Sứ mệnh lịch sử chuyến đi của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Việt Nam

ANTD.VN - Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, lãnh đạo cao nhất CHDCND Triều Tiên - Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đến Việt Nam trong chuyến đi mà báo chí thế giới mô tả là “mang tính lịch sử”.

Sứ mệnh lịch sử chuyến đi của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Việt Nam ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành - ông nội của Chủ tịch Triều Tiên hiện nay Kim Jong-un thăm Việt Nam năm 1958

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới.

Nhìn lại lịch sử, vào thời điểm những năm 1950, Việt Nam và Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng: Cả hai nước đều bị chia cắt, cùng chung đối thủ là Mỹ. Chính sự tương đồng đó đã đưa hai nước xích lại gần nhau. Ngày 31-1-1950, Triều Tiên là nước thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Liên Xô, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là sự công nhận hết sức quý báu với Việt Nam trong giai đoạn đầu của kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Trong gần 7 thập niên kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, dù hai bên có nhiều chuyến thăm cấp cao, nhưng chuyến thăm sắp tới của ông Kim Jong-un có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức đầu tiên của ông Kim Jong-un tới Việt Nam kể từ khi lên nắm quyền Chủ tịch Triều Tiên vào năm 2011. 

Chuyến thăm cũng ghi dấu mốc quan trọng bởi ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trong 61 năm qua, sau chuyến thăm đến Việt Nam hồi năm 1958 của ông Kim Nhật Thành - nhà lãnh đạo sáng lập CHDCND Triều Tiên đồng thời là ông nội của Chủ tịch Triều Tiên hiện nay Kim Jong-un.

Bối cảnh và thời cuộc đã có nhiều đổi thay, nhưng chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ vẫn hướng tới mục tiêu đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, vốn là tài sản quý báu do Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp, tiếp tục củng cố và phát triển. Nó cũng giúp hai bên tăng cường giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực theo nhu cầu và tiềm năng của hai nước, vì sự phát triển của mỗi nước.

Đặc biệt, chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Kim Jong-un tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lần thứ 2  sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 27 và 28-2. 

Trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần đầu tiên tổ chức tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, hai bên hầu như chưa đạt được một thỏa thuận nào cụ thể mà chỉ có một bản tuyên bố chung được đưa ra với không nhiều nội dung. Kể từ đó thì quá trình đàm phán giữa hai bên hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. 

Chính vì vậy mà dư luận thế giới kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ có được các kết quả cụ thể, vạch ra được một lộ trình cụ thể, mở đường cho các cuộc đàm phán sâu hơn sau này. Đây chính là thời điểm thuận lợi cho các cuộc đàm phán chi tiết và thực chất giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm thu hẹp các bất đồng. Cuộc gặp Mỹ - Triều lần này sẽ đi vào lịch sử nếu như kết quả của nó có thể dẫn tới việc chấm dứt một cuộc chiến tranh kéo dài lâu nhất trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như giúp phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), chiều 23-2, ông Kim Jong-un đã rời Bình Nhưỡng đến Việt Nam trên đoàn tàu hỏa bọc thép cùng một số quan chức cấp cao Triều Tiên.