Trung Quốc:

Sinh viên sẽ được học "Lý luận và thực tiễn tình ái"

ANTĐ - Khi biết năm 2016 sẽ học môn “Lý luận và thực tiễn tình ái”, sinh viên trường Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) vô cùng bất ngờ. Thực tế, không chỉ tại Đại học Thiên Tân, “dạy yêu” đang là xu hướng mới nổi, được ưa chuộng tại quốc gia thừa nam thiếu nữ này.
Sinh viên sẽ được học "Lý luận và thực tiễn tình ái"  ảnh 1

Các học viên tập trung trong một căn nhà nhỏ ở Bắc Kinh để học cách hẹn hò

Háo hức chờ môn học đặc biệt

Vừa qua, trang mạng Nhân dân nhật báo Trung Quốc đưa tin, môn học về tình yêu của Đại học Thiên Tân sẽ được Hội Thước Kiều - một tổ chức sinh viên của trường - giảng dạy cho sinh viên 32 lớp vào năm sau. Hội Thước Kiều thành lập từ năm 2013, chuyên tổ chức các hoạt động tạo điều kiện mở rộng giao lưu cho những người độc thân. Việc triển khai môn học đặc biệt này nằm trong kế hoạch cải cách giáo dục của Đại học Thiên Tân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện cho sinh viên. 

Môn “Lý luận và thực tiễn tình ái” gồm 2 phần lớn: phần lý thuyết là những nội dung như “tâm lý học tình ái”, “kinh tế học tình ái”…; phần thực hành bao gồm lễ nghĩa giao tiếp xã hội và thực tế tình yêu. Khác với các bài học truyền thống, khóa học yêu được thiết lập theo phong cách tương tác nhiều hơn. Tùng Dĩnh - người phụ trách Hội Thước Kiều cho biết, điểm cuối kỳ môn “học yêu” được đánh giá theo kiến thức tiếp thu trên lớp và vở kịch do từng nhóm sinh viên lên ý tưởng và biểu diễn với chủ đề tình yêu.

Nghe tin Đại học Thiên Tân dạy môn học về tình ái, sinh viên háo hức chờ đến ngày được học, bởi họ cho rằng “học môn này giúp nâng cao khả năng giao tiếp và kỹ năng nắm bắt tâm lý đối phương”.

Áp lực từ việc lấy vợ

Các lớp dạy hẹn hò, tìm bạn đời đang trở thành xu hướng mới và được ưa chuộng tại Trung Quốc. Nội dung khóa học thường được thiết kế để dạy học viên cách tự tin hơn, tạo ra những cuộc trò chuyện chủ động, cũng như phản ứng trước lời từ chối. 

Một giáo viên họ Chu, 30 tuổi, đã đăng ký tham gia khóa học loại này. Đến từ tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, giáo viên Chu đã chi 7.000 NDT (tương đương 24 triệu VND) để tham gia khóa dạy hẹn hò trong 1 tuần tại Bắc Kinh. Tại đây, anh Chu tá túc tại một căn hộ rộng 130m2, cùng chục người đàn ông khác (3 trong số họ là giáo viên và trợ giảng).

Có muôn vàn lý do tham gia khóa học, người thì muốn tìm hiểu vì sao cô nàng anh ta đã theo đuổi thời gian dài nhưng vẫn không có cảm tình với mình, người lại mong muốn trở nên đào hoa hơn... Riêng với Chu, anh tham gia khóa dạy hẹn hò là để tìm bạn đời. Áp lực lấy vợ mỗi năm một tăng không chỉ từ riêng bản thân Chu mà còn từ bố mẹ anh.

Giáo viên 30 tuổi này đang nằm trong thế hệ những người đàn ông khó tìm vợ ở Trung Quốc. Theo trang mạng Nhân dân nhật báo, hơn 30 năm qua, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Trung Quốc liên tiếp vượt qua mức cảnh báo cao nhất với 107 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này khiến giới trẻ Trung Quốc bị áp lực hôn nhân, nhưng lại đem đến thời cơ cho những khóa dạy yêu nở rộ.

Theo Lương Tích - một giáo viên hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm tình yêu, người đã khoe rằng giao lưu với hơn 300 cô gái và truyền đạt kinh nghiệm cho 6.000 học viên, học viên của anh ta thường chia thành 3 loại. 80% học là vì bị gia đình thúc ép kết hôn; 10% là cần giải mã các trục trặc trong các mối quan hệ và 10% là những kẻ thích trở thành “tay chơi” gái.

Tới lớp học cách hẹn hò, bài đầu tiên là tạo hình ảnh ấn tượng. Học viên phải thay đổi kiểu tóc, phong cách ăn mặc theo chỉ dẫn. Họ cũng được lưu ý, trò chơi tình ái là thu hút được phái đẹp, chứ không phải theo đuôi phụ nữ. Một phần trong khóa học dạy cách tận dụng mạng xã hội để thể hiện sức hút của bản thân qua những bức ảnh.

Người dạy sẽ tổ chức buổi chụp hình cho các học viên và hướng dẫn họ cách chụp được một bức ảnh long lanh nhất. Tiếp theo, học viên phải cố gắng làm quen với những cô gái tình cờ gặp trên đường, sau đó họ sẽ được nghe lời khuyên về cách duy trì mối quan hệ, tăng cường sự gần gũi. 

Dù nội dung khóa dạy hẹn hò khá phong phú, nhưng nói về tỷ lệ thành công, Lương Tích thừa nhận, “khoảng 30% học viên vẫn y như ban đầu khi kết thúc khóa học. Họ không còn trẻ và rất khó thay đổi những thói quen chỉ trong một tuần”.