Rước họa về quê

(ANTĐ) - Hơn nửa đời người sống ở Mỹ, Cres lang thang tìm kiếm việc làm khắp các bang California, Texas, Chicago và New York. Chỉ có một số lần vợ con sang thăm, còn phần lớn thời gian Cres sống một mình. Và trong những lần không vượt qua nổi sự cám dỗ của đất phồn hoa, sự cô đơn, Cres nhận ra rằng mình đã bị nhiễm HIV.

Rước họa về quê

(ANTĐ) - Hơn nửa đời người sống ở Mỹ, Cres lang thang tìm kiếm việc làm khắp các bang California, Texas, Chicago và New York. Chỉ có một số lần vợ con sang thăm, còn phần lớn thời gian Cres sống một mình. Và trong những lần không vượt qua nổi sự cám dỗ của đất phồn hoa, sự cô đơn, Cres nhận ra rằng mình đã bị nhiễm HIV.

Cho đến nay, Cres vẫn không thể hình dung anh đã bị nhiễm HIV ở đâu, khi nào. Giống như Cres, những lao động Mexico di cư đến Mỹ với mơ ước có được một cuộc sống mới khá giả hơn, hy vọng sẽ đem được nhiều đô la về quê, nhưng nhiều người trong số họ đang đưa về quê hương cái không phải là tiền của mà là dịch bệnh HIV/AIDS.

Nhiều người không biết rằng sau khi trở về những vùng nông thôn Mexico họ đã mang trong mình HIV nên đã vô tâm reo rắc căn bệnh vô phương cứu chữa sang những người khác.

Bệnh viện đa khoa Puebla
     Bệnh viện đa khoa Puebla

Trong khi Mỹ và Mexico đang gắng sức để ngăn chặn vấn đề dân nhập cư, thì đại dịch AIDS lại đang bùng phát trong cộng đồng những người dân di cư và dường như cả hai bên đã không nhận thấy thảm họa này.

Đặc biệt, ở Mexico những người nhiễm HIV/AIDS vẫn che giấu bệnh tật vì cho đó là một sự sỉ nhục. Trong khi ở Mỹ lại cho rằng chính những người nhập cư đã mang theo bệnh tật vào Mỹ chứ không phải là những người di cư mang bệnh trở về quê hương họ.

Nhưng có một thực tế đang diễn ra, AIDS đang ngày càng lan rộng ở những bang nông thôn Mexico, nơi có tỷ lệ dân di cư cao nhất vào Mỹ. Nguy cơ nhiễm HIV cao nhất mà những người phụ nữ nông thôn Mexico phải đối mặt là trong quan hệ tình dục với những ông chồng đã từng di cư sang Mỹ làm ăn.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi các quý ông từ chối sử dụng bao cao su.

Thường thì những người làm ăn xa nhà lại có nhiều bạn tình hơn những người ở nhà. Đối với phụ nữ, cuộc sống bên ngoài khiến họ phải đối mặt nhiều hơn với những nguy cơ bị hãm hiếp, lạm dụng tình dục...

Đối với nhiều người di cư, việc phải rời nhà cửa, gia đình đi nơi khác làm ăn sẽ đem đến cho họ cuộc sống thiếu thốn tình cảm. Cảm giác cô đơn đã thúc đẩy họ hình thành những mối quan hệ mới, kể cả những bạn tình không quen biết.

Thêm vào đó, cả hai tuyến biên giới phía nam và phía bắc của Mexico lại là những mảnh đất đầy hấp dẫn đối với gái điếm và bọn buôn lậu ma túy do làn sóng dân di cư về phía bắc tạo nên. Chính nạn di cư đã dẫn đến những điều kiện làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

Chương trình nghiên cứu bệnh AIDS trong người di cư chỉ ra rằng “những người di cư là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất, do cuộc sống đơn độc nên thường có những mối quan hệ tình dục không an toàn”. Dịch bệnh AIDS chưa bùng nổ ở Mexico và chủ yếu tập trung ở những nhóm đối tượng là gái điếm, khách làng chơi, đối tượng sử dụng ma túy và đối tượng đồng tính.

Tỷ lệ nhiễm bệnh ở Mexico vẫn được coi là thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ. Tỷ lệ nhiễm HIV đối với những người từ 15 đến 49 tuổi ở Mỹ là khoảng 0,6%, trong khi đó ở Mexico chỉ khoảng 0,3%. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu lại lo ngại rằng, chính những người di dân di cư Mexico về nước lại có thể khiến cho đại dịch bùng phát trong tương lai gần.

Những người di cư có quan hệ tình dục với những người nhiễm HIV lại không có điều kiện về y tế. Để giải quyết tình trạng cấp bách này, chính quyền Mexico đã phải cấp thuốc chữa bệnh cho những người di cư về nước, thậm chí đến tận tay những người di cư nghèo không có bảo hiểm y tế.

Nhưng vấn đề thách thức đối với những bệnh nhân lại là chi phí đi lại vì thuốc chỉ được cấp phát ở thành phố. Hơn nữa không ai muốn bỏ việc để đi lên thành phố. Nhận thức được những khó khăn của những bệnh nhân HIV/AIDS, Chính phủ đã cho thành lập Chương trình “Đi khỏe mạnh, về khỏe mạnh”, điều động nhân viên y tế đến tận các vùng nông thôn tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm đối với những người di cư sang Mỹ kiếm việc làm và khám, phát thuốc cho những người di cư trở về.

Ana Maria, một bệnh nhân AIDS đã phải thốt lên rằng: “Vượt biên đi kiếm sống là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Chúng tôi nhìn thấy đầy xương người chết và quần áo trên sa mạc. Cướp bóc, hãm hiếp diễn ra thường xuyên. Nay lại phải mang trong mình căn bệnh thế kỷ”.

Hiếu Trung

Theo NYT