Số phận kỳ lạ của một cựu sĩ quan đặc nhiệm tham gia phá vụ không tặc tại Singapore năm 1991

ANTD.VN - Fred Cheong (55 tuổi) - một người rất đặc biệt khi sống 2 cuộc đời khác nhau. Ông từng là sĩ quan đặc nhiệm, tốt nghiệp khóa huấn luyện khắc nghiệt của đặc nhiệm SEAL lừng danh của Hải quân Mỹ, tham gia phá vụ không tặc trên chiếc máy bay Singapore Airlines bị cướp năm 1991 và bây giờ là một vị hòa thượng tên tuổi.

Sau khi rời khỏi Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF), ông Fred Cheong đi theo “mối duyên tiền định” của mình là trở thành nhà sư. Kể từ đó, ông sống cuộc sống tu hành đơn giản, thiền định trên những ngọn núi phủ tuyết trên dãy núi Himalaya và tìm đến các khóa tu trên khắp thế giới. Đó là lý do ông thích được gọi là Hòa thượng Tenzin Drachom, tên gọi được Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt cho, đồng thời nhắc đến quãng đời binh nghiệp 32 năm của ông. “Trong tiếng Tây Tạng, “dra” có nghĩa là ảo tưởng, “chom” có nghĩa là kẻ hủy diệt. Trong quân đội, tôi đã tiêu diệt kẻ thù bên ngoài. Giờ thì tôi đang hủy diệt kẻ thù ở bên trong”.

Số phận kỳ lạ của một cựu sĩ quan đặc nhiệm tham gia phá vụ không tặc tại Singapore năm 1991 ảnh 1Nhân vật “2 trong 1”: Fred Cheong trong bộ lễ phục quân đội và Tenzin Drachom trong chiếc áo cà sa

Ký ức về một chiến công lừng lẫy

Ngày 26-3-1991, chuyến bay SQ117 của Singapore Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur đến Singapore bị 4 hành khách nam Pakistan khống chế. Chiếc máy bay khi đó chở 114 hành khách và 11 phi hành đoàn hạ cánh xuống sân bay Changi vào khoảng 22h30. Những kẻ không tặc được trang bị dao, bật lửa và quấn quanh người chất nổ tấn công phi công, tiếp viên và hành khách. Hai tiếp viên bị đẩy khỏi máy bay. Nhóm đối tượng muốn máy bay tiếp nhiên liệu và bay tới Sydney (Australia) nên đã đưa ra yêu cầu: Nói chuyện với cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto và đòi chính quyền thả một số tù nhân ở Pakistan.

Cuộc đàm phán kéo dài suốt đêm sang sáng hôm sau. Nhóm đối tượng người Pakistan mất kiên nhẫn và đe dọa sẽ bắt đầu giết con tin nếu nhu cầu của chúng không được đáp ứng. Sau đó, chính quyền Singapore đã lệnh cho các đơn vị của Lực lượng đặc nhiệm (SOF) xông vào máy bay và giải cứu con tin. Drachom - khi đó là một lính đặc nhiệm xuất sắc đã tham gia chiến dịch giải cứu.

Từ các bài huấn luyện, lực lượng đặc nhiệm Singapore đã nắm rõ trong lòng bàn tay cách bố trí bên trong của các loại máy bay khác nhau. Khi trời còn chưa sáng hẳn, họ đã tiếp cận chiếc Airbus A310. Ở tình thế cấp bách nhưng Drachom khi đó cảm thấy chỉ như “một buổi diễn tập”. “Chúng tôi luôn được rèn luyện dưới áp lực lớn về tinh thần” - ông kể lại, hít một hơi thật sâu - “Nó thực sự giống như cuộc phẫu thuật, vì vậy chúng tôi phải rất cương quyết, bắn thật thẳng và tập trung làm điều đó”.

Vào khoảng 6h50 ngày 27-3, lính biệt kích Singapore xông vào máy bay, hô hành khách nằm xuống và tiêu diệt cả 4 tên không tặc. Mọi chuyện chỉ diễn ra trong vòng 30 giây.

