Số ca nhiễm virus Corona ở Vũ Hán có thể "chỉ là phần nổi của tảng băng trôi"

ANTD.VN - Các chuyên gia y tế cho biết, số ca nhiễm virus Corona mới nCoV-2019 được cập nhật hàng ngày ở Vũ Hán có thể không phản ánh hết quy mô của vụ dịch này vì nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán hay báo cáo. Trong khi, một nhóm nhà khoa học đã phát hiện virus nCoV-2019 biến đổi gene trong quá trình lây nhiễm cho một gia đình ở Quảng Đông.

Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân bắt đầu bùng phát virus chết người vào tháng 12-2019. Cho đến nay, họ đã báo cáo có hơn 5.000 trường hợp được xác nhận mắc viêm phổi do virus Corona chủng mới, tương đương 1/3 số ca nhiễm trên khắp Trung Quốc đại lục. Nhưng một số chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại rằng con số thực có thể cao hơn nhiều vì các trường hợp chỉ được xác nhận nhiễm nCoV-2019 khi bệnh nhân có 2 lần xét nghiệm dương tính với chủng virus Corona mới. Trong bối cảnh còn thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm virus Corona, con số này trên thực tế có thể cao hơn nhiều.

Số ca nhiễm virus Corona ở Vũ Hán có thể "chỉ là phần nổi của tảng băng trôi" ảnh 1Bệnh viện Hỏa Thần Sơn mới xây ở Vũ Hán tiếp nhận 50 bệnh nhân nhiễm virus Corona đầu tiên sáng 4-2

Không thể phát hiện sớm vì thiếu vật tư Giáo sư David Hui 

Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp của Đại học Hồng Kông cho biết, số liệu chính thức chỉ phản ánh các trường hợp cấp tính khi bệnh nhân được nhập viện. Ngoài ra, ông Li Lanjuan, thành viên của hội đồng chuyên gia về virus Corona thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia nói với Đài truyền hình Trung ương CCTV hôm 3-2 rằng vì ở Vũ Hán không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm nên tạm thời không phải ai cũng có thể được kiểm tra. “Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, cách ly sớm và điều trị sớm không thể được thực hiện tại Vũ Hán vào lúc này. Tôi hy vọng rằng cả đất nước có thể hỗ trợ Vũ Hán thêm”, chuyên gia vừa tới tỉnh Hồ Bắc để giúp giám sát việc xử lý ổ dịch nói.

Các bác sĩ tuyến đầu ở Vũ Hán đã xác nhận rằng bộ dụng cụ xét nghiệm chỉ có số lượng hạn chế, do đó chỉ một phần bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính được nhập viện điều trị. Đơn cử, một bác sĩ giấu tên tại Bệnh viện Union ở Vũ Hán cho biết, nhân viên y tế chỉ có thể kiểm tra khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày và phải chờ 48 tiếng để có kết quả. “Cho đến khi được Ủy ban Y tế Quốc gia công bố số liệu, họ có thể mắc dịch ít nhất 2 ngày. Chúng tôi cũng phải loại bỏ những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, dù rằng nhiều người trong số đó sẽ quay lại sau khi tình trạng xấu đi. Nhưng chúng tôi không có đủ không gian để làm xét nghiệm hoặc cấp giường bệnh”, bác sĩ này nói.

Bác sĩ Joseph Tsang Kay-yan, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm có trụ sở tại Hồng Kông cho biết, thiếu vật tư, dụng cụ xét nghiệm ở Vũ Hán có nghĩa là đội ngũ y tế bị hạn chế về khả năng xác định số lượng ca bệnh thực sự. Đó là chưa kể, có những bệnh nhân viêm phổi đã chết hoặc chưa được chẩn đoán từ tháng 12-2019, trước khi các bộ dụng cụ xét nghiệm virus ra đời. Chính phủ Trung Quốc ngày 3-2 cho biết, việc sản xuất các bộ dụng cụ thử nghiệm đã bị gián đoạn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và sẽ sớm có thêm, khi các cơ sở đang cố gắng khôi phục đầy đủ năng lực sản xuất sau Tết.

