều đe dọa chính quyền Mỹ khi đó là động lực của phong trào Bolivar được thúc đẩy nhờ việc Hugo Chavez đắc cử Tổng thống năm đó. Ông Chavez đã thắng cử với sứ mệnh được những người lao động và người nghèo ở Venezuela ủy thác là cải tạo đất nước, hướng tới đáp ứng những nhu cầu từ lâu đã bị phớt lờ của họ.

Tổng thống Hugo Chavez (Nguồn: AP)

Venezuela với trữ lượng dầu mỏ được xác định là lớn nhất, đã làm giàu cho các công ty dầu khí có trụ sở ở Mỹ và giới đầu sỏ chính trị của chính nước này. Bộ trưởng ngành dầu khí then chốt của Venezuela vào đầu những năm 1960 (và là người sáng lập ra OPEC - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) Juan Oablo Pê Alfonso ngay lập tức đã gọi dầu mỏ là "phân của quỷ".

Ông Chavez đã xuất hiện như hiện thân cho kỳ vọng của dân chúng. Ông đe dọa các công ty dầu mỏ và giới đầu sỏ chính trị - đó là lý do tại sao Mỹ tìm cách lật đổ ông.

Âm mưu đảo chính đầu tiên diễn ra vào năm 2002, khi Mỹ lôi kéo quân đội và giới đầu sỏ chính trị lật đổ tổng thống Chavez. Kết quả là, họ đã thất bại. Hơn nữa, sau sự kiện trên, Tổng thống Hugo Chavez đã tiến hành thanh lọc kỹ hàng ngũ quân đội; tăng cường sự trung thành của họ bằng cách trả lương cao, ban cho nhiều đặc quyền, nắm giữ các vị trí trọng yếu trong chính phủ và kiểm soát phần lớn nền kinh tế nước này.

Ngoài ra, ông Chavez cũng được người dân tin tưởng hơn trong việc giúp họ cải thiện đời sống; người dân lúc đó mất niềm tin vào Mỹ hay giới đầu sỏ chính trị khi hai lực lượng này từng bóp nghẹt họ trong thế kỷ trước.

Học thuyết Monroe mà Mỹ sử dụng để kiểm soát Tây Bán cầu chưa bao giờ làm được nhiều điều tốt đẹp cho hàng triệu người từ cực Nam của Argentina tới cực Bắc của Canada. Theo đó, học thuyết này chỉ làm lợi cho các tập đoàn lớn và giới "chóp bu" chứ không đem lại lợi ích cho dân thường - nền tảng của chủ nghĩa Chavez (các Chavista).

Đến thời kỳ Tổng thống N. Maduro, người theo tư tưởng của người tiền nhiệm H. Chavez. Vì vậy, Mỹ âm mưu lật đổ chính quyền cũ, lập nên một chính quyền mới thân Mỹ nhằm dễ bề điều khiển.

Mới đây, ngày 23-01-2019, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ/phương Tây, Chủ tịch Quốc hội Venezuela J. Guaido đã tuyên thệ nhậm chức "Tổng thống lâm thời"; đồng thời tiến hành các biện pháp trừng phạt ngoại giao, kinh tế và cô lập chính quyền đương nhiệm. Điều gì đã khiến Mỹ quyết tâm can thiệp lật đổ chính quyền Maduro?

Thứ nhất: Âm mưu thâu tóm nguồn lợi từ dầu mỏ

Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới; không có bất kỳ nghi ngờ gì về việc các công ty dầu mỏ Mỹ từ lâu đã muốn nắm quyền kiểm soát ở Caracas, âm mưu trong việc trở thành "lãnh đạo" của các quốc gia dầu mỏ, chủ động điều phối được giá dầu theo ý muốn.

Nhưng Mỹ không cần phải lấy dầu mỏ ngay lập tức, bởi thế giới đang phải đối mặt với tình trang dư thừa sản lượng dầu mỏ, với việc Saudi Arabia đang vận hành "hết tốc lực" các giếng dầu của họ và Mỹ có thể sản xuất nhiều dầu hơn trước (nhờ công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến, băng cháy, công nghệ cracking...).

Venezuela có trữ lượng dự trữ dầu thô gần 301 tỷ thùng dầu thô

Giá dầu thấp kết hợp với các vấn đề tiền tệ bên trong (mất giá đồng nội tệ Bolivar) Venezuela đã mang lại cho Mỹ cơ hội "độc nhất vô nhị" để thách thức chính quyền Maduro. Bối cảnh để thay đổi chế độ đã được cải thiện khi Jair Bolsonaro lên nắm quyền ở Brazil, và khi Canada, hơn chục nhà lãnh đạo Mỹ Latinh lập ra nhóm Lima để thúc đẩy việc lật đổ Maduro.

