Sự thật về cuộc chiến vô nghĩa mà Trung Quốc cố chôn vùi

ANTĐ - Nhiều năm sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 1979, nhiều cựu binh Trung Quốc cảm thấy khó nói về lý do họ đã tham gia cuộc chiến, dù rằng họ cho rằng đã bị sử dụng làm bia đỡ đạn trong một trò chơi chính trị. Liệu cuộc chiến đó là vô nghĩa và Trung Quốc đã cố tình quên đi trang lịch sử buồn này như thế nào? ANTĐ xin giới thiệu bài viết của tác giả Howard W.French trên tờ New York Times.

Nỗi đau của những người ở lại

Tại thị trấn Malipo, Vân Nam, Trung Quốc, những du khách lần đầu tiên đặt chân đến đều kinh ngạc trước một nghĩa trang trải ngút tầm mắt, uốn lượn theo những sườn đồi là những hàng mộ mà trên đó, mỗi tấm bia được trang trí bằng một ngôi sao lớn màu đỏ, tên tuổi và một dòng chữ. Với Long Chaogang và Bai Tianrong thì không. Hai người này là cựu binh của cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, nổ ra dữ dội vào giữa tháng 2-1979, thỉnh thoảng họ lại tới thăm đồng đội đã tử trận trong số 957 binh sĩ được chôn cất tại đây.

Không gian nơi đây tĩnh lặng đúng nghĩa với một cuộc chiến tranh đang bị Trung Quốc cố tình quên. Theo thống kê chính thức, 20.000 người Trung Quốc đã chết trong tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh chớp nhoáng khi quân đội nước này xâm lược Việt Nam và đối mặt với sự kháng cự quyết liệt, chưa kể những người khác đã chết bởi các cuộc xung đột kéo dài khoảng 10 năm sau đó.

Một lính Trung Quốc thương vong 
Từng ấy năm qua nhưng chỉ có một vài bộ phim, tiểu thuyết và hồi ký nói về nỗi đau mà những người lính và gia đình họ phải hứng chịu. Nhiều người trong số các cựu chiến binh cảm thấy khó nói về lý do họ đã tham gia cuộc chiến. Hầu hết họ đều cảm thấy miễn cưỡng khi nói chuyện đó với người ngoài, thậm chí tuyệt đối không đề cập với gia đình họ.

Khi được hỏi cuộc chiến đó là vì điều gì, Long Chaogang, một cựu lính bộ binh nói: “Tôi không biết”. Vậy làm thế nào để giải thích về quá khứ với gia đình mình, ông ta nói rằng có lần cô con gái 12 tuổi của ông hỏi, ông chỉ nói đơn giản "đó không phải là việc của con".

Cuộc chiến tranh xâm lược là một sai lầm

Để một sự kiện bị lãng quên trên quy mô lớn như vậy không phải là sự thụ động. Thay vào đó, nó là một sản phẩm của nỗ lực sắt đá và không ngừng của chính quyền Trung Quốc nhằm kiểm soát thông tin và đặc biệt là về lịch sử.
Sách giáo khoa của Trung Quốc ngày nay không đề cập đến cuộc chiến tranh đó. Những tác phẩm xoáy sâu về cuộc chiến đều không được công bố. Năm 1995, cuốn tiểu thuyết mang tên “Vượt qua cái chết” viết về cuộc chiến tranh năm 1979 có khả năng giành giải thưởng tiểu thuyết quốc gia Trung Quốc nhưng đã bất ngờ bị loại khỏi cuộc thi mà không một lời giải thích.

Các sử gia cho rằng, cuộc chiến là một sai lầm với các mục đích không rõ ràng, trong đó có cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” do đã lật đổ Pol Pot, nhà lãnh đạo của chính quyền Khmer Đỏ ở Campuchia, một trong những kẻ bạo chúa gây ra thảm họa diệt chủng đẫm máu nhất thế kỷ 20 và cũng là một đồng minh của Trung Quốc thời đó.

Tới nay, các cựu binh Trung Quốc vẫn giận dữ về việc bị sử dụng làm bia đỡ đạn trong một trò chơi chính trị: “Chúng tôi đã hy sinh cho chính trị và không chỉ có tôi cảm thấy điều đó, rất nhiều đồng đội của tôi trao đổi suy nghĩ ấy thông qua Internet”, một cựu lính bộ binh tâm sự trong một cuốn sách tự xuất bản về chiến tranh Trung - Việt. Người này cho rằng: “Việc Trung Quốc không muốn nhắc đến sự kiện lịch sử buồn này là vì hiện nay quan hệ với Việt Nam đã ổn định, tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng là vì những lý do phát động chiến tranh thời ấy hiện giờ không còn đứng vững nữa”.
Người cựu binh này kể, tư liệu về cuộc chiến đã bị các thư viện bỏ đi: “Nó giống như một bộ nhớ bị xóa, như thể nó chưa bao giờ xảy ra. Có lần tôi tìm đến các sử gia quân đội, họ nói: Đừng nghĩ về nó. Thái độ của Trung Quốc là thế, chúng ta hãy nhìn về phía tương lai và hãy cùng nhau làm giàu”.