Sự đoàn kết, hợp tác quốc tế trong giới phóng viên điều tra ở châu Âu

ANTD.VN - Các vụ sát hại 2 nhà báo nổi tiếng về chống tiêu cực ở châu Âu Jan Kuciak và Daphne Caruana Galizia đã dẫn đến một bước tiến mới trong hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầy rủi ro và nguy hiểm này. Kết quả là nhiều “chuyện tày đình” bị lôi ra ánh sáng và công chúng bắt đầu thay đổi nhận thức nhờ di sản của những nhà báo điều tra.

Sự đoàn kết, hợp tác quốc tế trong giới phóng viên điều tra ở châu Âu ảnh 1Hàng nghìn người đổ ra đường phố Bratislava nhân một năm ngày mất của phóng viên điều tra Kuciak

Sáng 31-3-2019, chỉ vài giờ sau khi được thông báo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để trở thành Tổng thống tiếp theo của Slovakia, bà Zuzana Caputova bước ra khỏi ghế sau chiếc xe mui kín đỗ trên một quảng trường yên tĩnh ở Thủ đô Bratislava. Bà Caputova tới quảng trường để bày tỏ lòng thành kính trước đài tưởng niệm phóng viên điều tra Jan Kuciak đã bị sát hại cùng vị hôn thê của anh - Martina Kusnirova. Đó là việc làm đầu tiên của bà Zuzana với tư cách là Tổng thống đắc cử.  

Cái chết của nhà báo làm thay đổi chính trường Slovakia

Con đường từ một luật sư thành nhà hoạt động chính trị rồi đắc cử Tổng thống của bà Caputova vốn đã gắn liền làn sóng dư luận sục sôi liên quan đến vụ giết hại nhà báo Kuciak vào ngày 21-2-2018. Bà từng tuyên bố rằng vụ việc là một trong những nguyên nhân hối thúc bà tham gia tranh cử. Những phát hiện sau đó đã làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Chính phủ trên khắp đất nước nhỏ bé 5,4 triệu dân của Liên minh châu Âu, thu hút hàng chục nghìn người. Họ không chỉ đòi hỏi công lý mà còn thay đổi quỹ đạo chính trị của đất nước.

Trước khi bị giết, nhà báo Kuciak đã làm việc với Dự án báo chí về tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP) trong một cuộc điều tra về sự hiện diện của nhóm tội phạm khét tiếng của Italia “Ndrangheta” ở Slovakia cũng như mối liên kết của nhóm với giới tinh hoa chính trị của đất nước. Kuciak được cho là mất mạng vì các cuộc điều tra của mình.

Ngay sau khi anh bị sát hại, các đồng nghiệp của Kuciak tại OCCRP cho rằng những người muốn Kuciak im lặng cũng sẽ tìm cách dập tắt kết quả điều tra anh đã thu lượm được. Nhóm nhà báo đa quốc gia đã quyết định công bố phát hiện của Kuciak, nhiều trong số đó đã ở giai đoạn cuối. Họ đã làm việc cùng nhau, vượt qua ranh giới biên giới và ngôn ngữ.

“Mạng lưới các nhà báo điều tra trên khắp các quốc gia giúp các nhà báo nắm bắt được các vấn đề không dừng lại ở biên giới của các quốc gia thành viên. Các dự án như vậy cũng san sẻ trách nhiệm và rủi ro của các cuộc điều tra để không thể nhắm mục tiêu hoặc đe dọa một phóng viên duy nhất. Các nhà báo thường chịu nhiều áp lực. Tôi nghĩ rằng làm việc theo mạng lưới sẽ giúp giảm thiểu các cuộc tấn công và đảm bảo an toàn cho các nhà báo”

Ông Scott Griffin (Phó Giám đốc Viện Báo chí Quốc tế - IPI)

Dù không đủ để ngăn chặn những kẻ sát hại Kuciak, nhưng sự phối hợp của các nhà báo xuyên biên giới cho phép cuộc điều tra của anh hoàn tất và công bố. Pavla Holcova, một nhà báo điều tra người CH Czech, người đã làm việc với Kuciak, nói: “Một khi đã chia sẻ tất cả những phát hiện của anh ấy, chúng tôi mới có thể kết thúc câu chuyện và xuất bản chỉ vài ngày sau khi Kuciak bị giết”. Một trong những phát hiện của cuộc điều tra đó là mối liên hệ giữa Thủ tướng Robert Fico khi đó với một thành viên mafia Italia cư trú ở miền Đông Slovakia. Chỉ vài tuần sau, ông Fico đã từ chức.

13 tháng sau vụ sát hại phóng viên Jan Kuciak và vị hôn thê Martina Kusnirova, cảnh sát đã bắt giữ một doanh nhân với cáo buộc thuê giết cặp đôi này. Sau đó 2 tuần, một nhà cải cách đã được bầu làm Tổng thống tiếp theo của Slovakia. Công lý đã được thực thi và công chúng Slovakia cũng có sự thay đổi về mặt nhận thức, họ đã tỏ rõ quan điểm không thể để hệ thống chính trị cho phép tiêu cực xảy ra.

