Tái phát khủng hoảng

(ANTĐ) - Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại trở nên trầm trọng sau khi CHDCND Triều Tiên gỡ bỏ niêm phong hạt nhân và trục xuất các nhân viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khỏi các cơ sở hạt nhân của nước này.

Tái phát khủng hoảng

(ANTĐ) - Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại trở nên trầm trọng sau khi CHDCND Triều Tiên gỡ bỏ niêm phong hạt nhân và trục xuất các nhân viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khỏi các cơ sở hạt nhân của nước này.

Theo lệnh cấm của Triều Tiên, 3 thanh sát viên IAEA đang giám sát việc vô hiệu hóa hoạt động làm giàu nguyên liệu hạt nhân phải rời khỏi tổ hợp hạt nhân Yongbyon trong tuần này. Trước đó, Triều Tiên cũng yêu cầu các thanh sát viên IAEA dỡ bỏ khoảng 100 dấu niêm phong và tháo 20-25 máy camera tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Đây được xem là những bước đi cụ thể của Triều Tiên để sớm vận hành trở lại nhà máy sản xuất nguyên liệu hạt nhân Yongbyon. Trước đó, Triều Tiên cũng đã có những hành động để thực hiện điều mà quan chức phụ trách đàm phán hạt nhân của nước này tuyên bố là “tái khởi động lò phản ứng hạt nhân chính ở Yongbyon”.

Lò phản ứng của nhà máy hạt nhân Yongbyon
Lò phản ứng của nhà máy hạt nhân Yongbyon

Việc Triều Tiên chuẩn bị khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon đã đẩy thỏa thuận “đổi viện trợ lấy phi hạt nhân” đạt được trong cuộc đàm phán 6 bên hồi tháng 10-2007 tới nguy cơ đổ vỡ. Theo thỏa thuận được xem là nền móng quan trọng nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên này, Bình Nhưỡng sẽ vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon, đổi lại sẽ nhận được viện trợ kinh tế cũng như những nhượng bộ về chính trị.

Phía Triều Tiên đã có những việc làm cụ thể nhằm thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Trong đó đáng chú ý nhất là trao cho các bên tham gia cuộc đàm phán 6 bên bản kê khai chi tiết chương trình hạt nhân dày 60 trang và phá hủy tháp làm lạnh của cơ sở hạt nhân Yongbyon - một biểu tượng chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tính ra đến nay Bình Nhưỡng đã thực hiện được khoảng 80% cam kết của mình.

Về phần mình, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã tiến hành nhiều chuyến hàng viện trợ lương thực và năng lượng tới Triều Tiên. Thế nhưng, cam kết then chốt nhất là loại Triều Tiên khỏi danh sách những nước tài trợ cho khủng bố lại bị phía Mỹ khất lần. Trong khi đó, bị liệt vào danh sách những nước tài trợ cho khủng bố đã ảnh hưởng khá lớn tới các hoạt động kinh tế và tài chính của Triều Tiên.

Biện minh cho sự chậm trễ trong việc đưa Triều Tiên khỏi danh sách tài trợ cho khủng bố, Washington nói rằng cần phải kiểm chứng bản kê khai chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, cái lý này của Mỹ không thuyết phục được Triều Tiên, bởi nước này đã đưa bản kê khai từ hồi tháng 6, tức là cách đây tới 3 tháng.

Chính vì vậy mà Triều Tiên cho rằng lý do thực sự khiến Mỹ chưa loại nước này khỏi danh sách tài trợ khủng bố là muốn tiếp tục thực hiện chính sách bao vây cô lập để gây áp lực buộc Bình Nhưỡng vô hiệu hóa chương trình hạt nhân. Washington muốn lấy việc loại Triều Tiên khỏi danh sách tài trợ khủng bố làm “cây gậy” buộc nước này đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân thì Bình Nhưỡng cũng chẳng ngần ngại gì mà không dùng “chiêu” tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyon để đòi Mỹ thực hiện cam kết của họ trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Hoàng Hà