Sự khởi đầu của nền hòa bình mong manh ở Myanmar

ANTĐ - Ngày 15-10, Chính phủ Myanmar và 8 nhóm sắc tộc có vũ trang đã ký thỏa thuận ngừng bắn sau hơn 2 năm đàm phán nhằm chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài ở đất nước này. 
Sự khởi đầu của nền hòa bình mong manh ở Myanmar ảnh 1

Đại diện chính quyền và các nhóm vũ trang Myanmar tham gia đàm phán hòa bình

Cho dù chỉ có 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang đòi li khai ký thỏa thuận ngừng bắn, song có thể hy vọng rằng nền hòa bình của Myanmar sẽ bắt đầu từ đây. 

Buổi lễ ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Thủ đô Naypyidaw - dưới sự chủ tọa của Tổng thống Thein Sein cùng lãnh đạo 8 nhóm vũ trang tham gia tiến trình hòa bình - đã được tường thuật chi tiết trên Đài Truyền hình Nhà nước Myanmar.

Chứng kiến buổi lễ ký kết văn bản mang tính lịch sử này, ngoài Tổng thống Thein Sein còn có nhiều đại diện cấp cao của chính quyền và quân đội Myanmar, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Riêng nhà lãnh đạo đối lập Myanmar, bà Aung San Suu Kyi vắng mặt. 

 Tổng thống Thein Sein coi thỏa thuận ngừng bắn nói trên là nền tảng then chốt cho chương trình cải cách của ông, đồng thời gọi đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử. Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận, Tổng thống Thein Sein nêu rõ: “Thỏa thuận ngừng bắn này là một món quà lịch sử mà chúng tôi muốn gửi tới các thế hệ tương lai. Đây là di sản của chúng tôi. Con đường đi tới một tương lai hòa bình ở Myanmar bắt đầu mở ra từ đây”. Tổng thống Thein Sein cũng cho biết ông sẽ tiếp tục nỗ lực thuyết phục các nhóm vũ trang khác tham gia thỏa thuận ngừng bắn này trong thời gian tới.

Trong số các nhóm ký thỏa thuận ngừng bắn có Liên minh Quốc gia Karen (KNU) - nhóm vũ trang lâu đời nhất ở Myanmar. Ông Saw Mutu Say Poe, Chủ tịch KNU, phát biểu tại lễ ký thỏa thuận: “Thỏa thuận ngừng bắn này là một trang mới trong lịch sử và là sản phẩm của các cuộc đàm phán nghiêm túc”. Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã nói rằng nước ông rất ủng hộ các cuộc cải cách của Myanmar và coi đó là một thành tựu của chính sách đối ngoại, từng hối thúc Tổng thống Thein Sein hoàn tất thỏa thuận nói trên, coi đây như một phần trong những thay đổi lớn nhằm bảo vệ cộng đồng thiểu số.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 15-10 cho biết: “Mỹ ca ngợi tất cả các bên liên quan ở Myanmar đã nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhất trên thế giới”. Tuy nhiên, ông Kirby cho biết Mỹ vẫn lo ngại về những tin tức rằng các cuộc tấn công quân sự vẫn tiếp diễn ở các bang Kachin và Shan, và rằng 100.000 người ở những khu vực đó không được hỗ trợ nhân đạo. 

Quân đội bang Wa Thống nhất, được cho là lực lượng lớn nhất và vũ trang hùng mạnh nhất trong số các nhóm sắc tộc có vũ trang ở Myanmar, vẫn gần như đứng bên lề tiến trình hòa bình kể từ khi được thành lập và không tham gia ký kết thỏa thuận ngừng bắn nói trên. Tổ chức Độc lập Kachin cũng không ký thỏa thuận này.

Một quan chức thuộc Trung tâm Hòa bình Myanmar có mối liên kết với Chính phủ nói rằng hai nhóm này, do chịu sức ép từ Trung Quốc, đã không ký thỏa thuận ngừng bắn ngày 15-10. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc đó. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15-10 cho biết Bắc Kinh “hoan nghênh và ủng hộ” tiến trình chính trị ở Myanmar. Tất cả các nhóm ký thỏa thuận ngừng bắn đã được chính phủ đưa ra khỏi danh sách “Các tổ chức bất hợp pháp”.

Nhận định về thỏa thuận ngừng bắn ở Myanmar, bà Sophie Boisseau Du Rocher - chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Asia Centre cho rằng triển vọng thực sự đem lại hòa bình cho Myanmar còn xa vời, và Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trên con đường tìm kiếm hòa bình tại Myanmar. Bà nhấn mạnh: “Đối thoại từng bước đã được mở rộng đến nhiều nhóm sắc tộc thiểu số. Tuy nhiên, càng gần đến đích, tức là càng gần ngày mà các bên cùng đặt bút ký vào bản hòa ước, thì xung đột hay ít ra là những bất đồng ngày càng hiện lên rõ nét. Chẳng hạn như bất đồng về tiến trình giải giáp các vùng có giao tranh”. 

Ngoài ra, bà Sophie Boisseau Du Rocher cũng lưu ý là Chính quyền Naypyidaw đã không thuyết phục được tất cả các nhóm nổi dậy ký thỏa thuận như mục tiêu đề ra ban đầu. Chủ yếu các sắc tộc thiểu số ở miền Đông đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, các tổ chức ở miền Bắc lại từ chối tham gia sáng kiến của Naypyidaw bởi các nhóm này đã đạt được một thỏa thuận với phía Trung Quốc.

Khó khăn đặt ra với chính quyền Myanmar là làm thế nào thuyết phục được những sắc tộc thiểu số đòi li khai ở vùng biên giới phía Bắc sát cạnh với Trung Quốc để họ chấp nhận một mô hình nhà nước liên bang. Các nhóm này có khuynh hướng cho rằng họ có lợi hơn trong tình thế hiện nay, tức là cứ duy trì xung đột vũ trang thay vì buông súng để bị hòa tan trong khuôn khổ một Nhà nước liên bang.