Số phận những “đứa trẻ bị bỏ lại” ở Trung Quốc

ANTĐ - Con cái của nhiều người lao động xa quê ở Trung Quốc, được gọi là “những đứa trẻ bị bỏ lại” đang trở thành vấn đề gây đau đầu cho giới chức địa phương, bởi chúng không được chăm sóc đầy đủ, dễ bị sai lệch tâm lý phát triển và dẫn đến các vụ việc đáng tiếc.

Số phận những “đứa trẻ bị bỏ lại” ở Trung Quốc ảnh 1Căn nhà lộn xộn của 4 em ở Quý Châu khi thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha mẹ

Bi kịch do trẻ thiếu sự quan tâm 

Tối 9-6 vừa qua, tại xã Điền Khảm, quận Thất Tinh Quan, thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, xảy ra sự việc đau lòng: 4 anh chị em (từ 5-13 tuổi) tử vong do nghi ngờ đã uống thuốc trừ sâu. 

Theo một người họ hàng, tối xảy ra sự việc, ông đến nhà thăm 4 đứa trẻ thì bất ngờ phát hiện các em nằm trên giường, miệng nôn ói và bên cạnh có một bình thuốc trừ sâu. Sau đó, ông hô hoán hàng xóm giúp gọi cảnh sát đưa các cháu tới bệnh viện, nhưng 4 em đã không qua khỏi. Bước đầu, cơ quan điều tra loại bỏ trường hợp các em bị giết hại, nghiêng về giả thuyết tự uống thuốc trừ sâu tự tử do tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh của người anh cả 13 tuổi. Lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra động cơ dẫn đến vụ việc đau lòng này. 

 Người dân địa phương cho biết, mẹ của các em 3 năm trước đã bỏ nhà đi do bị chồng đánh đập, ông bà nội đều qua đời, ông bà ngoại tuổi cao sức yếu không thể chăm nom các em. Còn người cha, tên là Trương Phương Kỳ cũng rời nhà đi làm ăn từ tháng 3-2015. Trước khi đi, người cha mua sẵn ngô và thịt để các con ăn dần. Ông cũng để lại một thẻ ngân hàng hơn 3.500 NDT và số điện thoại liên lạc. 

Trương Sĩ Quý, một người họ hàng của 4 nạn nhân, cho biết, một tháng trước, 4 em nhỏ đã bỏ học ở nhà. Hàng ngày, bọn trẻ lấy ngô nghiền thành bột để nấu cho nhau ăn. Thời gian gần đây, bọn trẻ gọi vào số điện thoại bố để lại nhưng không thể liên lạc được. Trước đây, khi còn sống cùng với bố mẹ,  những đứa trẻ tội nghiệp còn bị chính những người sinh thành đánh đập tàn bạo. Người anh cả từng nhảy xuống sông tự sát nhưng không thành. 

“Những đứa trẻ không thiếu thực phẩm và quần áo, nhưng chúng thiếu tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Họ đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình” – Tiếu Văn Anh, một người cùng thôn chỉ trích cha mẹ của các nạn nhân. Ngô Soái – một nhà bình luận cho rằng, người giám hộ của 4 đứa trẻ phải bị truy cứu trách nhiệm đầu tiên, cụ thể là cha mẹ của các em. 

Chính quyền địa phương đã thông báo cho cha mẹ của 4 đứa trẻ tội nghiệp và họ cho biết sẽ gấp rút về quê nhà. Một số cán bộ thuộc làng, xã – nơi xảy ra vụ việc sau đó đã bị đình chỉ chức vụ hoặc cách chức do thiếu sát sao đối với tình hình người dân ở khu vực phụ trách.

61 triệu trẻ em bị bỏ lại quê nhà

Theo trang mạng Uschinapress.com, với gần 200 triệu người lao động nhập cư vào các tỉnh, thành phố phát triển, vấn đề “trẻ em bị bỏ lại” đã khiến nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đau đầu nhiều năm nay. Đặc biệt là ở Quý Châu – tỉnh có tỷ lệ đói nghèo cao ở nước này. Dù những năm gần đây, kinh tế Quý Châu có chuyển biến nhưng chi phí sinh hoạt tăng khiến lượng người phải xa quê làm ăn vẫn nhiều. Số lượng trẻ em không được cha mẹ chăm sóc cũng ngày càng tăng. Và không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra.  

Điển hình, tại thành phố Tất Tiết, năm 2012, 5 trẻ em lang thang được người dân phát hiện đã chết ở một bãi rác. Các em nhỏ từ 7-13 tuổi này bị ngộ độc khí carbon monoxide khi chui vào một chiếc thùng lớn chứa rác ở khu tập kết rác thải. Sau sự việc, chính quyền thành phố đã tuyên bố chi 60 triệu NDT để lập Quỹ quan tâm tới những trẻ em bị bỏ lại và vô gia cư. 

Theo một số liệu thống kê năm 2014, số trẻ bị bỏ lại ở làng quê Trung Quốc vì cha mẹ đi làm ăn xa là hơn 61 triệu trẻ. Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc hồi tháng 5 công bố một báo cáo về tình trạng phát triển gia đình năm 2015, trong đó chỉ ra, trẻ em bị bỏ lại ở quê nhà chiếm 1/3 tổng số trẻ em nông thôn Trung Quốc, tương tự tỷ lệ người già bị bỏ lại chiếm 1/4 tổng số người già ở nông thôn. 

Đường Quân, nhà nghiên cứu xã hội thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, vụ việc 4 trẻ ở Quý Châu tử vong vì uống thuốc trừ sâu cho thấy vai trò của cha mẹ là không thể thay thế, nếu Chính phủ không có chính sách cung cấp nhiều điều kiện hơn cho lao động nhập cư (chẳng hạn, tạo thuận lợi để trẻ di chuyển cùng cha mẹ tới tỉnh thành họ làm việc) thì những trường hợp tương tự sẽ còn tái diễn. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tuần qua cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về trường hợp tử vong của 4 anh chị em ở Quý Châu và yêu cầu không để xảy ra bi kịch 1 lần nữa”.