Quốc hội Mỹ sau bầu cử: Dân chủ "đánh chiếm" Hạ viện, Cộng hòa kiểm soát Thượng viện

ANTD.VN - Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đã đưa Tổng thống Donald Trump vào thế bị “kẹt” trong thế “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi chỉ giữ được Thượng viện, còn mất quyền kiểm soát Hạ viện vào phe Dân chủ.

Dù mất quyền kiểm soát Hạ viện vào phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nhưng vị thế của Tổng thống Donald Trump không bị suy yếu

Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ viện và 35/100 ghế Thượng viện công bố ngày 7-11 cho thấy, đảng Cộng hòa của đương kim Tổng thống Donald Trump tiếp tục nắm giữ đa số ghế sít sao tại Thượng viện với 51/100 ghế, song đã để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Dân chủ. Đây cũng là lần đầu tiên đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp có vai trò quan trọng trong việc thông qua nhiều chính sách đối nội của nước Mỹ.

Cho dù đã hoạt động tối đa công suất trong giai đoạn nước rút cùng thành tích kinh tế sáng sủa, nhưng Tổng thống Donald Trump cùng các ứng cử viên đảng Cộng hòa đã không thể ngăn đảng Dân chủ “đánh chiếm” lại Hạ viện. Kết quả bất lợi thấy trước này sẽ tác động không nhỏ tới chính trường nước Mỹ, đặc biệt là với những chính sách gây tranh cãi trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Việc kiểm soát Hạ viện giúp đảng Dân chủ có thể dễ dàng hơn trong việc cản trở hàng loạt chính sách do Tổng thống Donald Trump hay đảng Cộng hòa đưa ra bằng cách ngăn cản việc thực thi. Giữ quyền chi phối trong nhiều ủy ban của Hạ viện cũng như thêm ghế trong các ủy ban của Thượng viện cũng tạo điều kiện cho đảng Dân chủ có quyền hơn trong việc điều tra những cáo buộc liên quan đến chính quyền Tổng thống Trump và gây bất lợi đáng kể cho nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Trump vào năm 2020.

Điều đáng lo ngại nhất là đảng Dân chủ có thể khởi động tiến trình luận tội Tổng thống Donald Trump, kịch bản có thể dẫn tới việc ông Trump bị phế truất nếu ông bị kết luận là thông đồng với bên ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng kịch bản này rất khó xảy ra bởi đảng Dân chủ chưa nắm giữ số ghế vượt trội so với đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Theo Hiến pháp Mỹ, việc luận tội Tổng thống là tiến trình gồm hai bước, bước đầu tiên diễn ra ở Hạ viện, nơi các nghị sĩ đưa ra những lời buộc tội chống lại Tổng thống. Nếu đa số nghị sĩ tại Hạ viện nhất trí với lời buộc tội này, Tổng thống gần như sẽ bị truy tố. Tuy nhiên, Tổng thống chỉ bị phế truất khi 2/3 thượng nghị sĩ tại Thượng viện đồng ý với lời buộc tội. 

Khó khăn thực tế nhất mà Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt trong nửa sau nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên khi để mất Hạ viện vào tay phe Dân chủ chính là sự phân ly này có thể dẫn tới thế bế tắc tại Quốc hội, gây rất nhiều khó khăn cho việc thông qua các chính sách. 

Thế nhưng, Tổng thống Donald Trump không hẳn là “mất” hoàn toàn, mà có những cái “được” không kém phần quan trọng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử này đã “vô tình” giúp Tổng thống Trump “thanh lọc” những thành viên chống đối ông trong đảng Cộng hòa, bởi thế sẽ làm ông mạnh hơn ở nửa nhiệm kỳ còn lại khi không gặp phải sự chống đối quyết liệt ngay trong nội bộ. Một đảng Cộng hòa ít người chống đối và nhiều người ủng hộ hơn sẽ gia tăng đoàn kết quanh “hạt nhân” Donald Trump giúp Tổng thống thêm sức mạnh trên chính trường Mỹ, mở ra cơ hội lớn hơn trong trường hợp muốn tái tranh cử vào năm 2020.

Sự “được” và “mất” đối với Tổng thống Donald Trump khó có thể định lượng đầy đủ vào lúc này, song có điều rõ ràng rằng ông sẽ bị “níu chân níu tay” không ít khi Quốc hội Mỹ trở lại thời kỳ chia rẽ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” từng thấy trước đây.