Ra tay tàn nhẫn
(ANTĐ) - Nằm khuất sau núi Bạch Vân là thôn Thượng, xã Mục Vân, huyện Tây Lộc, Phúc Kiến, Trung Quốc nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời và những cây đậu đỏ (đậu tương tư) hàng trăm tuổi, với những người nông dân thật thà, thuần phác, chăm chỉ làm ăn. Nhưng những ngày cuối thu năm đó, thôn Thượng trở nên đìu hiu vì bóng đen của nguy cơ chết chóc bao trùm.
Cấp cứu nạn nhân bị trúng độc |
6 gia đình trúng độc
Ngày 19-10-1999, ông Lưu Sơ Bình, người dân thôn Thượng cùng vợ là Trịnh Lệ Ngọc, mẹ già 80 tuổi, con trai 16 tuổi và con gái 9 tuổi sau khi ăn trưa xong bỗng thấy buồn nôn, bụng đau dữ dội. Ông Lưu Sơ Bình đã gọi người đưa cả gia đình đến một bệnh viện ở Ninh Đức cấp cứu. Không ngờ, chỉ vài giờ sau đó, 3 hộ khác sống trong thôn là nhà Vương Thành Thanh, Vương Xuân Kỳ, Lý Lập Cần cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Ngay trong ngày, tổng cộng 13 người trong 4 gia đình phải nhập viện.
Theo chẩn đoán ban đầu của các bác sỹ, thức ăn trong dạ dày của cả 13 người đều có thành phần fluoroacetamide - chất độc thường được dùng để diệt chuột.
Sự việc nhanh chóng được người dân báo lên Công an thành phố Phúc An, Phúc Kiến. Một đội công tác được điều về thôn Thượng điều tra, ngay sau đó cơ quan phòng dịch, y tế cũng cho nhân viên về xem xét nguồn nước, nguồn thực phẩm, môi trường vệ sinh...
Tuy vậy, khi nguyên nhân còn chưa tìm được, vụ việc tương tự lại xảy ra. Ngày 20-10, thêm 2 người nữa trong thôn trúng độc. Tiếp đó, ngày 23-10, 2 gia đình khác lại phải nhập viện, đưa tổng số người bị trúng độc fluoroacetamide lên 23. Sự hoảng loạn lan trùm trong thôn.
Sáng 24-10, người ta lục tục thuê xe đưa hơn 80 đứa trẻ đi khỏi thôn, đến gửi nhờ ở nhà họ hàng thân thích. Những tin đồn đáng sợ bao trùm thôn Thượng. Người ta rỉ tai nhau, nói vì thôn chặt 2 cây đậu đỏ mấy trăm năm tuổi nên bị trời trừng phạt và “dịch bệnh” này sẽ lây lan đến khi thôn hết người…
Trời hại không bằng người hại
Ban đầu, tổ chuyên án tập trung điều tra theo hướng quan hệ xã hội do phát hiện 4 trong số 6 hộ bị trúng độc có người là cán bộ thôn. Được biết, hơn 20 ngày trước khi vụ án xảy ra, trong thôn đã có một vụ đánh nhau vì nguyên nhân vặt vãnh khiến một phụ nữ bị thương. Chính quyền thôn gồm các cán bộ này khi đó đã đứng ra giải quyết nhưng vì đối tượng chính đã bỏ trốn nên không truy cứu được. Tuy vậy, người phụ nữ này hoàn toàn không có điều kiện gây án.
Theo một nguồn tin khác, được biết ở đầu thôn có hai cây đậu đỏ hàng trăm năm tuổi đã chết khô nên chính quyền họp hội đồng bô lão, quyết định cho chặt bỏ, tiền bán cây được chia đều. Nhưng nguyên nhân đầu độc vì ăn chia hơn thiệt cũng bị loại trừ qua quá trình điều tra.
Trong vài ngày, hầu như tất cả các khả năng đều bị gạt ra, tổ chuyên án không tìm được đối tượng nào khả nghi.
Tới ngày 28-10, kết quả giám định thực phẩm của các gia đình nạn nhân được chuyển về cũng không có gì đặc biệt ngoài trường hợp một trong những hộ dân bị trúng độc là gia đình Lã Hùng Tồn sáng 22-10 đã ăn tiết canh có chứa fluoroacetamide.
Sáng 22-10, Lã Hùng Tồn tự tay chọc tiết con lợn mình nuôi trước cửa tiệm tạp hóa của Lý Ái Liên, một người sống trong thôn. Tình cờ, một số thành viên các gia đình nạn nhân đều từng qua lại tiệm tạp hóa này ngày xảy ra vụ án. Trinh sát tiếp cận với Lý Ái Liên sau đó đã nhận thấy chị ta có những biểu hiện bất thường.
Ngày 3-11, Lý Ái Liên bị đưa về thẩm vấn. Sau nhiều ngày chối cãi, Lý Ái Liên cúi đầu khai nhận toàn bộ tội ác của mình.
Lý Ái Liên, SN 1969, sinh được 1 trai 1 gái, chồng Vương Mâu là cán bộ thôn. Bình thường gia đình Lý Ái Liên vốn không có mâu thuẫn gì lớn với gia đình các nạn nhân ngoài những lần cãi cọ vặt vãnh, nhưng vì tính tình cay nghiệt, chị ta không ưa mà cũng không được lòng ai.
Sắp đến kỳ bầu cử cán bộ thôn khóa mới, chỉ nghe phong thanh việc chồng không được tái cử, Lý Ái Liên đã quyết định mưu sát những cán bộ khác. Sẵn thuốc chuột mua về, chị ta hạ độc luôn những người mình ghen ghét. Tháng 7-2000, Lý Ái Liên bị Tòa án thành phố Phúc An tuyên án tử hình.
Bảo Trâm
(Theo Trọng án-TQ)