Những năm huấn luyện đã giúp các đặc nhiệm có sự chuẩn bị tốt nhưng liệu họ cũng sẵn sàng lấy mạng người khác? Trước câu hỏi này, ông Drachom từ tốn: “Chúng tôi thực sự rõ ràng khi vào trong đó, biết đích xác phải làm gì. Bạn không thể vào đó rồi có thời gian suy nghĩ, phân vân. Đơn giản là chúng tôi hành động như những gì đã được đào tạo vì mọi chuyện có thể là sự đánh đổi. Tất cả chỉ là nhiệm vụ và không có gì hơn”.

Khi các đặc nhiệm trở về căn cứ, đồng đội trong đơn vị của ông Drachom cũng chưa hiểu mọi chuyện xảy ra thế nào. Nhưng chẳng bao lâu, các lực lượng tinh nhuệ từ khắp nơi trên thế giới muốn đến thăm, chia sẻ về chiến công của họ. Ông Drachom nhấn mạnh, chiến dịch này đã nâng cao danh tiếng của lực lượng quân đội non trẻ của Singapore trong mắt cộng đồng quốc tế. “Sau tất cả mọi thứ, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đã có một tập thể đoàn kết. Điều khiến chúng tôi tiến bộ là một hệ thống đào tạo tốt và niềm tin ở mọi cấp độ”.

Chi tiết của chiến dịch phá không tặc hôm đó dường như vẫn còn y nguyên trong tâm trí ông Drachom nhưng tổ đặc nhiệm của ông đã coi đó như một chương đã “khép lại”. “Chúng tôi khép lại vì chúng tôi ước rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa”.

Số phận kỳ lạ của một cựu sĩ quan đặc nhiệm tham gia phá vụ không tặc tại Singapore năm 1991 ảnh 2Ông Fred Cheong tại một buổi huấn luyện binh sĩ thời còn trong quân ngũ

“Người đặc biệt” khi tốt nghiệp khóa đào tạo của SEAL

Lạ lùng là khi còn nhỏ, Drachom gầy gò, sức khỏe yếu, thậm chí không thể bơi và chưa bao giờ có tham vọng gia nhập quân đội. Vào tháng 12-1982, chàng trai 18 tuổi này đã đi thực hiện nghĩa vụ quân sự sau đó trở thành quân nhân. Năm 1984, một vài tháng sau khi trở thành sĩ quan, Drachom được một người bạn rỉ tai rằng Lực lượng Đặc nhiệm tuyển chọn khóa đầu tiên - “Anh ấy nói tôi sẽ thích đấy. Tôi trả lời tại sao không chứ?”.

Khi đó, một số lượng lớn ứng viên đăng ký nhưng chỉ 60 người được mời vào vòng tuyển chọn thực tế. Sau vòng này, 32 người trúng tuyển và Drachom là một trong số họ. “Tôi cảm thấy thực sự tốt vì đó là khóa huấn luyện ưu tú và khó khăn nhất. Nhiều người mong muốn nhưng không nhiều người có thể làm được”. 

Vào tháng 4-1985, sau 1 năm huấn luyện, Drachom đã trở thành đặc nhiệm trong các chiến dịch đặc biệt. Ông đã vượt qua các khóa học quân sự cả trong và ngoài nước, từ nhảy dù, lặn chiến đấu, tuần tra trinh sát đến đối kháng. Nhưng thử thách khó khăn nhất của Drachom là vào mùa đông năm 1989, khi ông đến Mỹ tham gia khóa học của đặc nhiệm Hải quân SEAL lừng danh.

