Răn đe tham vọng độc chiếm Biển Đông

ANTD.VN - Khi Trung Quốc càng gia tăng những hành vi hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước liên quan, càng có những tiếng nói phát đi thông điệp mạnh mẽ nhằm răn đe tham vọng biến vùng biển chiến lược này thành “ao nhà”  của bất kỳ ai.

Răn đe tham vọng độc chiếm Biển Đông ảnh 1Hai tàu chiến USS Gabrielle Giffords của Mỹ và tàu hộ vệ tàng hình đa năng RSS Steadfast của Singapore trong cuộc diễn tập trên Biển Đông

Đáp trả mạnh mẽ màn diễu võ giương oai

Trong thông báo đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 27-5, Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF) cho biết, không quân Mỹ đã điều các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer thực thi nhiệm vụ ở Biển Đông. Theo đó, 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ xuất phát từ căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam bay đến Biển Đông thực thi nhiệm vụ và trở về. Trong hành trình này, 2 máy bay B-1B đã được máy bay tiếp dầu KC-135R tiếp liệu trong quá trình bay.

PACAF cho biết thêm, 2 chiếc máy bay ném bom thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông vào ngày 26-5 là một phần nhiệm vụ của lực lượng oanh tạc thuộc Không quân Mỹ, thể hiện khả năng hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, vào thời điểm và tiến độ mà Mỹ lựa chọn. Đáng chú ý, trước đó, ngày 19-5, PACAF cũng đã điều các máy bay ném bom chiến lược B-1B thực thi nhiệm vụ ở Biển Đông.

B-1B Lancer là một trong bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ, gồm B-1B, máy bay tàng hình B-2 và “pháo đài bay” B-52. Máy bay B-1B với tốc độ bay tối đa 1.500 km/giờ và tầm hoạt động 9.400km không được trang bị vũ khí hạt nhân giống như hai loại máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-52. Tuy nhiên, 

B-1B Lancer có thể mang được số lượng bom và tên lửa thông minh lớn nhất so với 2 loại máy bay này với 34 tấn bom hoặc 24 tên lửa hành trình. Song, giới quân sự cũng không loại trừ B-1B có thể được trang bị vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết.

Phi đội máy bay ném bom chiến lược 

B-1B Lancer thực hiện các nhiệm vụ trên Biển Đông nằm trong số 4 chiếc B-1B cùng khoảng 200 binh sĩ được Không quân Mỹ điều từ bang Texas đến đảo Guam để tham gia huấn luyện và hoạt động với đồng minh, đối tác, nhằm củng cố “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc Mỹ triển khai các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược B-1B ở Biển Đông diễn ra sau khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành tập trận kéo dài bất thường tại Hoàng Hải, được cho là nhằm bù lại thời gian diễn tập bị hoãn do đại dịch Covid-19.

Tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) ngày 24-5 vừa qua cũng đã dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, một nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận để huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông trong mùa hè này.

Theo nguồn tin, cuộc tập trận sẽ bao gồm cả nội dung nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đi qua khu vực quần đảo Pratas nằm ở Đông Bắc Biển Đông (Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa) rồi tiến hành tập trận ở khu vực phía Đông Nam Đài Loan nằm ở khu vực biển Philippines. Trong cuộc tập trận được cho là có quy mô lớn này, quân đội Trung Quốc có kế hoạch tiến hành đổ bộ bờ biển ở Biển Đông gần đảo Hải Nam với kịch bản chiếm quần đảo Pratas hiện do Đài Loan kiểm soát.

Ngăn chặn việc dùng sức mạnh để yêu sách chủ quyền

Những cuộc tập trận liên tiếp của quân đội, hải quân Trung Quốc đã khiến cho thế giới và khu vực thêm lo ngại trong bối cảnh nước này đang ráo riết tiến hành quân sự hóa, đồng thời gia tăng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.

Theo yêu sách “đường lưỡi bò” công bố năm 2009 và thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield được gọi với 4 tên Hán hóa lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa), Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách chủ quyền này đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Bất chấp việc không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng những hành vi dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Điều mà nước này ngang ngược tiến hành xuyên suốt từ trước tới nay tại Biển Đông, từ việc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số bãi đá và thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 hay bãi cạn  Scarborough thuộc quyền kiểm soát của Philippines năm 2012…

Chính vì thế, những quốc gia có lợi ích liên quan, đặc biệt các quốc gia trong khu vực, cần phải hành động để răn đe, ngăn chặn Trung Quốc dùng sức mạnh để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Tuyên bố là một quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương và có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, Mỹ những năm qua đã triển khai những hoạt động nhằm khẳng định tự do hàng hải, hàng không cũng như ngăn chặn những hành vi mà cường quốc này cho là “hăm dọa”, “gây hấn”, “bắt nạt”… tại vùng biển này.

Cùng với việc triển khai các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược B-1B, các chuyến tuần tra của tàu chiến nhằm “thực thi quyền tự do hàng hải” (FONOPS) ở Biển Đông… Mỹ cũng phối hợp với các đồng minh, các đối tác trong khu vực nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ chống lại tham vọng độc chiếm Biển Đông. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) thuộc Hải quân Mỹ ngày 28-5 cho biết, lực lượng Hải quân Mỹ và Singaporre vừa cuộc diễn tập song phương trên Biển Đông trong hai ngày 24 và 25-5.

Cuộc diễn tập có sự tham gia của tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (tàu chiến tàng hình lớp Independence) của Mỹ và tàu hộ vệ tàng hình đa năng RSS Steadfast của hải quân Singapore. Theo INDOPACOM, cuộc diễn tập là cơ hội để tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa hai nước nước và việc tham gia cùng các đối tác trong khu vực như vậy là yếu tố cơ bản để “duy trì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.