Sức nóng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019

ANTD.VN - Nửa sau thế kỷ 20, một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CÁ-TBD), đặc biệt là Trung Quốc, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, mang lại một tiềm lực sức mạnh kinh tế lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Mỹ xoay trục sang châu Á, nhằm tìm kiếm lợi ích, liên kết với các đồng minh trong khu vực kiềm chế sự trỗi dậy của đại kình địch Trung Quốc, Bắc Kinh làm thế nào để có thể vượt qua giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn này?

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Những năm gần đây, CÁ-TBD với dân số lớn nhất thế giới, đang trở thành khu vực phát triển năng động, có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, an ninh quan trọng trên toàn cầu. Vì vậy, sự cạnh tranh, điều chỉnh chiến lược, gia tăng sự tập hợp lực lượng giữa các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ tại khu vực khiến hình thái cạnh tranh, hợp tác giữa các nước này ngày càng quyết liệt hơn. Hiện nay, dưới sức ép liên tiếp của cuộc chiến thương mại với Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: AP)

Theo trang Strafor (Mỹ), để vượt qua được giai đoạn này, nửa sau năm 2019, Chính phủ Trung Quốc sẽ: (1) Tiếp tục duy trì các kênh thương mại với Mỹ bằng cách đề nghị mua thêm hàng hóa từ Mỹ, giảm bớt các rào cản, tăng cường đầu tư có chọn lọc. (2) Đáp trả một cách tượng trưng nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc. Những nhượng bộ của Trung Quốc sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của Mỹ đối với cải cách kinh tế cấu trúc. (3) Kiềm chế trừng phạt bừa bãi đối với các doanh nghiệp Mỹ. (4) Tăng cường cải cách khu vực công. (5) Nỗ lực mở rộng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực: tài chính, ô tô và năng lượng; giảm bớt ràng buộc trong một số lĩnh vực, trước hết là dịch vụ y tế và giáo dục. (6) Tìm cách có được những công nghệ mới nhờ mở rộng hợp tác với các quốc gia công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Israel và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, những hoạt động này sẽ gặp nhiều khó khăn do tiềm ẩn những lo ngại về mục đích đầu tư, khủng hoảng lòng tin và hoạt động gián điệp trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Do cuộc chiến thương mại với Mỹ, các công ty công nghệ của Trung Quốc tham gia vào thị trường kinh tế hải ngoại cũng ngày càng bị hạn chế hoạt động. Chẳng hạn, lấy lý do xem xét vấn đề an ninh quốc gia, các nước Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản…sẽ tiếp tục tìm cách loại bỏ các nguy cơ từ công nghệ 5G của Tập đoàn công nghệ Huawei.

Sức nóng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 ảnh 2 

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (Ảnh minh họa)

Hoạt động thu mua các công ty công nghệ cao nước ngoài của các công ty Trung Quốc cũng sẽ bị kiềm chế. Từ đầu năm 2018 đến nay, Chính phủ Mỹ đã từ chối các công ty đầu tư Trung Quốc thu mua các công ty thiết bị bán dẫn Exera và Qualcomm. Mới đây, ngày 16-5-2019, Tổng thống Mỹ D. Trump ký sắc lệnh đưa Tập đoàn Huawei và 68 chi nhánh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới vào "danh sách đen" thương mại Entity List, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17-5.

Tếp đó, ngày 19-5-2019, hàng loạt công ty công nghệ Mỹ tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei, sau khi sắc lệnh của Chính phủ Mỹ cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông được ký. Các công ty Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều tuân lệnh của Chính phủ Mỹ và ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei. Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Chính phủ Đức cũng ngăn chặn việc bán Công ty cơ khí Leifeld Metal Spinning cho nhà đầu tư Trung Quốc. Thời gian tới, Mỹ sẽ tạo sức ép yêu cầu Trung Quốc hạn chế sự hỗ trợ của Chính phủ cho lĩnh vực công nghệ thông tin, qua đó kiềm chế việc triển khai chiến lược "Made in China 2025".

Theo dự báo, cuộc chiến thương mại sẽ còn kéo dài, tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, do đó, Chính phủ Trung Quốc thời gian tới sẽ: (1) Nới lỏng các yêu cầu pháp lý cứng rắn trước đó để giảm nợ và bảo vệ môi trường. (2) Đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. (3) Phát hành các khoản vay và cung cấp các khoản trợ cấp trực tiếp để kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước. (4) Điều tiết hiệu quả tỷ giá hối đoái của đồng NDT để không gây tổn thất đến ngành xuất khẩu; cho phép đối phó với xu hướng giảm phát. Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các biện pháp kích thích tài khóa, bao gồm cắt giảm thuế, tăng tiêu dùng và tăng hoạt động của khu vực tư nhân. (5) Ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và tiến hành đàm phán 3 bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời, mở rộng liên kết tại các thị trường xuất khẩu mới dọc theo BRI từ châu Á sang châu Phi và châu Âu.

Cạnh tranh ảnh hưởng

Với mục tiêu làm suy yếu các liên minh của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc sẽ nỗ lực hòa giải trong quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN; tập trung vào giải quyết tranh chấp và hợp tác kinh tế. Đồng thời, lôi kéo Australia, nước đã tổ chức cuộc bầu cử tổng thống thành công vào tháng 4-2019, nhằm mang lại hy vọng cho mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, với chính sách quốc phòng mới của Tổng thống D. Trump, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân trên Biển Đông và eo biển Đài Loan (Trung Quốc), cụ thể: (1) Đẩy mạnh việc chuyển giao vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc); nâng cao vị thế của Đài Loan (Trung Quốc) trong các tổ chức và trên các diễn đàn quốc tế...; (2) Thực hiện các cuộc tuần tra chung trên biển (FONOP). (3) Tiến hành chuyến thăm các cấp tới những quốc gia trong khu vực CÁ-TBD. 