Phát hiện virus Corona đột biến gene ở Quảng Đông

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, họ đã phát hiện ra đột biến gene của chủng virus Corona mới trong quá trình lây truyền giữa các thành viên trong gia đình ở tỉnh Quảng Đông. Mặc dù không rõ nguyên nhân nào gây ra thay đổi về mặt di truyền của virus nhưng sự biến đổi này có khả năng thay đổi cách thức hoạt động của virus.

 Virus luôn biến đổi, nhưng hầu hết là thay đổi đồng đều hay còn gọi là “thầm lặng”, rất ít khi ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của chúng. Tuy nhiên, có những dạng đột biến dẫn đến thay đổi các đặc điểm sinh học, cho phép chúng thích nghi với các môi trường khác nhau. Và theo một nghiên cứu của Giáo sư Cui Jie và các đồng nghiệp tại Viện Pasteur Thượng Hải đăng trên tạp chí National Science Review vào ngày 29-1, 2 dạng biến đổi nói trên diễn ra cùng lúc trong các chủng virus được phân lập từ gia đình ở Quảng Đông. 

“Trường hợp này cho thấy, sự tiến hóa của virus có thể xảy ra trong quá trình lây truyền từ người sang người. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ sự đột biến, tiến hóa và thích nghi của virus”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. Nhóm nhà khoa học tại Viện Pasteur Thượng Hải còn phát hiện tổng cộng 17 đột biến trên khắp Trung Quốc từ ngày 30-12 đến cuối tháng 1-2020. 

Theo các nghiên cứu trước đây, virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) năm 2003 đột biến với tốc độ từ 1 đến 3 thay đổi trên 1.000 mẫu nghiên cứu. Tốc độ đột biến của virus Corona mới chưa thể tính cụ thể bởi vì hầu hết các trình tự giải mã gene virus vẫn chưa hoàn tất. Quá trình giải mã này đòi hỏi thời gian và tiền bạc. Được biết, các gene của virus Corona mới cũng có tổng chiều dài gần 30.000 cặp cơ sở, dài hơn nhiều loại virus khác.

Hôm 1-2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Chiết Giang cho biết họ đang hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Alibaba để phát triển một phương pháp phân tích bộ gene mới bằng trí tuệ nhân tạo. Công nghệ mới dự kiến sẽ cắt giảm thời gian giải mã trình tự gene virus từ vài giờ xuống còn khoảng 30 phút, từ đó cho phép các nhà khoa học theo dõi các đột biến gene nhanh hơn và chính xác hơn.

Ông Qiu Haibo, một thành viên của hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ về cuộc chiến chống lại virus hôm 2-2 cho biết, đến nay không có bằng chứng nào cho thấy đột biến có thể gây ra bệnh nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Nhưng về mặt lý thuyết, nó có thể làm cho bệnh nhân đã hồi phục bị bệnh trở lại và khi đó, các phương pháp hiện tại khó phát hiện vì chỉ nhắm vào một đoạn nhỏ trong bộ gene của virus.

“Công tác phòng chống dịch virus Corona mới (nCoV-2019) vẫn còn nhiều vấn đề và thách thức. Dịch bệnh bùng phát ở một khu vực nhất định và nguồn lực y tế khan hiếm nên chính phủ và các lực lượng xã hội cần phải hợp lực với nhau để đảm bảo phân phối vật tư y tế. Ngoài ra, để giảm áp lực phòng chống dịch bệnh, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh tại các bệnh viện cấp cộng đồng là rất cấp bách, đồng thời tập trung đưa bệnh nhân vào khu vực cách ly riêng”.

Ông Trung Nam Sơn (chuyên gia nổi tiếng Trung Quốc về bệnh truyền nhiễm)