Siết thêm áp lực để buộc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân

ANTD.VN - Cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc là Hội đồng Bảo an đã lại thông qua một nghị quyết nữa nhằm siết chặt thêm việc cấm vận đối với Triều Tiên, song đòn trừng phạt mới có khiến quốc gia Đông Bắc Á này ngừng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi hay không vẫn còn để ngỏ.

Toàn bộ 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên

Toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) vào sáng sớm 12-9 theo giờ Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên ngày 3-9 vừa qua. Đây được xem là kết quả của việc thỏa hiệp giữa các cường quốc hàng đầu thế giới bởi trước đó Nga và Trung Quốc đã công khai phản đối dự thảo nghị quyết do Mỹ chắp bút soạn thảo và đưa ra ngày 6-9.

Lệnh trừng phạt mới sẽ siết chặt thêm rất nhiều biện pháp cấm vận chống Triều Tiên, trong đó giáng mạnh vào mặt hàng nhập khẩu sống còn của nước này là dầu mỏ và mặt hàng xuất khẩu chủ lực dệt may. Theo lệnh trừng phạt mới, Triều Tiên chỉ được phép nhập khẩu dầu thô tối đa 4 triệu thùng/năm, các sản phẩm từ lọc dầu tối đa 2 triệu thùng/năm. Các chuyên gia ước tính, sự hạn chế này làm giảm 30% lượng dầu tiêu thụ ở Triều Tiên bởi trước đó nước này mỗi năm nhập khẩu khoảng 4 triệu thùng dầu thô và 4,5 triệu thùng sản phẩm từ lọc dầu.

Đòn trừng phạt thứ hai cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may là nguồn thu lớn thứ hai của quốc gia này. Số liệu năm 2016 cho thấy, ngành dệt may đã mang về cho Triều Tiên nguồn ngoại tệ quý giá lên tới 752 triệu USD, trong đó 80% lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ cũng yêu cầu các quốc gia nhận lao động xuất khẩu của Triều Tiên phải thông báo về thời hạn kết thúc giấy phép đã cấp cho lao động Triều Tiên và cấm các nước này không được tiếp tục nhận lao động Triều Tiên. Đòn trừng phạt này được cho tác động tới khoảng 93.000 lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, mang lại cho Bình Nhưỡng khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

Cho dù nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ đã loại bỏ một số đề xuất ban đầu của Mỹ như đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un… để được Nga và Trung Quốc chấp thuận, song vẫn được xem là đòn trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay mà Triều Tiên phải hứng chịu.

Ước tính lệnh trừng phạt này sẽ gây thiệt hại cho Triều Tiên khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm, cộng với thiệt hại từ 8 nghị quyết trừng phạt trước đó, tổng thiệt hại mà Bình Nhưỡng phải gánh chịu lên tới 2,6 tỷ USD/năm.

Lên tiếng sau khi nghị quyết trừng phạt Triều Tiên được Hội đồng Bảo an thông qua với số phiếu thuận tuyệt đối, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố, đây là hành động để ngăn chặn Bình Nhưỡng “tiếp tục làm những điều sai trái” và cộng đồng quốc tế thực hiện điều này bằng cách đánh vào khả năng cung cấp nhiên liệu và tài chính cho chương trình vũ khí của Triều Tiên bởi “dầu là nguồn nuôi sống cho nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân Triều Tiên”.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ cũng kêu gọi Triều Tiên hãy “coi trọng những kỳ vọng và mong muốn của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn việc phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này”. Trong khi đó, áp lực quốc tế thêm gia tăng khi một số quốc gia như Peru và Mexico đã trục xuất Đại sứ Triều Tiên để “tuân thủ nghiêm ngặt” các nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an LHQ cũng như phản đối việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ sáu.

Áp lực quốc tế để buộc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi là rất lớn, song thực tế từ 8 lệnh trừng phạt trước đó cho thấy Bình Nhưỡng không dễ từ bỏ mục tiêu trở thành quốc gia sở hữu cả hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).