Sau vụ nổ tại Mỹ: Cả thế giới báo động

ANTĐ - Vụ nổ bom kép trong cuộc đua marathon ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ ngày 
15-4-2013, trở thành thông tin “ám ảnh” nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng trên toàn thế giới trong suốt tuần qua. Vụ nổ bom khủng bố không chỉ một lần nữa dấy lên mối lo ngại của người dân nước Mỹ về vấn đề an ninh mà khiến nhiều nước trên thế giới đặt trong tình trạng báo động. Vụ nổ đã khiến 3 nạn nhân thiệt mạng là bé Martin Richard 8 tuổi, cô gái Krystle Campbell 29 tuổi và một sinh viên Trung Quốc Lu Lingzi, 23 tuổi đang theo học tại Đại học Boston. Ít nhất 180 người thương vong sau loạt vụ nổ.

Hơn 30 giải marathon siết chặt an ninh 

Sau vụ nổ, các thành phố lớn khác ở Mỹ và trên thế giới đã phải đặt trong tình trạng báo động, tăng cường an ninh sau vụ nổ bom ở Boston. Đặc biệt, thành phố Boston và vùng ngoại ô đang ngưng hoạt động. Cư dân được hối thúc khoá cửa ở trong nhà, dịch vụ di chuyển công cộng đã bị đình chỉ và tất cả trường học lớn nhỏ đều đóng cửa. Nhà chức trách cũng đóng cửa bầu trời Boston. Cảnh sát và binh lính vũ trang đã được triển khai tại nhiều nhà ga xe điện ngầm ở Thủ đô Washington DC, TP Chicago cũng như nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ. Tại New York, nhà chức trách đã triển khai các đội phản ứng đặc biệt tuần tra với đèn chớp và còi hụ cùng với hơn 1.000 nhân viên chống khủng bố. Các khu vực quan trọng như tòa nhà Empire State, trung tâm Rockefeller, nhà thờ St. Patrick’s Cathedral, trụ sở Liên hiệp quốc, Trung tâm Thương mại Thế giới WTC,… được giám sát đặc biệt. Tại Nhà Trắng, mật vụ đã tăng cường an ninh, đóng cửa Đại lộ Pennsylvania Avenue, triển khai nhiều xe tuần tra của mật vụ tại các điểm quan trọng…

Trong tháng 4 này, có hơn 30 cuộc chạy marathon và những sự kiện công chúng lớn sẽ diễn ra trên toàn thế giới. Đó là những trọng điểm đầy nguy cơ bị biến thành thảm kịch.

Từ chiều 16-4, cảnh sát Anh đã sử dụng chó nghiệp vụ dò tìm bom mìn quanh các địa điểm có nhiều du khách như: tháp đồng hồ Big Ben, trụ sở quốc hội, quảng trường Trafalgar..., đặc biệt là khu vực nhà thờ lớn St. Paul’s Cathedral, nơi diễn ra lễ an táng cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vào ngày 17-4. Ngày chủ nhật 21-4, tại London, sẽ diễn ra cuộc chạy marathon truyền thống với hơn 37.000 vận động viên từ khắp thế giới tham dự, trong đó có cả Hoàng tử Anh Harry.

Bộ trưởng Thể thao Hugh Robertson khẳng định “hoàn toàn tự tin” Giải Marathon London sẽ diễn ra tốt đẹp và không có gì xảy ra. Còn Giám đốc tổ chức của giải đấu, Julia Pendry, kế hoạch bảo vệ cho giải marathon London đã được vạch ra và London sẽ bằng mọi cách để không xảy ra vụ việc như ở Massachusetts. 

Vào cuối tuần này, nhiều cuộc đua marathon khác sẽ diễn ra ở nhiều thành phố ở Mỹ, Nhật Bản, Nam Phi, châu Âu... Ông Makoto Yajima, người phát ngôn của BTC giải Nagano Marathon Nhật Bản, trả lời AFP: “Chúng tôi sẽ liên hệ chặt chẽ với cảnh sát và lực lượng an ninh để đảm bảo Nagano Marathon diễn ra không gặp bất kỳ trở ngại nào. Hơn 650 cảnh sát và nhân viên an ninh sẽ được điều động”. Chính phủ Nhật Bản cho biết họ đang theo dõi sát sao diễn biến ở Boston sau vụ đánh bom, đồng thời tăng cường an ninh tại các địa điểm quan trọng ở các thành phố của Nhật Bản. Trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày  16-4, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe khẳng định cảnh sát đã tăng cường an ninh tại các địa điểm then chốt và đông người. Giải Nagano Marathon được tổ chức hàng năm tại thành phố Nagano, dự kiến sẽ thu hút 10.000 vận động viên tham dự vào ngày 21-4 tới.

Nhà tổ chức cuộc đua Belgrade Marathon tại Thủ đô của Serbia vào ngày 21-4 cho biết sẽ tăng cường mức độ an ninh lên cao hơn. Cảnh sát tại Linz (thành phố lớn thứ 3 của Áo) cũng sẽ thắt chặt hơn nữa an ninh cho cuộc đua marathon vào ngày chủ nhật này. Còn ở cuộc đua marathon tại thành phố Hamburg (Đức), nhà chức trách đã huy động 400 cảnh sát bảo vệ. Nhà chức trách TP Madrid (Tây Ban Nha) cho biết sẽ họp bàn về vấn đề an ninh cho cuộc đua marathon diễn ra tại đây vào ngày 28-4 sắp tới.

Nghi phạm thứ hai đã bị bắt

Đến rạng sáng 19-4 (giờ Mỹ), các cơ quan hành pháp của Mỹ cho biết một trong các nghi phạm đã bị bắn chết ở Watertown. Tên nghi phạm còn lại đang bỏ trốn và có vũ khí. Một màn đấu súng giữa hai bên nổ ra khiến nhiều người dân ở Boston và các thị trấn lân cận phải trốn trong nhà. Giao thông công cộng trong vùng đã bị gián đoạn, trong khi tất cả các trường học bị đóng cửa. Tên này là Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi chính là nghi phạm 1 trong những hình ảnh được FBI công bố trước đó - Hãng AFP đưa tin theo thông báo của cảnh sát không lâu sau khi tên này bị tiêu diệt trong cuộc truy lùng gắt gao. Nghi phạm 2 là kẻ đội mũ trắng trong những hình ảnh được công bố, đã kịp trốn thoát, tên là Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi. Hai tên này là anh em một nhà và có nguồn gốc Chechnya (một nước Cộng hòa thuộc Nga) đã di cư cùng gia đình vào Mỹ từ năm 2002. Cảnh sát cũng cho biết đã phát hiện nhiều thiết bị nổ tại Watertown và tại nhà của anh em Tsarnaev ở khu Cambridge (Boston).

Cảnh sát Boston cho hay “mối đe dọa đã được xóa bỏ”. Khoảng 9.000 nhân viên an ninh thuộc các lực lượng cảnh sát địa phương, cảnh sát bang, Cục Điều tra liên bang (FBI), Bộ An ninh nội địa (DHS), Vệ binh quốc gia, mật vụ,  Đội cảnh sát đặc biệt chuyên tìm kiếm và cứu nạn K-9, vốn là lực lượng phản ứng nhanh trước các tình huống nguy cấp và cả lực lượng SWAT (Đội vũ khí và tác chiến đặc biệt trực tiếp), lực lượng huyền thoại gồm các cảnh sát giỏi nhất nước Mỹ đã tham gia chiến dịch lục soát hơn 70% số nhà ở Watertown.