Quyết trở lại châu Phi

ANTĐ - Lần đầu tiên đến Kenya trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông B. Obama không chỉ như người con về thăm quê hương mà còn vì mục đích tìm con đường trở lại châu Phi cho nước Mỹ.

Chuyến thăm Kenya lần này của Tổng thống Obama rất khác so với cách đây 28 năm, khi ông còn là một thanh niên lần đầu tiên đến Kenya với nhiều câu hỏi lớn cần lời giải đáp về cội nguồn của mình. Khi đó, ông B. Obama đã tới thăm ngôi làng quê hương, gặp những người thân trong gia đình để cảm nhận được “sự thoải mái, kiên định và bản sắc”, như lời ông B. Obama tự bạch sau này.

Còn lần này, ông trở về quê hương với tư cách là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Kenya và với nhiệm vụ nặng nề là tìm lại vị trí của Mỹ ở châu Phi. Từng là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, nhưng Mỹ đã để tuột mất vị trí này vào tay các đối thủ. Mỹ hiện chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi sau Trung Quốc và EU. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-châu Phi năm 2013 đạt 60 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 200 tỷ USD và 170 tỷ USD của Trung Quốc và EU.

Quyết trở lại châu Phi ảnh 1

Tổng thống B. Obama trong lễ đón tiếp tại sân bay Nairobi

Ảnh hưởng của Mỹ sụt giảm ở châu Phi còn thể hiện ở nhiều con số khác nhau. Tính từ năm 2005 đến nay, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng gấp 30 lần. Năm ngoái, trong khi Mỹ dành chưa đầy 1% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của mình cho châu Phi, thì Trung Quốc đã dành ít nhất 3,4% FDI của họ cho khu vực này.

Trong cuộc đua toàn cầu, không thể để tụt hậu ở bất cứ khu vực nào, nhất là ở châu Phi vốn giàu tài nguyên cùng vị trí chiến lược. Theo con số thống kê, Nigeria và Angola xuất khẩu hơn 50% sản lượng dầu mỏ khai thác sang Mỹ. Chính vì thế, ông B. Obama kỳ vọng chuyến công du đến Kenya, sau đó dừng chân ở Ethiopia, sẽ giúp ông đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực mang điện, an ninh và dân chủ tới châu Phi, từ đó sẽ lấy lại ảnh hưởng của Mỹ tại lục địa này. 

Năm ngoái, tại hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi lần đầu tiên tổ chức tại Washington, Mỹ đã đưa ra các cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính cho châu Phi lên tới 37 tỷ USD, trong đó 14 tỷ USD là số tiền đầu tư và kinh doanh, 12 tỷ USD đầu tư mới cho lĩnh vực điện, 7 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi và 4 tỷ USD là các khoản chi cho y tế, triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình, tăng cường khả năng thực thi luật pháp…

Để hiện thực hóa các cam kết trên trong bối cảnh muốn giành lại vị thế tại “lục địa Đen” trước Trung Quốc và châu Âu, ngay sau khi đặt chân đến Kenya, ông B. Obama đã có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh toàn cầu ở Nairobi, trong đó khẳng định đầu tư và kinh doanh ở châu Phi sẽ góp phần phá vỡ những rào cản và xây dựng những nhịp cầu giữa các nền văn hoá. 

Cho rằng châu Phi đang chuyển mình và là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ông B. Obama đã công bố cam kết sẽ huy động hơn 1 tỷ USD từ chính phủ, ngân hàng, các quỹ và những nhà từ thiện Mỹ để giúp đỡ châu Phi. Một nửa số tiền trên sẽ được sử dụng để hỗ trợ phụ nữ và những người trẻ tuổi đang muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Những lĩnh vực mà Mỹ tập trung đầu tư là năng lượng, viễn thông và nông nghiệp.

Có thể nói, Mỹ đang quyết tâm trở thành một đối tác trong sự thành công của châu Phi, “chứ không chỉ thuần túy nhòm ngó nguồn tài nguyên phong phú của châu lục này”. Di sản và sự gắn bó với mảnh đất quê hương là cơ hội vàng để ông B. Obama thực hiện mục tiêu của mình, từng bước giành lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi.