Rượu bia và những con số đáng báo động trên thế giới

ANTD.VN - Tình trạng tiêu thụ rượu bia hiện nay đang chạm đến những con số kỷ lục. Điều này đã gây ra nhiều cảnh báo về thực  trạng trên tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Những con số đáng báo động

Như VTV đã đưa tin, hiện nay, trên thế giới có khoảng 2,3 tỷ người đang sử dụng rượu. Rượu, bia được tiêu thụ đa phần tại ba khu vực: Châu Mỹ, Châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Châu Âu vẫn là khu vực có mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người cao nhất thế giới, mặc dù đã giảm hơn 10% kể từ năm 2010. Dự báo cho thấy: mức tiêu thụ rượu, bia trên toàn cầu tiếp tục tăng trong 10 năm tới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và Châu Mỹ.

Tình trạng tiêu thụ rượu, bia trên thế giới đang ở mức đáng báo động

Mức tiêu thụ trung bình hàng ngày của những người uống rượu là 33 gram cồn nguyên chất mỗi ngày, tương đương với 2 ly rượu vang (mỗi ly 150 ml), một chai lớn bia (mỗi chai 750 ml), hoặc hai ngụm rượu mạnh (mỗi ngụm 40 ml).

Trên toàn thế giới, có hơn một phần tư (27%) trẻ vị thành niên 15 - 19 tuổi trong nhóm người đang sử dụng rượu, bia, cao nhất là ở Châu Âu (44%), tiếp theo là Châu Mỹ (38%) và Tây Thái Bình Dương (38%), khảo sát những người bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong độ tuổi này.

Không những thế, hơn 3 triệu người đã chết do bia, rượu trong năm 2016, điều này cho thấy, cứ 20 người chết thì có 1 người tử vong vì tác hại của rượu, bia. Hơn 3/4 số ca tử vong là nam giới. Sử dụng rượu, bia ở mức có hại đã gây ra hơn 5% gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu.

Số ca tử vong do bia rượu cũng tăng cao

Trong số tất cả các trường hợp tử vong do rượu, 28% là do chấn thương như tai nạn giao thông, tự gây hại và bạo lực giữa các cá nhân; 21% do bệnh lý đường tiêu hóa; 19% do bệnh tim mạch, còn lại do các bệnh truyền nhiễm, ung thư, rối loạn tâm thần và các bệnh lý khác.

Trên toàn thế giới, ước tính có 237 triệu đàn ông và 46 triệu phụ nữ nghiện rượu, tỷ lệ nghiện rượu cao nhất ở khu vực Châu Âu (14,8% và 3,5%) và khu vực Châu Mỹ (11,5% và 5,1%). Chứng nghiện rượu phổ biến hơn ở các nước có thu nhập cao.

Làm rõ thêm về thực trạng này, báo Nhân dân cho hay, chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, trong khi đó chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29.

Năm 2017, sản lượng bia, rượu được bán ra chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300USD người/năm.

Giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ số cồn trung bình 3,8 lít/năm nhưng đến 2005-2008 đã tăng gấp đôi là 6,6 lít. Trong khi đó, thế giới tăng rất chậm, chỉ từ 6,1 lên 6,2% giai đoạn 15 năm. Dự tính của Việt Nam, vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm, nhưng thực tế, WTO cho biết, Việt Nam sẽ phải chạm mốc 8,6 lít cồn/năm. Đây là con số quá cao so với dự kiến, báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam.

Nỗ lực kiểm soát tình hình

Tình hình tiêu  thụ rượu bia trên thế giới đang ở mức đáng báo động, để tìm giải pháp cho thực trạng này, báo Tổ quốc cho biết, trên thế giới hiện có 47 quốc gia đang duy trì chính sách cấm quảng cáo toàn bộ rượu, bia (theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới).

Cụ thể, nhiều nước trên thế giới đã có những quy định chặt chẽ về việc quảng cáo rượu, bia. Có tới 47 quốc gia trên thế giới có chính sách cấm toàn bộ các quảng cáo về rượu, bia.

Thụy Điển là quốc gia cấm toàn bộ các quảng cáo về rượu, bia. Trong khi đó tại Pháp họ sẽ cấm quảng cáo nhắm vào trẻ em, cấm quảng cáo rượu, bia trên Tivi và Radio trong khung giờ từ 5h chiều đến 12h đêm hay như Phần Lan, họ cấm quảng cáo về rượu bia lớn hơn 22% trong khung giờ từ 7h sáng đến 9h tối.

Tại châu Á, Ấn Độ và Malaysia là hai quốc gia cấm toàn bộ các quảng cáo liên quan đến rượu, bia. Hàn Quốc thì cấm toàn bộ các quảng cáo về đồ uống có cồn lớn hơn 17%.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu Châu Á về mức độ tiêu thụ rượu

Tại Singapore, hiện không có quy định về việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn tuy nhiên các đoạn quảng cáo rượu bia không được phát sóng trong khung chương trình dành cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Nhìn chung các nước rất quan tâm tới việc quảng cáo về rượu, bia. Đặc biệt là cấm hoàn toàn việc quảng cáo nhằm vào trẻ em. Họ cho rằng trẻ em tiếp xúc sớm với các sản phẩm, nội dung liên quan đến rượu, bia thì khi lớn lên sẽ dễ dẫn đến việc tiêu thụ những đồ uống có cồn này.