Siêu bão mạnh nhất năm 2015 đang hướng về Đông Á

ANTĐ - Trong khi  lũ lụt và lở đất nhiều ngày qua khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán tại Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam thì Soudelor, siêu bão mạnh nhất thế giới từ đầu năm đến nay, dự kiến đổ bộ vào Nhật Bản và Trung Quốc cuối tuần này.
Siêu bão mạnh nhất năm 2015 đang hướng về Đông Á ảnh 1

Đường đi dự kiến của siêu bão Soudelor

Tàn phá quần đảo Bắc Mariana

Siêu bão Soudelor đang di chuyển ở phía Tây Thái Bình Dương đã gây ra sức gió giật lên tới 354km/h và hướng về phía Trung Quốc và Nhật Bản sau khi tràn qua quần đảo Bắc Mariana. Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp của Mỹ tại Hawaii đánh giá siêu bão này ở cấp 5 - mức cao nhất trong thang phân loại bão Saffir - Simpson của Mỹ. Nó thậm chí còn mạnh hơn cả siêu bão Pam quét qua Vanuatu ở Thái Bình Dương hồi tháng 3 vừa qua khiến ít nhất 15 người thiệt mạng. 

Mặc dù không có ai thiệt mạng trong siêu bão Soudelor  nhưng sức tàn phá của cơn bão này trên quần đảo Bắc Mariana là cực kỳ khủng khiếp. “Nhiều cột điện bị quật đổ, xe hơi bị lật và nhiều nhà bị tốc mái khi bão đi qua”, ông John Hirsh, Giám đốc điều hành Hội Chữ thập Đỏ Mỹ tại đảo Saipan thuộc quần đảo Bắc Mariana cho biết. Theo ông Hirsh, thiệt hại do siêu bão Soudelor là rất lớn và cơ sở hạ tầng trên quần đảo Bắc Mariana đã bị hư hại nặng. Hàng trăm cư dân trên đảo Saipan đã phải đi sơ tán, đường sá ngập nước, dịch vụ điện và nước bị ngưng trệ. Hiện đã có 10 người bị thương do bão. Nhà chức trách đã tuyên bố tình trạng thảm họa và báo động khẩn cấp trên quần đảo. Chính phủ Mỹ hối hả đưa nhiều thực phẩm và vật dụng từ Hawaii và đảo Guam đến cứu trợ cho người dân Saipan. 

Siêu bão mạnh nhất năm 2015 đang hướng về Đông Á ảnh 2

Nhiều ô tô hư hại vì bị những mảng tường sập xuống trong bão Soudelor

Đề phòng bão đổ bộ

Trong khi đó, tại Hagatna, gần đảo Guam của Mỹ, cơ quan khí tượng tại đây đã cảnh báo các tàu thuyền không ra khơi do biển động mạnh. Cơ quan khí tượng Hagatna cho biết, siêu bão Soudelor có thể mạnh lên trong vòng 24 giờ tới trước khi suy yếu dần và khi đổ bộ vào Nhật Bản và Trung Quốc  bão  sẽ hạ xuống cấp 4 hoặc cấp 3. Thành phố của Trung Quốc nhiều khả năng bị đe dọa nặng nề nhất là Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến. Thượng Hải cũng có thể nằm trong đường đi của siêu bão Soudelor.

Dù bão có thể suy yếu trong quá trình di chuyển trên biển, cường độ và sức tàn phá của nó vẫn rất lớn. Tâm bão có thể quét qua Đài Bắc trên đảo Đài Loan. Nhà chức trách Trung Quốc đã hối thúc chính quyền các địa phương, nơi bão dự kiến đổ bộ, sẵn sàng các biện pháp ứng phó. Các cơn bão nhiệt đới thường được hình thành tại Tây Thái Bình Dương từ tháng 5 đến tháng 10 và một yếu tố khiến Soudelor trở thành siêu bão cấp 5 là do hiện tượng El Nino đã đẩy nhiệt độ đại dương lên cao trên toàn khu vực. 

Trên thế giới hiện phổ biến hai thang phân cấp bão là thang Beaufort và thang Saffir -           Simpson. Thang Beaufort là thang Việt Nam đang áp dụng, gồm 17 cấp gió khác nhau. Tuy nhiên, các cấp từ 13 tới 17 chỉ nhằm áp dụng cho các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn khi có bão nhiệt đới mạnh. Trong khi đó, thang bão Saffir-Simpson chia các cơn bão thành 5 cấp được phân biệt theo cường độ sức gió kéo dài. Ví dụ, bão cấp 1 (119-153km/h); cấp 2 (154-177 km/h); cấp 3 (178-209 km/h); cấp 4 (210-249 km/h) còn cấp 5 (từ 250 km/h trở lên).

Những cơn bão mạnh gây thiệt hại nặng trên thế giới

- Siêu bão Haiyan ngày 8-11-2013 đổ bộ vào phía đông Philippines, phá hủy gần 90% thành phố Tacloban, và cướp đi sinh mạng của khoảng 6.300 người. 

- Siêu bão Sandy hồi tháng 10-2012 tấn công các nước Trung Mỹ trước khi đổ bộ vào bờ đông nước Mỹ, làm gần 200 người thiệt mạng. 

- Siêu bão Washi hồi giữa tháng 12-2011 ập vào đảo Mindanao, miền nam Philippines, làm ít nhất 1.080 người chết và hơn 700.000 người bị ảnh hưởng.

- Siêu bão Morakot tháng 8-2009 gây lũ lụt lớn ở Đài Loan và làm 700 người chết hoặc mất tích.

- Cơn bão Sidr ngày 15-11-2007 tấn công Bangladesh, làm ít nhất 4.100 người chết hoặc mất tích.

- Katrina là cơn bão gây thiệt hại vật chất lớn nhất, và thiệt hại về người nhiều thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ. Tổng cộng, đã có ít nhất 1.833 người thiệt mạng và thiệt hại vật chất ước tính lên tới 108 tỷ USD.