Hợp tác để đấu tranh chống tiêu cực

Gần đây, báo chí cần đến các công cụ mới để giải quyết những câu chuyện lớn không chỉ xuyên biên giới và ngôn ngữ mà còn đòi hỏi kiến thức bản địa mà chỉ các nhà báo địa phương có thể cung cấp. Kết quả là sự phát triển các nền tảng trực tuyến có độ bảo mật cao để các nhà báo có thể nghiên cứu, chia sẻ và thảo luận về các cuộc điều tra phức tạp.

Những công cụ này đã trở thành một nguồn lực quan trọng cho các nhà báo làm việc ở Liên minh châu Âu, đặc biệt là ở những quốc gia mới chỉ gia nhập EU vào năm 2004 và 2007. Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và Báo chí điều tra vì châu Âu (IJ4EU), được thành lập để thúc đẩy các mạng lưới như vậy. Cụ thể, Viện Báo chí Quốc tế (IPI), với sự tài trợ của Liên minh châu Âu, đã ra mắt IJ4EU để hỗ trợ các cuộc điều tra xuyên biên giới trên khắp châu Âu liên quan đến việc lạm dụng các quỹ của EU. Nhiều dự án trong số này không thể có được bằng nguồn tài trợ địa phương hoặc thiếu kiến thức, và sự hợp tác của các nhà báo ở nước khác.

Một trong những minh chứng thành công nhất về hợp tác trong báo chí là vụ “Hồ sơ Panama”, một cuộc điều tra về việc sử dụng tài khoản ở nước ngoài của những người giàu có, trong nhiều mục đích có việc trốn thuế. Để hoàn tất cuộc điều tra, ICIJ đã tuyển dụng các nhà báo từ 107 tổ chức truyền thông ở 80 quốc gia để xử lý 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ. Đến nay, cuộc điều tra đã dẫn đến hơn 1,3 tỷ USD được các cơ quan thuế trên toàn thế giới thu hồi.

Sự đoàn kết, hợp tác quốc tế trong giới phóng viên điều tra ở châu Âu ảnh 2Khu tưởng niệm nhà báo Jan Kuciak và vị hôn thê Martina Kusnirova tại Quảng trường tự do ở Skalica, Slovakia

Làm sống lại những câu chuyện điều tra

Một trong những phóng viên đã giúp sàng lọc các tài liệu bị rò rỉ là Daphne Caruana Galizia, một nhà báo độc lập có 30 năm điều tra tham nhũng ở Malta, một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Vào sáng 16-10-2017, quả bom gài trên xe ô tô cá nhân phát nổ khiến nữ nhà báo Galizia, 53 tuổi thiệt mạng.

Ngay sau khi bà qua đời, Forbidden Stories (có nghĩa là Những câu chuyện bị lãng quên), một mạng lưới các nhà báo phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris (Pháp) đã nhận thử thách là hoàn thành các cuộc điều tra mà Galizia đang theo đuổi tại thời điểm bà bị sát hại. Họ gọi đó là “Dự án Daphne”. “Mặt trời chiếu sáng vào ngày những kẻ ám sát cướp đi mạng sống của Daphne. Giờ đây, các đồng nghiệp của bà sẽ làm lộ sáng nhiều câu chuyện đã giết chết bà”, trang web của dự án khẳng định.

Một nhóm gồm 45 nhà báo từ 50 quốc gia đã được tập hợp để xem hơn 750.000 trang tài liệu. Nhiều người trong số đó làm việc với Galizia trong vụ “Hồ sơ Panama”. Một chủ đề mà bà đang điều tra là chương trình “rao bán hộ chiếu” có lợi nhưng gây tranh cãi của Malta. Chương trình cho phép những người giàu có không phải là người châu Âu có thể được cấp hộ chiếu Malta, từ đó được phép nhập cảnh vào tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Công việc của Galizia đã bị giới tinh hoa chính trị “dìm” đến nỗi trước lúc chết, bà đang đối mặt với 42 vụ kiện. Trong đó, một vụ kiện do Thủ tướng Joseph Muscat đứng đơn được phép tiếp tục ngay cả sau khi bà bị giết.

Dựa trên kết quả điều tra của Galizia, “Dự án Daphne” đã xuất bản các bài báo trên 18 cơ quan báo chí, tiết lộ thêm thông tin về chương trình hộ chiếu, nạn tham nhũng của chính phủ ở Malta hay hoạt động của tội phạm có tổ chức, buôn lậu ma túy và trốn thuế của giới tinh hoa chính trị nước này. “Chúng tôi làm cho những câu chuyện điều tra này “tiếp tục sống” để mọi người có thể truy cập vào thông tin quan trọng”, Giám đốc điều hành của Forbidden Stories, ông Laurent Richard cho biết.

Không giống như ở Slovakia, những thay đổi ở Malta rất ít. Vụ sát hại nhà báo Galizia đến nay mới dẫn đến 3 vụ bắt giữ nhưng nhiều người, bao gồm cả gia đình bà, tin rằng kẻ ra lệnh giết người vẫn chưa bị sờ gáy. Tuy nhiên, các cuộc điều tra của Galizia và công việc hợp tác tiếp theo của “Dự án Daphne” đã mở ra môi trường tranh luận về tham nhũng ở Malta. Các con trai và những người ủng hộ bà Galizia đã thề sẽ giữ di sản của bà bằng cách kêu gọi cuộc điều tra đến cùng về cái chết của bà và hủy bỏ mọi vụ kiện mang tính phỉ báng nữ nhà báo điều tra này.