Sức khỏe các nguyên thủ quốc gia trước nguy cơ "rình rập" của Covid-19

ANTD.VN - Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận Covid-19 là một đại dịch và số bệnh nhân đang gia tăng trên khắp toàn cầu, nguy cơ lây nhiễm sẽ càng cao bởi virus này không phân biệt hộ chiếu, địa vị, vai trò của bất cứ ai. Trên thực tế, nó không loại trừ cả những vị nguyên thủ quốc gia và đây là loại rủi ro khó lường.

Bệnh nhân Covid-19 ngay trong nhà Thủ tướng

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (49 tuổi) đã phải làm việc tại nhà trong tình trạng cách ly sau khi vợ ông, bà Sophie Grégoire Trudeau được xác nhận dương tính với Covid-19 vào ngày 12-3. Bà Grégoire Trudeau bắt đầu biểu hiện các triệu chứng giống như bệnh cúm bao gồm sốt nhẹ vào ngày 11-3 sau khi trở về từ Vương quốc Anh. Văn phòng Thủ tướng cho biết, ông Trudeau vẫn tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự giám sát về sức khỏe, nhưng không phải xét nghiệm vì không có triệu chứng. 

Trong khi đó, theo Reuters, ngay sau khi ông Fabio Wajngarten - trợ lý của Tổng thống Brazil Bolsonaro có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 12-3, dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm đến phản ứng của Tổng thống Donald Trump vì mới tuần trước ông đã tiếp các quan chức Brazil tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định không cảm thấy lo lắng về khả năng lây nhiễm Covid-19. “Chúng tôi không làm gì khác thường. Chúng tôi ngồi cạnh nhau một lúc, vì thế cứ để mọi việc vậy đi, tôi không thấy lo lắng gì cả”, ông Trump tuyên bố. Nhà Trắng cũng nói thêm về sự việc này: “Ông Trump và ông Pence đã gần như không tiếp xúc với ông Wajngarten và không yêu cầu được xét nghiệm vào thời điểm này”.

Trước đó, mối lo ngại được đặt ra khi một số nghị sĩ từng tiếp xúc với ông chủ Nhà Trắng đã phải cách ly vì từng tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, quan điểm của Nhà Trắng là Tổng thống không cần làm xét nghiệm vì ông không tiếp xúc gần với bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào hay có biểu hiện triệu chứng gì. “Tôi sẵn sàng xét nghiệm, nhưng bác sĩ của Nhà Trắng nói không cần làm vậy. Tôi cũng thấy chẳng có lý do gì để đi xét nghiệm. Tôi cực kỳ khỏe”, ông Trump trả lời phóng viên CNN hôm 10-3. 

Hãng tin Inquirer ngày 12-3 cho hay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xét nghiệm virus Corona trong khi các quan chức kinh tế hàng đầu của ông hiện đang thực hiện cách ly vì từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Ông Salvador Panelo - Người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết, việc xét nghiệm là một “biện pháp đề phòng” nhằm đảm bảo rằng Tổng thống vẫn khỏe mạnh để tiếp xúc với công chúng và thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.

Sức khỏe các nguyên thủ quốc gia trước nguy cơ "rình rập" của Covid-19 ảnh 1Tổng thống Pháp và phu nhân tránh bắt tay khi tiếp Nhà vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha hôm 12-3

Đảm bảo an toàn cho các nguyên thủ

Thực tế, các nhà lãnh đạo thường xuyên phải họp hành, gặp mặt, tiếp xúc nên nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 lại càng lớn. Vì thế, nhiều nước cũng đã đẩy mạnh các phương án bảo vệ an toàn cho nguyên thủ của họ trong mùa dịch này. Hôm 9-3, nhóm an ninh của Tổng thống Philippines (PSG) tuyên bố, công chúng không được phép chạm vào Tổng thống theo nghĩa đen. Họ giải thích chính sách “không đụng chạm” này nhằm đảm bảo an toàn cho ông Duterte và gia đình giữa dịch Covid-19.

Tuần trước, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ cần thiết để ngăn virus Corona tới gần Tổng thống. Thực tế, các biện pháp mà chúng tôi đang thực hiện là vệ sinh phòng tránh thông thường mà mọi người dân Nga đều có thể thực hiện được”. Theo hãng tin Nga RT, Tổng thống Vladimir Putin đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Hạ viện Nga về những đề xuất trong sửa đổi Hiến pháp hôm 10-3, nhưng trong số các đại biểu Duma Quốc gia Nga hôm đó có một người vừa “trốn” cách ly. Ông Serge Katasonov, thành viên của Đảng Dân chủ tự do Nga (LDPR), người vừa đi nghỉ ở Pháp, quốc gia hiện có hơn 2.000 ca nhiễm Covid-19 trở về mà không chịu tuân theo lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày. Hậu quả là, ông Katasonov không được phép đến Hạ viện trong 14 ngày và có thể nhận án kỷ luật nặng hơn là miễn nhiệm sớm.