Đài Loan (Trung Quốc) đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ theo chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", nhưng sẽ cố gắng không tham gia vào các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải, cũng như tuần tra ở eo biển Đài Loan.

Ở những nơi khác trong khu vực, các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và ASEAN sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Đáp lại những động thái đó của Mỹ, Trung Quốc sẽ phát triển khái niệm quân sự mới, xây dựng các kế hoạch hành động chiến lược, cải thiện thành phần, cơ cấu và triển khai lực lượng hải quân, không quân để bảo vệ các yêu sách về lãnh thổ. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ đụng độ trên biển với Hải quân Mỹ.

Biện pháp trừng phạt Triều Tiên

Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc gặp lần 3 với Chủ tịch Triều Tiên để tìm kiếm điểm cộng trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Trong khi đó, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử vũ khí mới để thăm dò phản ứng của Mỹ, để ngỏ cơ hội gặp gỡ Tổng thống D. Trump và tập trung ổn định tình hình kinh tế nội địa.

Để tránh những thiệt hại, các bên liên quan sẽ không từ bỏ biện pháp đối thoại hòa bình. Thời gian tới, Triều Tiên sẽ thận trọng khi đưa ra những lời hứa, đồng thời tính đến việc đề nghị phía Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt và tiến tới ký kết một hiệp ước hòa bình.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc thượng đỉnh ngày 27-4-2018. (Nguồn: Reuters)

Mỹ dường như không muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, quyền phủ quyết của Mỹ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc sẽ cho phép nước này ngăn chặn mọi nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mặc dù Trung Quốc và Nga vẫn tích cực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho việc này. Đồng thời, Mỹ sẽ gây áp lực lên các quốc gia khác, yêu cầu họ phối hợp thống nhất về vấn đề trừng phạt, lên án và đe dọa trừng phạt thứ cấp đối với những nước quyết định hợp tác với Bình Nhưỡng.

Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục phức tạp bởi thực tế: quan hệ liên Triều đã đạt được những động thái nồng ấm trong thời gian gần đây và có thể phát triển hơn nữa tiến tới thúc đẩy dỡ bỏ. Song, Mỹ sẽ làm việc này chỉ khi đã nghiên cứu kỹ và dự báo chính xác về tình hình liên Triều. Trong khi đó, tiến trình đối thoại và đàm phán giữa hai miền Triều Tiên sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại đây.

Đẩy mạnh sáng kiến BRI

Do đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ, Trung Quốc sẽ phải tăng cường nỗ lực tìm kiếm các thị trường và đối tác mới. Để đạt được mục đích này, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sáng kiến BRI (được Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức đưa ra năm 2014) với các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN).

Trong khi đó, Mỹ sẽ hợp tác chủ yếu với các đồng minh - Nhật Bản và Australia, cung cấp cho họ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thay thế như một phần của kế hoạch chống lại Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với chính sách "ngoại giao bẫy nợ".

Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ trấn an các đối tác tiềm năng bằng cách thu hút bên thứ ba là các nhà đầu tư Trung Quốc cùng tham gia. Đồng thời, làm suy yếu việc triển khai sáng kiến "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của Mỹ nhờ thực hiện các dự án chung với các cường quốc trung lưu, bao gồm Nhật Bản, các nước EU và Ấn Độ.

Sự thức tỉnh của Nhật Bản

Để củng cố vị thế của Nhật Bản đến cuối năm 2021, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ: (1) Tiến hành cải cách Hiến pháp đến cuối năm 2019. (2) Vô hiệu hóa các hậu quả kinh tế từ việc tăng thuế tiêu thụ bằng cách: tăng chi phí kỹ thuật dân dụng, ưu đãi đầu tư cho khu vực tư nhân và ưu đãi thuế cho một số loại sản phẩm. (3) Tiếp tục đàm phán với Nga về vấn đề chủ quyền của quần đảo Kuril. Về thương mại, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ ký một thỏa thuận với Mỹ. Nhật Bản sẽ có những nhượng bộ nhất định, phần nào xóa bỏ những lo ngại về thương mại của Mỹ.

Tổng thống Mỹ D. Trump thăm Nhật Bản trong bối cảnh hai trụ cột chính là an ninh và thương mại trong chính sách châu Á của Mỹ có nguy cơ lung lay. (Nguồn: AP)

Nhưng các nhượng bộ sẽ chấm dứt ngay khi Mỹ yêu cầu tiếp cận thị trường nông sản vượt qua "lằn ranh đỏ" trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) và các giao dịch thương mại giữa Nhật Bản và EU. Nếu Mỹ đẩy vấn đề đi xa hơn, sẽ gây ra phản ứng tiêu cực từ những người nông dân Nhật Bản.

Trong trường hợp này, Nhật Bản sẽ phải suy nghĩ về việc liệu có đáng để hy sinh ngành nông nghiệp quốc gia để tránh ảnh hưởng áp thuế của Mỹ đối với các sản phẩm ô tô quan trọng đối với Nhật Bản hay không? Ngoài ra, nước này có thể sẽ chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế các thỏa thuận thương mại trong tương lai giữa Nhật Bản và Trung Quốc.