Rơi vào vòng lao lý vì cứu giúp hàng nghìn người di cư

ANTD.VN - Vào tháng 6-2019, một tài liệu nghiên cứu do EU tài trợ đã cho thấy rằng, kể từ đỉnh điểm cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu vào năm 2015, ít nhất 158 cá nhân đã bị “điều tra hoặc chính thức truy tố với lý do buôn lậu và các tội danh khác như rửa tiền, là thành viên của một tổ chức tội phạm và phá hoại”. Đó chỉ là một phần chiến dịch chống lại những người làm công tác nhân đạo trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu.

Rơi vào vòng lao lý vì cứu giúp hàng nghìn người di cư ảnh 1Thuyền trưởng tàu Sea-Watch 3 đang bị điều tra sau khi cố tình cứu người di cư và đưa vào bờ

Những tội danh lạ lùng

Từng được đào tạo thợ lặn cứu hộ, Sean Binde đã từ Ireland đến Lesbos để làm tình nguyện viên cho tổ chức phi lợi nhuận thuộc Trung tâm ứng phó khẩn cấp quốc tế. Mặc dù, tổ chức của Binder đã phối hợp với chính quyền địa phương trong gần 1 năm, Binder cùng với 2 tình nguyện viên tìm kiếm và cứu hộ khác đã bị bắt vào tháng 8-2018.

“Lúc đó là 3h sáng. Chúng tôi đang xem xét liệu có trường hợp người di cư nào xuất hiện không thì cảnh sát đến bắt”, ông kể. Binder bị giam trên đảo Chios của Hy Lạp trong quá trình chờ xét xử. Tình nguyện viên này đã ở đó gần 4 tháng trong một nhà tù nhỏ trong khi chờ cảnh sát điều tra vụ việc. Đến tháng 12-2018, ông được thả tại ngoại trong khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục và vẫn phải đối mặt với một số cáo buộc nghiêm trọng. “Điều kỳ quặc nhất là các tội danh như tham gia tổ chức tội phạm, rửa tiền, buôn lậu... và gián điệp”, Binder nói.

Nếu bị kết tội, Sean Binder có thể phải ngồi tù tới 25 năm, tuy nhiên Binder tin chắc rằng chính quyền không muốn kết tội ông. “Mặc dù các cáo buộc nghe có vẻ ghê gớm nhưng họ không thực sự muốn truy tố và không có đủ bằng chứng để làm như vậy. Chẳng hạn, tôi bị buộc tội làm gián điệp do tôi đã sử dụng các dịch vụ liên lạc được mã hóa. Nghe có vẻ bất chính, nhưng đó chỉ là ứng dụng WhatsApp mà thôi”, ông giải thích.

Lý do thực sự cho các cáo buộc, theo Binder, là để ngăn cản các nhân viên cứu trợ khác tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ quan trọng trên biển. “Chúng tôi đã bị lôi vào các trình tự pháp lý tốn kém và lâu dài. Điều này giống như một hình thức răn đe. Khi làm việc ở bờ phía Nam Lesbos, có 3 hoặc 4 tổ chức như chúng tôi, nhưng hiện tại không còn ai. Điều này đã có tác dụng. Mọi người thấy sợ khi làm công việc này”, Binder nói.

Hiện Binder vẫn là đối tượng thuộc diện điều tra và chính quyền Hy Lạp chưa có thông báo gì về việc này.

Hành động mang tính răn đe

Trường hợp của Binder không phải là duy nhất. Hồi tháng 8-2015, Sara cùng em gái Yusra Mardini đi trên chiếc thuyền chở người di cư chạy trốn khỏi Syria. Nước tràn vào thuyền, một người đàn ông đứng dậy tuyên bố sẽ nhảy xuống biển để giảm tải và bơi bám theo. Một số người khác, từng người một, đã làm như vậy. Sau đó, Sara, 20 tuổi đứng dậy nói: “Nếu người tiếp theo phải nhảy khỏi thuyền nữa, người đó sẽ là tôi”.

Sara và Yusra vốn được đào tạo là vận động viên bơi chuyên nghiệp. Công việc cuối cùng mà Sara theo đuổi trước khi rời đến châu Âu là nhân viên cứu hộ, còn Yusra là thành viên đội các vận động viên người tị nạn tại Thế vận hội Rio 2016. Dù bơi đã “ngấm vào máu” nhưng Sara vẫn cảm thấy kinh hoàng khi lao xuống nước lạnh, không biết mình có thể sống sót được hay không. Sau 3 tiếng rưỡi, họ đã cùng thuyền tới đảo Lesvos của Hy Lạp. “Chúng tôi đã rất may mắn. Không có ai chết cả”, Sara kể.

Một năm sau, sau khi xin được tị nạn ở Đức, Sara trở lại Lesvos, dùng khả năng cứu hộ của mình để giúp những người di cư gặp nạn vào bờ. Cô làm việc phi lợi nhuận. Vào tháng 8-2018, cảnh sát đã bắt giữ cô và 4 thành viên khác cùng tổ chức về tội buôn lậu, buôn người, lừa đảo và rửa tiền… Cảnh sát cáo buộc họ trục lợi từ việc giúp đỡ người di cư - những cáo buộc mà họ phủ nhận. Hai chiếc thuyền cứu hộ của họ đã bị tịch thu, sau 3 tháng bị giam trong các nhà tù Hy Lạp, họ được tại ngoại vào tháng 12-2018.