Rất nhiều video trên YouTube về những khóa huấn luyện mang tính “hành xác” của SEAL như đội thuyền trên đầu, nâng khúc gỗ, lăn trên cát và bơi qua bùn và đó đều gần đúng như thực tế, ông Drachom thừa nhận. “Lần đầu tiên đi lặn, người hướng dẫn nhắc tôi phải nhớ thở dưới nước. Tôi nghĩ lời nhắc chắc là thừa, nhưng khi nhảy xuống nước biển chỉ 15 độ C, tôi thấy lạnh cóng và quên thở”, ông kể. Quãng thời gian đó, chỉ cần đầu chạm vào gối là Drachom ngủ thiếp đi. Ông phải tranh thủ tận dụng tối đa thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi.

Drachom đã kiên trì trải qua 1 năm bị “tra tấn” về thể xác và tinh thần, cuối cùng cũng đến ngày tốt nghiệp. 168 học viên khóa đó, chỉ có 28 người vượt qua. “Tôi cảm thấy mình muốn có được bằng tốt nghiệp hơn nhiều người khác, không phải vì bản thân mình mà là vì niềm tự hào của đất nước”.

Số phận kỳ lạ của một cựu sĩ quan đặc nhiệm tham gia phá vụ không tặc tại Singapore năm 1991 ảnh 3Bài viết ca ngợi chiến công tiêu diệt không tặc, giải cứu con tin trên chuyến bay SQ117 đăng trên trang nhất của tờ The Strait Times của Singapore ngày 28-3-1991

Bước ngoặt cuộc đời

Sau khi rời SOF năm 2006 với tư cách là sĩ quan chỉ huy của Trung tâm Huấn luyện hoạt động đặc biệt, ông Drachom chuyển sang làm cán bộ chỉ huy của Trường sĩ quan lục quân (OCS). Giai đoạn từ 2006 đến 2012, ông đã truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm của cuộc đời binh nghiệp của mình, giúp đào tạo 700 học viên của 7 khóa trở thành sĩ quan chính thức. Năm 2012, Drachom trở thành Phó chỉ huy của toàn quân OCS, trước khi nghỉ hưu ở cấp bậc Trung tá vào tháng 9 năm sau.

Ngay sau khi nghỉ hưu, ông Drachom đã biết cần phải làm gì tiếp theo. Ngày 27-9-2013, ông Drachom đã bay tới Dharamsala, Ấn Độ để được Đức Đạt Lai Lạt Ma tấn phong. Ông cạo trọc đầu và xuất gia theo nhà Phật.

Nhưng đó không phải là quyết định đột xuất. Lớn lên trong một gia đình Phật giáo, Drachom đã thực hành tôn giáo từ nhỏ. Hồi còn trong quân ngũ, ông thường thức dậy lúc 4h sáng để tụng kinh rồi mới bắt đầu công việc hàng ngày. Phật giáo là nguồn nội lực giúp ông vượt qua công việc đầy áp lực và thử thách. Các đồng đội không ngạc nhiên với quyết định là ông sẽ nương nhờ cửa Phật nhưng họ không ngờ ông sẽ đi xa đến thế. 

Trong 5 năm qua, Hòa thượng Drachom đã có khoảng 80 chuyến đi đến các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sĩ và Australia để học, dạy và thiền trong các khóa tu.

“Sức khỏe của tôi khá tốt, vì vậy ý tưởng của tôi là đi du lịch nhiều hơn một chút đến những nơi mà tâm trí tôi dành hoàn toàn cho nơi đó”. Ông Drachom thường ở nước ngoài 1 tháng rồi quay trở lại Singapore 1 tuần và chu kỳ cứ lặp lại như vậy. Ở Singapore, ông cố gắng tư vấn cho những người cần giúp đỡ cách giải quyết vấn đề rắc rối của họ.

Khi được hỏi về điều gì còn hối tiếc trong cuộc đời mình, ông nói: “Điều hối tiếc duy nhất là tôi chỉ có một cuộc đời để phục vụ đất nước. Tôi ước mình có thêm một lần nữa để làm lại từ đầu”.

“Điều hối tiếc duy nhất là tôi chỉ có một cuộc đời để phục vụ đất nước mình. Tôi ước mình có thêm một lần nữa để làm lại từ đầu”.

Hòa thượng Tenzin Drachom