Quy định về bắt buộc đeo khẩu trang đã có từ đại dịch cúm năm 1918

ANTD.VN - Gần đây các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, mới có quy định về đeo khẩu trang, dù trước đó vẫn tuyên bố đeo khẩu trang là không cần thiết. Nhưng ít người biết rằng, trong đại dịch cúm hơn 100 năm trước, chính Mỹ đã đi tiên phong trên thế giới về quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Quy định về bắt buộc đeo khẩu trang đã có từ đại dịch cúm năm 1918 ảnh 1Cảnh sát Seattle đeo khẩu trang trong trận dịch cúm năm 1918

Lịch sử có nhiều nét tương đồng

Đại dịch cúm năm 1918, kéo dài từ tháng 1-1918 đến tháng 12-1920 đã lây nhiễm cho 1/3 dân số thế giới, tương đương khoảng 500 triệu người, dẫn đến khoảng 50 triệu người tử vong, trong đó khoảng nửa triệu nạn nhân ở Mỹ.

Vào tháng 10-1918, khi San Francisco xảy ra làn sóng thứ hai của đại dịch, các bệnh viện báo cáo số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh. Ngày 24-10-1918, cơ quan lập pháp của thành phố mang tên Ủy ban Giám sát của San Francisco, nhận ra rằng cần phải hành động quyết liệt khi có hơn 4.000 ca bệnh và họ nhất trí thông qua Sắc lệnh Khẩu trang cúm. Việc đeo khẩu trang nơi công cộng lần đầu tiên trở thành bắt buộc trên đất Mỹ.

Sau sắc lệnh đó, Thị trưởng thành phố, cùng với các thành viên của Ủy ban Y tế đã hối thúc dân chúng: “Đeo khẩu trang để cứu mạng bạn! Khẩu trang giúp chống lại bệnh cúm 99%”. Bất cứ ai bị bắt gặp ra đường mà không đeo khẩu trang có thể bị phạt hoặc thậm chí bị cầm tù. Chiến dịch đã được các thành phố khác của California như Santa Cruz và Los Angeles noi theo, tiếp theo là các tiểu bang trên khắp nước Mỹ.

Tất nhiên, có một số người đã bỏ qua các quy tắc. Một bức ảnh chụp trong một trận đấu quyền Anh ở California cho thấy, 50% số khán giả không đeo khẩu trang. Cảnh sát đã phóng to bức ảnh để xác định từng người. Ai không đeo khẩu trang bị cảnh báo hoặc đóng góp “tự nguyện” cho một tổ chức từ thiện ủng hộ quân nhân đang chiến đấu ở nước ngoài, hoặc đối mặt với việc truy tố.

Ở phía bên kia Đại Tây Dương, biện pháp tương tự đã được thực hiện. Pháp khuyến nghị đeo khẩu trang trong nhà tù vào đầu tháng 11-1918. Cơ quan y tế của Manchester, ở miền Bắc nước Anh cũng áp dụng điều này.

Và như một quy luật, khi việc sử dụng khẩu trang phổ biến khắp châu Âu và Bắc Mỹ, vấn đề nguồn cung trở nên căng thẳng. Một số ít nhà sản xuất khẩu trang không thể đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Tờ Washington Times ngày 26-9-1918 cho biết, 45.000 khẩu trang sẽ được cung cấp cho lính Mỹ để tránh “cúm Tây Ban Nha”.

Hiệu quả không thể phủ nhận

Đầu tháng 12-1918, tờ Times ở London đưa tin rằng các bác sĩ ở Mỹ khẳng định “cúm lây là do tiếp xúc nên có thể phòng ngừa được”. Tờ Times cũng nêu một ví dụ cho thấy tác dụng của đeo khẩu trang trên một con tàu giữa vụ dịch. Thời gian đó, tàu thuyền đi lại giữa Mỹ và Anh chịu một tỷ lệ lây nhiễm khủng khiếp. Khi trở về Mỹ, vị thuyền trưởng vì từng nghe đến việc phổ biến khẩu trang ở San Francisco đã trang bị khẩu trang cho toàn bộ thủy thủ đoàn và hành khách. Và kỳ lạ, tàu không xảy ra trường hợp lây nhiễm nào mặc dù họ có ghé qua Manhattan và Southampton là những nơi đều có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Trong khi đó, trong đợt dịch hạch Mãn Châu 1910-1911, các nhà khoa học Trung Quốc, Nga, Mông Cổ và Nhật Bản đã cùng nhau chống lại sự bùng phát của bệnh dịch ở miền Bắc Trung Quốc và khẩu trang được coi là có hiệu quả. Bởi vậy, sau những trải nghiệm ở Mãn Châu năm 1911, người Nhật đã nhanh chóng khuyên dân chúng đeo khẩu trang vào năm 1918, vì đó là cử chỉ lịch sự trong việc lây truyền bệnh cho người khác và góp phần làm giảm lây nhiễm.

Có thể nói, năm 1918, Mỹ chấp nhận đeo khẩu trang để dập dịch và một thế kỷ sau, chính các quốc gia châu Á đã ghi nhớ những bài học của Mỹ về lợi ích của việc đeo khẩu trang trong việc làm chậm sự lây lan của virus. Có lẽ là bởi trong những năm qua, châu Á đã phải đối phó với các đợt bùng phát của dịch tả, thương hàn hay dịch SARS năm 2003 và cúm gia cầm gần đây. Những vụ dịch đó đã giúp duy trì “văn hóa đeo khẩu trang” ở châu Á. Nhưng Mỹ và châu Âu đã không thấy sự bùng phát đều đặn tương tự như vậy. Vì vậy, dường như, khái niệm đeo khẩu trang như một biện pháp dự phòng đã bị lu mờ trong ý thức của nhiều thế hệ người phương Tây. Nhưng chắc chắn, đại dịch Covid-19 lần này sẽ làm thay đổi điều đó.

Mỹ và châu Âu gần đây không trải qua những đợt dịch bùng phát đều đặn như châu Á. Vì vậy, dường như khái niệm đeo khẩu trang như một biện pháp dự phòng đã bị lu mờ trong ý thức của nhiều thế hệ người phương Tây. Nhưng chắc chắn, đại dịch Covid-19 lần này sẽ làm thay đổi điều đó.