"Sức nóng" của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc

ANTD.VN -  “Sức nóng” từ cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đang làm nền kinh tế thế giới “rát mặt”. Tâm lý bi quan đang ngự trị trên các sàn chứng khoán khắp toàn cầu. 

"Sức nóng" của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh 1Thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh nếu cuộc chiến thương mại nổ ra

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Gerry Rice cảnh báo: “Những căng thẳng rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề thương mại đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Như chúng tôi từng khẳng định trước đây, bất kỳ nước nào cũng sẽ thiệt hại nếu một cuộc xung đột thương mại kéo dài”.

Tâm lý bi quan đang bao trùm trên các thị trường toàn cầu ngay sau khi Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ chính thức thực thi kế hoạch nâng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD kể từ 0 giờ ngày 10-5 theo giờ Mỹ (tức 11h giờ cùng ngày ở Việt Nam), đúng như lời đe dọa trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là hệ quả từ thất bại trong ngày đàm phán đầu tiên của vòng tham vấn kinh tế và thương mại cấp cao Mỹ - Trung lần thứ 11 đang diễn ra tại Washington.

Thực ra thì không phải đợi đến kết quả đàm phán trong ngày 10-5 mà ngay từ sau dòng tweet đe dọa tăng thuế của ông Trump, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã sụt 2,2%. Chứng khoán Trung Quốc mất 4,9%, sụt 478 tỷ USD giá trị vốn hóa của chỉ số Shanghai Composite Index. Đồng USD thì tăng cao, trong khi đồng Nhân dân tệ có xu hướng suy yếu.

Các thị trường chứng khoán khác của châu Á cũng nhuộm nguyên một màu đỏ bởi sự lo lắng của các nhà đầu tư. Chỉ số Hang Seng tại Hongkong giảm 1,25%, trong khi đó, chỉ số Composite tại Thượng Hải giảm 1,1%. Cũng theo đà đi xuống, chỉ số Nikkei trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 1,5%. Các chỉ số chủ chốt trên sàn chứng khoán Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Singapore và Manila (Philippines) cũng đều sụt giảm.

Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên sự “đụng độ” giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã khiến thương mại toàn cầu chao đảo. Báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng 2 vừa rồi cho thấy Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI) hằng quý đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua, đồng nghĩa với việc đà chững lại của thương mại toàn cầu.

Sự yếu kém của thương mại toàn cầu được thể hiện qua 7 chỉ số thành phần như sau: đơn hàng xuất khẩu giảm (đạt 95,3 điểm), cước vận chuyển hàng không giảm (đạt 96,8 điểm), lượng sản xuất và doanh số bán ô tô giảm (đạt 92,5 điểm), linh kiện điện tử giảm (đạt 88,7 điểm), nguyên liệu nông nghiệp thô giảm (đạt 94,3 điểm), phí qua cảng container không đổi (đạt 100,3 điểm), chỉ riêng khối lượng thương mại hàng hóa tăng (đạt 101,9 điểm). Theo tiêu chí đánh giá, các chỉ số dưới ngưỡng 100 là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng trưởng thấp.

Những tín hiệu trên củng cố cho quan điểm nền kinh tế thế giới đang trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Và trên thực tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng trước đã đưa ra dự báo rằng tình trạng kinh tế thế giới chậm lại có thể diễn ra vào cuối năm 2019, một phần do bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa thể giải quyết. IMF một lần nữa phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,3%, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi đầu năm.

Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ tiếp tục áp thuế thêm đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu cuộc đàm phán đang diễn ra ở Washington không đạt kết quả? Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ bùng nổ với những hậu quả khủng khiếp. Ấy thế mà trong khi Mỹ tỏ ra cứng rắn, thì Trung Quốc cũng sẵn sàng đối đầu bằng tuyên bố “sẽ có các biện pháp đáp trả cần thiết”.