Sẵn sàng với những "kịch bản" xấu hơn của dịch Covid-19

ANTD.VN - Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp với những phát hiện mới về sự tiến hóa của virus cũng như khả năng lây bệnh từ người sang động vật. 

Sẵn sàng với những "kịch bản" xấu hơn của dịch Covid-19 ảnh 1Một trung tâm cách ly đối tượng nghi nhiễm bệnh Covid-19 ở New Dehli, Ấn Độ 

Lần đầu tiên phát hiện bệnh lây từ người sang động vật

Trong công bố mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc thông báo đã phát hiện 2 loại virus Corona chủng mới. Kết quả nghiên cứu cho thấy một loại có độc lực mạnh hơn liên quan đến dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), chiếm khoảng 70% số chủng virus đã phân tích, trong khi loại còn lại có độc lực kém hơn chiếm 30%. 

Cũng liên quan đến dịch bệnh này, Cơ quan y tế Hong Kong xác nhận chú chó cưng của một bệnh nhân Covid-19 đã nhiễm virus Corona. Chú cún này thuộc giống Pomeranian và mới chỉ nhiễm bệnh ở bên ngoài, tức chỉ có virus ở mũi và miệng, chứ không thực sự bị nhiễm bệnh. Theo các chuyên gia y tế, đây là trường hợp lây truyền virus Corona từ người sang động vật lần đầu tiên được ghi nhận.

Những phát hiện trên cho thấy, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều bí ẩn. Nó đặt ra tính cấp thiết của việc cần tiến hành thêm các nghiên cứu toàn diện, kết hợp dữ liệu về gene, dữ liệu dịch tễ học và các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân để hiểu rõ thêm về dịch bệnh này cũng như cách phòng ngừa và chữa trị. Hiện tại, may mắn là sự phát triển của loại virus Corona có độc lực mạnh hơn đã giảm kể từ sau tháng 1-2020, nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng khắp toàn cầu. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên hơn 93 nghìn tại 84 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 3.200 người đã tử vong. Không những thế, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn còn cảnh báo rằng, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã trở thành “đại dịch toàn cầu” và tình hình tồi tệ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Trên thực tế, tác động nhiều chiều của Covid-19 đang là chủ đề nóng nhất trong dư luận với nhiều sự kiện mới.  

Hôm 4-3, Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G-20) cho biết Hội nghị các lãnh đạo tài chính G-20 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4 tới tại Washington (Mỹ) sẽ phải họp trực tuyến do dịch Covid-19. Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế cũng quyết định tiến hành các hội nghị mùa xuân của mình thông qua cầu truyền hình, thay vì gặp mặt trực tiếp tại Washington như thường lệ. Sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 cũng như đòi hỏi phải ưu tiên trước hết cho công tác phòng, chống dịch đã khiến Trung Quốc và Nhật Bản phải thống nhất hoãn chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản vào tháng 4 tới để gặp Nhật Hoàng Naruhito và Thủ tướng Shinzo Abe. Việc hoãn chuyến thăm tất nhiên không làm ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Nhật nhưng lý do phải hủy chuyến thăm là điều hiếm có trong lịch sử ngoại giao.

Chặt đứt sợi dây lây nhiễm chéo

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn chưa đến đỉnh điểm như cảnh báo của Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, làm sao chủ động ứng phó với kịch bản có thể còn xấu hơn do tác động của Covid-19 là điều mà các nước cũng như các tổ chức quốc tế đang phải tính tới. Biện pháp trước hết là giảm bớt nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp. Các hãng hàng không lớn như United Airlines (Mỹ), Lufthansa (Đức) đều thông báo giảm tần suất chuyến bay nội địa và quốc tế. Trong khi United Airlines giảm 20% số chuyến bay quốc tế  và 10% số chuyến bay nội địa, thì tỷ lệ giảm của Lufthansa là 25%. Đặc biệt, các chuyến bay đến các điểm nóng dịch bệnh như Trung Quốc, Iran… đã bị hủy hoàn toàn. 

Để tránh phải tiếp xúc, thay vì đi mua sắm trong các siêu thị, người dân nhiều nước tăng cường mua hàng qua mạng. Tại Mỹ, dịch vụ giao hàng của các hãng lớn như Amazon, Instacart, Walmart, đang quá tải do lượng đơn hàng tăng vọt. Theo hãng Instacart, ở các bang California, Washington, Oregon và New York, nhu cầu đặt hàng trực tuyến của người dân trong mấy ngày vừa qua tăng gấp tới 20 lần. 

Ở Nhật Bản, các doanh nghiệp giao hàng tạp hóa cũng trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Dịch vụ liên kết người tiêu dùng của Palsystem, nơi chuyên cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày tại Thủ đô Tokyo và một số tỉnh lân cận, cho biết số đơn đặt hàng thực phẩm nấu chín và đã qua chế biến như nước sốt cà ri đóng túi và mì ăn liền tăng hơn 40%. Số đơn đặt các mặt hàng thực phẩm đông lạnh tăng khoảng 25%, còn một số loại khác như gạo, đậu nành lên men và đậu phụ tăng trên 10%.

 Với những đối tượng có khả năng nhiễm bệnh thì phải có biện pháp mạnh tay là nhanh chóng cách ly. Một trong những yếu tố giúp Trung Quốc giảm mạnh số ca nhiễm bệnh mới trong những tuần gần đây là phát hiện sớm những người tiếp xúc gần với người bệnh và nhanh chóng cách ly nhằm chặt đứt sợi dây lây nhiễm chéo. Kiên quyết áp dụng cách ly tập trung để ngăn không cho dịch bệnh Covid-19 lây lan từ bên ngoài vào cũng là biện pháp mà Việt Nam đã áp dụng và thu được kết quả tích cực. Đây là giải pháp để tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện. Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục giải pháp cách ly nghiêm ngặt đối với người từ vùng dịch hoặc qua vùng dịch về Việt Nam. Các địa phương liên quan, các lực lượng y tế, quốc phòng, công an cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai nhiệm vụ này.