Tái hiện hình ảnh siêu cường
(ANTĐ) - Nước Nga vừa khởi động chương trình phòng không quy mô lớn, tàu ngầm nghiên cứu của Nga cắm cờ dưới đáy biển Bắc cực, các máy bay ném bom chiến lược của Nga lại bắt đầu các chuyến bay tuần tra như thời Liên Xô trước đây, hải quân Nga chuẩn bị tái hiện tại Địa Trung Hải… Một loạt những động thái mà nước Nga liên tục đưa ra cho thấy chính sách đối ngoại của Nga đang có cuộc điều chỉnh lớn.
Tổng thống V-Putin đang trực tiếp theo dõi hoạt động của trạm rada cảnh giới tên lửa mà Nga mới triển khai |
Đây không phải là sự đột biến trong tư duy của nước Nga mà là hệ quả tất yếu từ cách hành xử của phương Tây với Nga trong nhiều năm qua. Nhìn lại quá khứ, dù giải thích thế nào thì cũng không thể phủ nhận thực tế Mỹ và phương Tây chưa bao giờ từ bỏ chiến lược bao vây và làm suy yếu nước Nga, cho dù có lúc, như dưới thời Tổng thống B. Elsin, nước Nga đã từng nhìn về phía Tây với ảo tưởng sẽ được đối xử như người “cùng hội, cùng thuyền”.
Bất chấp sự phản đối quyết liệt của Nga, liên minh quân sự NATO hùng mạnh nhất thế giới vẫn tiếp tục “đông tiến” gặm nhấm dần các khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga. Cho dù nguy cơ phá vỡ thế cân bằng chiến lược có từ thời “chiến tranh lạnh” là điều tất yếu, Mỹ vẫn sẵn sàng đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo để rộng đường triển khai hệ thống chống tên lửa ở Séc và Ba Lan ngay sát biên giới với Nga. Làn sóng “cách mạng màu sắc” vẫn bị những bàn tay ngầm từ phương Tây khuấy lên trong không gian hậu Xôviết để nhằm tách dần các nước thuộc Liên Xô trước đây khỏi các mối liên hệ chặt chẽ với Nga…
Một thập kỷ rối loạn và bất ổn sau khi Liên Xô sụp đổ cùng ảo tưởng “hướng Tây” của ban lãnh đạo cũ đã làm nước Nga tê liệt trước những đòn tấn công ngấm ngầm của phương Tây. Thế nhưng, thời gian trôi đi chỉ làm Matxcơva nhận thức rõ thêm rằng, nước Nga không thể chấp nhận mãi kiểu hành xử đơn phương, sẵn sàng bỏ qua các lợi ích của Nga mà Mỹ và phương Tây tiến hành bằng nhiều mánh khóe khác nhau.
Chỗ dựa của nước Nga là nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ cùng những khoản thu khổng lồ từ nguồn dầu lửa và khí đốt. Chiến lược phát triển kinh tế mà Nga vạch ra từ năm 2005 dự kiến với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, đến năm 2008, GDP của Nga sẽ đạt 1100 tỷ USD, đưa nước Nga trở thành nước lớn về kinh tế trên thế giới. Diễn đàn Saint Petersburg hồi năm ngoái thì đưa ra dự báo đến năm 2020, nền kinh tế Nga sẽ trở thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Còn hiện tại, dự trữ ngoại tệ của Nga đã lên tới 411 tỷ USD, đứng thứ 3 trên thế giới.
Tất nhiên, những nguồn lực kinh tế mà nước Nga có được nhờ cải cách kinh tế mà dầu mỏ không phải sẽ được đổ vào cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa. Những động thái mới của Nga cũng không phải là hành động phô trương sức mạnh. Nước Nga không có lợi ích lao vào một cuộc đua hao tiền, tốn của, một cuộc đua đã từng tàn phá cường quốc Liên Xô trong quá khứ.
Đằng sau việc triển khai chính sách đối ngoại cứng rắn và thực dụng kể trên, người ta thấy bóng dáng của một “nước Đại Nga” quyết liệt trong bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, muốn tái hiện hình ảnh siêu cường của mình. Thông điệp mà Matxcơva đưa ra là nước Nga phải là một đối tác phải được coi trọng, chứ không thể là đối tác hạng hai như cách hành xử của Mỹ và phương Tây.
Chắc chắn phương Tây khó có thể hài lòng với những động thái mới của Nga. Không ít những lời chỉ trích lại được tung ra nhằm vào nước Nga và Tổng thống V. Putin, mô tả động thái của Nga như là tham vọng áp đặt ảnh hưởng của mình bằng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, sẽ khó có sự đối đầu căng thẳng đến mức dẫn đến chiến tranh giữa các nước lớn, ít nhất là trong thập kỷ tới. Đây chỉ là sự điều chỉnh chính sách của các đối tác lớn trên thế giới trong cuộc giành ảnh hưởng sau “chiến tranh lạnh” mà thôi.
Hoàng Sơn