Sự trở lại của cựu Tổng thống Arroyo - người phụ nữ quyền lực nhất Philippines

ANTD.VN - Cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo vừa trở lại đầy ngoạn mục khi đảm nhận chức Chủ tịch Hạ viện, chỉ 2 năm sau khi được tuyên trắng án về tội tham nhũng và trước đó là 5 năm liền bị quản thúc trong bệnh viện. Điều này có thể lý giải là chính trường thực sự là một phần tất yếu không thể tách rời của cuộc đời sóng gió mà người phụ nữ này nếm trải.

Ngày 23-7, bà Gloria Arroyo đã trở thành nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên của Philippines sau khi nhận được 184 phiếu thuận, cùng với 48 phiếu chống và 12 phiếu trắng. “Bà ấy là nhân vật hoàn hảo với vị trí Chủ tịch Hạ viện. Đây là một sự trở lại chính trường đầy mạnh mẽ. Bà Arroyo có thể có tham vọng thay thế Tổng thống Duterte theo Hiến pháp mới vào năm 2022. Câu hỏi duy nhất là: Liệu bà có được chấp nhận hay không?” - nhà bình luận chính trị Earl Parreno khẳng định.

Sự trở lại của cựu Tổng thống Arroyo - người phụ nữ quyền lực nhất Philippines ảnh 1Nụ cười chiến thắng sau sự trở lại đầy mạnh mẽ của nữ Chủ tịch Hạ viện Philippines

Những cuộc binh biến đã từng kinh qua 

Bà Arroyo đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Philippines sau khi người tiền nhiệm là ông Pantaleon Alvarez mất chức do hồi tháng 2-2018 công khai chỉ trích con gái Tổng thống đương nhiệm, Thị trưởng thành phố Davao Sara Duterte-Carpio về việc thành lập một đảng chính trị khu vực. 

 Sự thay đổi lãnh đạo này được ví như một cuộc đảo chính, và chính bà Arroyo đã 2 lần kinh qua đảo chính trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình (2001-2010). Cụ thể, vào năm 2003, khoảng 300 sĩ quan quân đội đã chiếm một tòa nhà chung cư cao cấp ở khu tài chính Makati để phản đối những hành động sai trái của cấp trên, vụ này ngay lập tức được dẹp yên. Năm 2007, cũng nhóm binh sĩ này tiếp quản khách sạn Manila Peninsula, cũng ở Makati, để gây áp lực đòi nữ Tổng thống từ chức. Cuộc đảo chính đã bị dập tắt vào buổi tối cùng ngày sau khi quân đội điều một chiếc xe tăng vào sảnh khách sạn.

Nếu nói đến biến cố cuộc đời, không thể không nhắc đến quãng thời gian 5 năm bị quản thúc tại bệnh viện mà bà Arroyo đã trải qua. Ngày 19-7-2017, Tòa án Tối cao Philippines đã bác bỏ vụ kiện tham ô liên quan đến cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo và ra lệnh phóng thích bà ngay lập tức sau 5 năm bị quản thúc. Người phát ngôn Tòa án Theodore Te nói tại một cuộc họp báo được phát trên truyền hình rằng với tỉ lệ 11 phiếu thuận và 4 phiếu chống, các thẩm phán Tòa án Tối cao phán quyết bác bỏ vụ kiện vì thiếu bằng chứng.

Theo tiết lộ của trang Rappler, trong số 11 thẩm phán bác bỏ vụ kiện có 8 người do bà Arroyo bổ nhiệm trước đây. Ban đầu, bà Arroyo bị bắt giữ vì tội gian lận bầu cử nhưng sau đó bị cáo buộc dính líu đến vụ tham ô 366 triệu Peso (khoảng 7,8 triệu USD) Quỹ xổ số từ thiện quốc gia.

Đáng nói là, bất chấp tình trạng giam cầm và bị đau cột sống suốt 5 năm đó, bà Arroyo vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính trường nước này. Bà đã được tái bầu vào Quốc hội hồi tháng 5-2016 dẫu cho không tham dự bất cứ phiên họp nào.

Sự trở lại của cựu Tổng thống Arroyo - người phụ nữ quyền lực nhất Philippines ảnh 2Cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo luôn có chồng bà (ngồi cạnh bên phải) ủng hộ trong sóng gió cuộc đời 

Mở đường cho chức Thủ tướng?

 Người từng làm giảng viên kinh tế và là con gái của cựu Tổng thống Diosdado Macapagal luôn khiến các đối thủ của mình phải phỏng đoán về kế hoạch chính trị của bà. Bà Arroyo giữ chức Tổng thống lần đầu tiên vào tháng 1-2001 sau khi Tổng thống khi đó, ông Joseph Estrada bị mất chức về tội tham nhũng còn bà Arroyo lúc đó là Phó Tổng thống. Trong một kỳ nghỉ vào tháng 12-2002, bà Arroyo đã gây sốc cho đất nước Philippines bởi tuyên bố không có ý định đua tranh chức Tổng thống vào năm 2004. Tuy vậy, chỉ 1 năm sau, bà đã thông báo ngược lại. 