Chính phủ Mỹ gọi Venezuela và Nicaragua, Cuba là "liên minh ma quỷ" tại Nam Mỹ, vì vậy, luôn ẩn chứa âm mưu lật đổ chính quyền các nước này, nhằm kiểm soát toàn bộ "sân sau".

Thứ hai: Ngăn chặn Nga và Trung Quốc "thâm nhập" sâu vào Nam Mỹ

Sau khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991), Mỹ và các đồng minh theo chế độ chính trị đầu sỏ hy vọng sẽ không xuất hiện bất kỳ thế lực nào thay thế cho sự thống trị của họ. Do đó, chỉ cần manh nha xuất hiện các "đối trọng" là Mỹ tìm cách đập tan ngay khi đe dọa đến vị thế "độc tôn" của mình.

Trong những năm qua, Nga và Trung Quốc trở thành 2 "cái gai trong mắt" Mỹ. Theo thống kê, Trung Quốc là chủ nợ và nhà đầu tư chính cho chế độ của chính quyền Tổng thống N. Maduro, thậm chí còn vượt xa Nga về đầu tư (gần 20 tỷ USD). Tính tới thời điểm hiện tại, tổng cộng, Venezuela nhận được từ các ngân hàng Trung Quốc  khoản vay khoảng 50 tỷ USD (theo một nguồn khác - 62,2 tỷ USD) và gần 21 tỷ USD đầu tư khác, cùng với số lượng dự án chung lên tới 790.

Trong khi đó, Nga hiện đang là nguồn cung vũ khí lớn nhất của Venezuela, "bạn hàng tin cậy" của Tổng thống Maduro. Khi Mỹ tìm cách lật đổ chính quyền đương nhiệm, chính phủ Nga tích cực hỗ trợ Maduro duy trì quyền lực, bảo vệ đất nước tránh khỏi sự đổ vỡ, đồng thời cử các chuyên gia giúp đất nước Venezuela phục hồi kinh tế; huấn luyện quân đội tác chiến trong trường hợp cấp bách.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Nguồn: AP)

Không những vậy, Nga còn thiết lập căn cứ quân sự, xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí ngay tại Venezuela, ký nhiều hợp đồng lớn về vũ khí, dầu mỏ với chính quyền Tổng thống Maduro, trong đó, nổi bật nhất là các thỏa thuận về khai thác dầu mỏ của các Tập đoàn Nga - Rosneft và Gazprom.

Thứ ba: Sử dụng chiêu bài dân chủ, tiến tới mục đích chính trị

Từ trước tới nay, nước Mỹ luôn thích dùng chiêu bài "dân chủ" để thúc đẩy nghị trình của chính họ. Tổng thống Chavez đắc cử một vài lần, các chính sách của ông được đông đảo người dân hưởng ứng. Ông N. Maduro cũng đã yêu cầu Mỹ và các quan sát viên nước ngoài tới Venezuela giám sát cuộc bầu cử, và ông đã giành chiến thắng, trong khi đó, phe đối lập cánh hữu đã thua vì họ không thể giành được niềm tin ở dân chúng.

Những người ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido tham gia biểu tình chống Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Nguồn: RT)

Không chịu từ bỏ âm mưu, tháng 11/2006, Đại sứ Mỹ W. Brownfield đã thúc đẩy dân chủ khi gửi điện tín gồm chiến lược 5 điểm tới Washington: (1) củng cố các thể chế dân chủ; (2) thâm nhập vào các nhóm cử tri luôn ủng hộ Chavez; (3) chia rẽ chủ nghĩa Chavez; (4) bảo vệ doanh nghiệp Mỹ có tầm quan trọng sống còn; (4) cô lập Chavez với quốc tế.

Đây là sự can thiệp trắng trợn của Mỹ vào nền chính trị của Venezuela. Đối với khu vực "sân sau", Mỹ ép các nước phải chịu khuất phục và "nghe" sự chỉ bảo của mình. Chính phủ Mỹ thường xuyên cấp vốn cho hoạt động của các tổ chức dân sự nhằm thách thức tính hợp pháp của tiến trình bầu cử ở Venezuela, song hiện nay chiêu bài này của Mỹ chưa thể thành công.

Như vậy, có thể hiểu, vấn đề then chốt ở đây là ý nghĩ rằng, Mỹ phải là nước hùng mạnh nhất trên thế giới và không một nước nào được phép đe dọa "vị thế số một" của cường quốc này bằng sức mạnh quân sự hay bằng một nghị trình kinh tế thay thế.