Sara và các đồng nghiệp của cô mỗi người phải đối mặt với án tù lên tới 25 năm nếu bị kết án trong các phiên tòa chưa được lên lịch. “Họ nghĩ rằng nếu hình sự hóa những người làm công tác nhân đạo và làm cho các tình nguyện viên biến mất, những người tị nạn sẽ ngừng đến”, Sara nói.

Quả đúng như vậy, người di cư đến châu Âu với tốc độ chậm hơn so với năm 2015, nhưng các trung tâm lưu giữ người tị nạn xử lý vẫn bị quá tái. Cụ thể, hơn 10.000 mới đến hồi tháng 9-2019 đã khiến một trung tâm tiếp nhận trên đảo Lesvos hoạt động với công suất gấp 5 lần. Và người di cư vẫn bỏ mạng ngoài khơi Địa Trung Hải, khi Tổ chức Di cư Quốc tế thống kê ít nhất 1.090 người đã chết vào đầu tháng 11 năm nay.

Rơi vào vòng lao lý vì cứu giúp hàng nghìn người di cư ảnh 2Một nhóm 47 người tị nạn được tàu Sea Watch 3 cứu sống ở ngoài khơi Libya hồi tháng 1-2019

Hình sự hóa cả những người làm công tác nhân đạo 

Trong số những vụ chết đuối đó, khoảng 700 trường hợp đã xảy ra trên đường đến Italia, nơi Carola Rackete, một nhân viên cứu trợ khác, phải đối mặt với việc bị truy tố sau một cuộc giải cứu trên biển đầy kịch tính thu hút sự chú ý của thế giới. 

Đầu tháng 6-2019, Rackete, 31 tuổi, đang tuần tra vùng biển quốc tế giữa Libya và Italia trên chiếc thuyền cứu hộ Sea-Watch 3 thì nhận được tin máy bay đã phát hiện một chiếc thuyền di cư quá đông đang trôi dạt gần đó. Rackete quay về phía tọa độ được báo và khi cô lại gần hơn, động cơ trên chiếc xuồng cao su đó đang phun nước. Chỉ cần một cơn sóng to hoặc thay đổi trọng lượng đột ngột là 53 người trên thuyền, không ai mặc áo phao có thể bị nhấn chìm xuống biển sâu.

Rackete nói rằng cô không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa những người di cư lên tàu Sea-Watch 3 và đưa họ đến Italia. “Chúng tôi không thể đưa họ trở lại Libya, lương tâm không cho phép”. Khi Rackete đưa về phía địa điểm cách cảng Lampedusa khoảng 150 hải lý, Chính phủ Italia nói cô không được phép cập cảng. Trong 17 ngày, tàu Sea-Watch 3 vật vờ trên biển và Rackete vẫn ở bên những người di cư. Cuối cùng, vào ngày 29-6, Rackete đã đưa Sea-Watch 3 vào cảng, va vào một chiếc tàu tuần tra của Itlaia đã cố gắng chặn.

Khi đã lên được đất liền, những người di cư mà Rackete đã giải cứu được luật pháp châu Âu bảo vệ, nhưng Rackete lại bị bắt. Cô bị điều tra vì chống lại một tàu chiến và buôn người. Nếu bị buộc tội và kết án, người phụ nữ can đảm này có thể phải đối mặt với 10 năm tù. Chính quyền Italia đã thu giữ Sea-Watch 3 để thu thập bằng chứng, chấm dứt các nhiệm vụ giải cứu.

Hiện một số cáo buộc đối với Carola Rackete đã được gỡ bỏ, nhưng cô vẫn phải đối mặt với một cuộc điều tra đang diễn ra. Rackete nói rằng, những trường hợp như cô sẽ còn tái diễn, trừ khi có áp lực công khai. “Tôi không thấy chính sách thay đổi chừng nào mà xã hội dân sự ở châu Âu chưa đứng lên đối đầu với họ. Ngay bây giờ, EU đang được coi là người tốt, tôn trọng nhân quyền... nhưng họ đang hình sự hóa những người sẵn sàng giúp đỡ những người đang cần khác”, Rackete nói.

Trong một tuyên bố với CNN, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu thừa nhận về sự “thiếu rõ ràng trong thực thi điều khoản miễn trừ nhân đạo” trong quy định của tổ chức và EU tiếp tục “thu thập bằng chứng” về cách áp dụng các luật này.

Trong một ghi chú được công bố vào tháng 10-2018 và được cập nhật vào tháng 6-2019, Cơ quan Quyền cơ bản (FRA) của Liên minh châu Âu nhận thấy “xu hướng gần đây của việc áp dụng tố tụng hình sự chống lại các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các thực thể tư nhân khác triển khai các tàu cứu hộ... khiến hầu hết các NGO ngừng hoạt động vào cuối năm 2018”. FRA cũng thừa nhận rằng xu hướng này đang diễn ra trong khi “số người chết trên biển vẫn ở mức cao”.