Hành động theo triết lý hãy cứ làm đi

“Tôi chưa bao giờ bày tỏ mong muốn mở rộng nhiệm kỳ của mình. Nhiều người trong số những người buộc tội tôi đã cố gắng bám víu vào điều đó để có thể phát ngôn. Đối với những người muốn trở thành Tổng thống, tôi có lời khuyên như thế này: Nếu bạn muốn hoàn thành một điều gì đó, hãy cứ làm đi. Làm một cách chăm chỉ và hết sức. Đừng có quá thận trọng. Đừng thỏa mãn và đừng có nói lời xấu xa ở nơi công cộng”.

Bà Gloria Arroyo (Phát biểu tại Thông điệp quốc gia trên cương vị Tổng thống Philippines năm 2009)

Bà Arroyo giữ chức Tổng thống trong 9 năm, ghi kỷ lục là người giữ nhiệm kỳ dài nhất kể từ khi Philippines khôi phục nền dân chủ năm 1986. Bà đã nắm quyền lực bất chấp sự rò rỉ của các đoạn băng ghi âm được công bố vào năm 2005, được cho là ghi lại các trao đổi điện thoại với thành viên Ủy ban bầu cử Virgilio Garcillano. Theo Reuters, việc bà Arroyo (71 tuổi), trở thành quan chức quyền lực thứ tư của Philippines hiện nay sẽ gia tăng quyền lực cho ông Duterte, đặc biệt là khi cả 2 vị này có quan điểm chính trị tương đồng. Tổng thống Rodrigo Duterte đang mong muốn sửa đổi Hiến pháp và bà Arroyo có đủ kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng để hỗ trợ kế hoạch của Tổng thống Duterte về việc chuyển sang một hệ thống liên bang. 

Trong Thông điệp quốc gia ngày 23-7, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết, ông “không ảo tưởng” về việc giữ chức vụ này sau ngày 30-6, đúng theo nhiệm kỳ đã quy định theo Hiến pháp năm 1987. “Bà Arroyo được biết đến là một chính trị gia và nhà lãnh đạo hiệu quả. Bà ấy có mạng lưới riêng, cộng với việc là một đồng minh quan trọng của Tổng thống” - Ranjit Rye, Giáo sư Khoa học chính trị trường Đại học Philippines nhận định - “Cựu Tổng thống Arroyo cũng đang ở trong một vị trí rất chiến lược để xác định điều lệ mới. Đó có thể là bất cứ điều gì, như Thủ tướng chẳng hạn”.

9 năm trước, trong cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh quốc gia Philippines Radyo ng Bayan hồi năm 2009, bà Gloria Macapagal-Arroyo thừa nhận rằng hoạt động trong lĩnh vực công dường như có trong gene di truyền của bà, rằng chính sự ủng hộ của công chúng đã khiến bà muốn ở lại chính trường. Hồi đó, khi được hỏi về cơ hội trở thành Thủ tướng qua hình thức Chính phủ Nghị viện, bà Arroyo trả lời: “Đó hoàn toàn là giả thuyết. Tôi thậm chí còn không bận tâm suy đoán về nó”. 

Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với ABS-CBN News sau khi được trả tự do vào giữa năm 2016, Arroyo không tiết lộ về kế hoạch chính trị của mình ngoại trừ việc bà để số phận sắp đặt. Hiện giờ, bà cũng không bình luận về khả năng trở thành Thủ tướng theo Hiến pháp mới, và trong một tuyên bố ngắn gọn ngày 24-7, bà nói rằng chỉ đơn giản là sẽ hỗ trợ Tổng thống Duterte - “Tôi sẽ cố gắng thực hiện chương trình nghị sự của Tổng thống Rodrigo Duterte trong Hạ viện”. 

Sự nghiệp chính trị 

Năm 1977, sau khi tu nghiệp tại Mỹ, Gloria Macapagal Arroyo bắt đầu dạy kinh tế tại các cơ sở đại học ở Philippines, sau đó nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế trường Đại học Philippines.

Năm 1987, Tổng thống Corazon Aquino đã đề nghị bà giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp và bà Gloria Arroyo đã chấp nhận.

Năm 1992, bà trở thành Thượng Nghị sĩ. Nhiệm kỳ 6 năm này, bà đã đề xuất những đạo luật mang tính bước ngoặt như Luật Chống quấy rối tình dục; Luật Phát triển xuất khẩu.

Năm 1998, Gloria Macapagal Arroyo trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Philippines kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Phúc lợi và Phát triển xã hội. 

Năm 2001, bà Arroyo lên nắm quyền do Tổng thống Joseph Estrada bị lật đổ vì cáo buộc tham nhũng.

Năm 2004, Gloria Macapagal Arroyo đắc cử Tổng thống với chiến dịch tranh cử là diệt trừ tham nhũng và phát triển kinh tế. 

Năm 2010, sau khi hết nhiệm kỳ Tổng thống, bà Arroyo được bầu vào Hạ viện.

Năm 2011, bà bị bắt vì tội phá hoại bầu cử và bị quản thúc tại bệnh viện.

Ngày 19-7-2016, Tòa án tối cao đã tha bổng cho bà về tội tham nhũng.

Ngày 23-7-2018, bà Gloria Macapagal Arroyo được bầu làm nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên của Philippines.

Bà Gloria Macapagal Arroyo kết hôn với ông Jose Miguel Arroyo vào năm 1968, và có 2 con trai, 1 con gái và hiện giờ đã có cháu nội, cháu ngoại. Chồng bà là một doanh nhân và luật sư.