Để tự bảo vệ mình trước dịch bệnh Covid-19, các nhà lãnh đạo thế giới cũng thay đổi những thói quen có sẵn, thậm chí là tập tục văn hóa để đảm bảo an toàn là trên hết. Reuters cho biết, hôm 11-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân đã chào đón Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha bằng cách vái chào và khẽ cúi đầu thay vì cái bắt tay truyền thống. Đứng cạnh Tổng thống Macron khi chào đón Vua Felipe trong điện Elysee, Đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron cũng mở rộng vòng tay hướng về phía Hoàng hậu Letizia nhưng tránh tiếp xúc trực tiếp. Các cơ quan y tế công cộng châu Âu cho biết, mọi người nên tránh bắt tay để hạn chế sự lây lan của virus vốn có thể lây truyền qua tiếp xúc da kề da. Ở Pháp, Covid-19 đã “mò” đến trung tâm của quyền lực chính trị, khi Bộ trưởng Văn hóa của ông Macron có xét nghiệm dương tính sau lần tiếp xúc với một người nhiễm bệnh.

Sức khỏe các nguyên thủ quốc gia trước nguy cơ "rình rập" của Covid-19 ảnh 2Tổng thống Philippines lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 để “đề phòng”

Covid-19 và những rủi ro chính trị

Ngoài gây rủi ro về tình trạng thiếu hụt nhân sự lãnh đạo đất nước, dịch Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử dự kiến tổ chức trong năm nay như ở Mỹ hay Canada. Dịch bùng phát đúng lúc chiến dịch tranh cử đang ở giai đoạn bắt đầu sôi nổi, khiến các chính trị gia cũng gặp lúng túng khi cân nhắc về rủi ro chính trị của chiến dịch tranh cử giữa đại dịch.

Theo bài phân tích của hãng tin Canada CBC, bầu cử rất hiếm khi bị trì hoãn ở Canada vì một sự kiện nào đó. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã khiến cho cuộc bầu cử liên bang ở nước này phải hoãn 1 năm sau khi hết nhiệm kỳ 5 năm như thông thường. Sau đó, Chiến tranh thế giới thứ hai đã trì hoãn cuộc bầu cử cấp tỉnh ở Saskatchewan và Ontario. Trong thời gian diễn ra các đại dịch toàn cầu, các chiến dịch bầu cử ở nước này vẫn diễn ra như dự kiến. Một số tỉnh đã tổ chức bầu cử từ năm 1918 đến 1920, khi dịch cúm Tây Ban Nha giết chết khoảng 55.000 người Canada và hàng chục triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, kết quả phần nào bị ảnh hưởng khi mà tờ The Estevan Progress mô tả một cuộc bầu cử cấp tỉnh hồi tháng 10-1918: “Dịch cúm đã dập tắt sự nhiệt tình của cử tri khiến rất ít người có mặt. Ứng cử viên T. M. Bryce đã hối hả cả ngày để vận động cử tri ở nông thôn, nhưng trong thị trấn, chưa đầy nửa tá xe hơi xuất hiện”.

Đảng đối lập ở Canada đã kêu gọi tổ chức bầu cử vào tháng 10-2020. Đến lúc đó, sự lây lan của Covid-19 đã qua mức đỉnh điểm và mối lo ngại về rủi ro sức khỏe cộng đồng có thể không còn cao nữa. Tuy vậy, nếu không thể ngăn chặn được dịch bệnh - một khả năng không thể loại trừ - người ta lo ngại rằng hàng nghìn ứng cử viên sẽ đứng trước rủi ro chính trị rất cao, họ phải thường xuyên công du xuyên quốc gia, thậm chí gõ cửa từng nhà để vận động cử tri. Không biết các chính trị gia có chiêu thức lấy lòng cử tri thế nào khi họ không thể bắt tay và ôm hôn các em bé hay người ủng hộ để tránh lây nhiễm virus nguy hiểm.

Tại Mỹ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - những ứng cử viên hàng đầu cho đề cử Tổng thống của đảng Dân chủ và ngay cả đương kim Tổng thống Donald Trump đã phải hủy bỏ các cuộc vận động tranh cử theo kế hoạch để đối phó với các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay dường như không bị hoãn lại. Ngay cả cuộc nội chiến Mỹ cũng không thể ngăn Tổng thống Abraham Lincoln đấu tranh tái tranh cử vào năm 1864. Nhưng tình hình này đang đặt ra câu hỏi, liệu các ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa có thể thực hiện được đúng kế hoạch để đảm bảo chiến thắng sau cùng của họ hay không.

Thực tế, các nhà lãnh đạo thường xuyên phải họp hành, gặp mặt, tiếp xúc nên nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 lại càng lớn. Vì thế, nhiều nước cũng đã đẩy mạnh các phương án bảo vệ an toàn cho nguyên thủ của họ trong mùa dịch này. Để tự bảo vệ mình trước dịch bệnh Covid-19, các nhà lãnh đạo thế giới cũng thay đổi những thói quen có sẵn, thậm chí là tập tục văn hóa để đảm bảo an toàn là trên hết.