Rào cản trong quan hệ Mỹ-Cuba

ANTĐ - Bất chấp việc quan hệ ngoại giao đã được tái thiết lập, Mỹ vẫn quyết không trao trả Cuba Vịnh Guantanamo, một trong những vật cản lớn nhất trong việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington và La Habana.

Rào cản trong quan hệ Mỹ-Cuba ảnh 1Căn cứ hải quân của Mỹ trong Vịnh Guantanamo

Ngày 29-1, Người phát ngôn Nhà Trắng J. Earnest tuyên bố các nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ với Cuba sẽ không bao gồm việc chuyển giao quyền kiểm soát Vịnh Guantanamo cho quốc đảo này. Còn Tổng thống Mỹ B. Obama thì khẳng định sẽ không đóng cửa căn cứ hải quân của Mỹ trong Vịn Guantanamo.

Guantanamo là một hải cảng nước sâu tự nhiên, nằm ở phía nam của Cuba và được bao bọc xung quanh bởi những ngọn đồi thẳng dốc, tạo thành một vùng riêng biệt cách ly khỏi vùng đất nội địa. Ngay sau khi thoát khỏi ách đô hộ của Tây Ban Nha vào năm 1898, Cuba lại bị chinh phục ngay bởi lực lượng quân đội Mỹ. Năm 1903, Tổng thống Cuba khi đó và Chính phủ Mỹ ký “Hiệp định của các Bến than và Hải quân”, theo đó Mỹ được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Guantanamo. 

Năm 1934, Cuba và Mỹ lại ký một điều ước cho phép căn cứ quân sự Guantanamo của Mỹ tồn tại vô thời hạn, theo hình thức thuê đất, nếu Cuba muốn thu hồi phần lãnh thổ này của mình thì phải đàm phán với Mỹ. Theo điều ước, mỗi năm, phía Mỹ trả cho phía Cuba 2.000 USD tiền thuê đất và nước – tương đương với 4.085 USD ngày nay. 

Kể từ năm 1959, sau khi cách mạng thành công, Cuba dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fidel Castro cho rằng hiệp ước ký với Mỹ năm 1903 được thiết lập dựa trên sự đe dọa sử dụng vũ lực, qua đó vi phạm luật pháp quốc tế. Vào đầu những năm 1960, với chủ trương không chấp nhận những gì xảy ra tại một phần trên lãnh thổ của Tổ quốc mình, Cuba đã quyết định không tiếp tục nhận số tiền mang tính tượng trưng nêu trên.

Bất chấp sự phản đối của Cuba, căn cứ Hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo đã trở thành căn cứ quân sự lâu đời nhất của Mỹ ở nước ngoài, một bàn đạp thuận lợi để chống Cuba cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác trong thời Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, trong căn cứ này thường xuyên có 7.000 quân Mỹ. Các quân nhân được phép đưa theo gia đình tới cùng cư ngụ tại đây. Một tổng thể dịch vụ đã được thiết lập: siêu thị, câu lạc bộ thể thao, bệnh viện, đài truyền hình... chứng tỏ người Mỹ không muốn rời bỏ Guantanamo.

Tình hình càng căng thẳng hơn khi sau Chiến tranh Afghanistan, một phần căn cứ quân sự Guantanamo bị biến thành nhà tù giam giữ hơn 600 nghi phạm từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù bị Cuba và thế giới lên án, hiện vẫn còn gần 160 tù nhân đang bị giam giữ tại  Guantanamo, trong đó có 60 - 80 người chưa từng qua bất kỳ phiên xét xử nào. Những tù nhân này không được thả vì bị cho là quá nguy hiểm với nước Mỹ.

Vịnh Guantanamo đã trở thành vật cản trong quan hệ Mỹ - Cuba. Chủ tịch Fidel Castro từng nói: “Guantanamo là mũi dao thọc vào tim Cuba. Chúng tôi không chuẩn bị loại bỏ căn cứ bằng vũ lực, nhưng không bao giờ chúng tôi từ bỏ phần đất thiêng liêng này”. Mặc dù hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng Chủ tịch Cuba Raul Castro vẫn khẳng định việc trao trả quyền kiểm soát khu vực rộng 116 km2 – Vịnh Guantanamo là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ với Mỹ.