Quan hệ Trung Quốc - Mỹ: Nói nhiều, làm được bao nhiêu?

ANTĐ - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Mỹ. Hai bên đều bày tỏ mong muốn xóa đi những nghi ngờ, thúc đẩy quan hệ song phương. 
Quan hệ Trung Quốc - Mỹ: Nói nhiều, làm được bao nhiêu? ảnh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại thành phố Seattle, Mỹ ngày 22-9

Cảnh báo từ Trung Quốc

Ngày 22-9, ông Tập Cận Bình đã tới Mỹ với chặng dừng chân đầu tiên là thành phố Seattle. Tại đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự Diễn đàn lãnh đạo các địa phương Trung - Mỹ lần thứ 3 và có bài phát biểu mở màn cho chuyến thăm kéo dài suốt một tuần lễ. Ông Tập Cận Bình đề cập tới nhiều vấn đề, song có thể tóm tắt gồm hai nội dung chính là vừa “hy vọng” vừa “cảnh báo”.

Nội dung đáng chú ý trong bài phát biểu này là việc Bắc Kinh hy vọng tăng cường hợp tác và hiểu biết với Washington, giảm bớt bất hòa và sự hoài nghi trong quan hệ giữa hai nước. Về những vấn đề nóng trong quan hệ song phương, nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra dịu giọng và khôn khéo khi khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong cuộc chiến chống tội phạm mạng, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh không tham gia hoạt động tấn công mạng và không ủng hộ hành vi này.

Về kinh tế, ông Tập Cận Bình khuyến nghị Washington và Bắc Kinh cần phải sớm hoàn tất Hiệp định thương mại đầu tư song phương chất lượng cao, cùng với đó là cam kết trấn an Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không giảm giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không quên cảnh báo rằng sự bất đồng, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ dẫn tới thảm họa không chỉ đối với hai nước mà với cả thế giới. Đây không phải lần đầu tiên ông Tập Cận Bình (cùng nhiều nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc) đưa ra cảnh báo kiểu này.

Mô típ quen thuộc trong các phát biểu của Bắc Kinh trong thời gian gần đây về quan hệ Trung - Mỹ là đề cập việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, vẽ ra tương lai tươi sáng và nhiều tiềm năng, rồi, ngay sau đó là cảnh báo những hậu quả khi hai cường quốc này mâu thuẫn hay xung đột. Nếu như người Mỹ có chiến thuật ngoại giao kinh điển “cây gậy và củ cà rốt” thì giờ đây người Trung Quốc đang đáp trả bằng chiến thuật tương tự, dù là trên lý thuyết, và mang đậm “bản sắc” Trung Quốc.

Miếng mồi

Người ta sẽ tự hỏi, vậy Trung Quốc có gì làm “củ cà rốt” để dụ người Mỹ? Trung Quốc luôn trực tiếp hoặc gián tiếp nói đến những lợi ích mà Mỹ sẽ có được khi hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Ngay trong bài phát biểu ở thành phố Seattle trước 11 người đứng đầu các bang và tỉnh thành hai nước, ông Tập Cận Bình đã đi từ cấp địa phương cùng những lợi ích “nhỏ” để nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác song phương. Theo ông, trong nhiều năm qua, hai nước đã thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa 43 cặp tỉnh/bang và 200 cặp thành phố của hai nước.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra đề xuất 3 điểm nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ở cấp địa phương. Điểm đầu tiên là hai bên cần tận dụng hiệu quả cơ hội từ hai nền kinh tế lớn mang lại, theo đó các bang của Mỹ cần củng cố hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong những lĩnh vực mà nước này có nhu cầu. Thứ hai là Trung Quốc và Mỹ cần chia sẻ lợi ích có được từ các chính sách cải cách và phát triển của hai nước. Điểm cuối cùng là hai bên cần nỗ lực khai thác tiềm năng ưu thế bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương, coi trọng giao lưu nhân dân. Ông Tập Cận Bình cho rằng sự hợp tác này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, mang lại lợi ích cho người dân hai nước. 

Ngay trong ngày ông Tập Cận Bình tới Mỹ, một nhóm các công ty của Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua 300 máy bay Boeing của Mỹ. Ngoài ra, Công ty máy bay thương mại của Trung Quốc cũng đã ký một văn kiện hợp tác với Hãng Boeing về việc xây dựng một trung tâm hoàn thiện máy bay Boeing 737 tại nước này, trong khi Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) ký Bản ghi nhớ với Hãng Boeing về việc xúc tiến hợp tác chiến lược toàn diện trong ngành hàng không dân dụng.

Theo báo cáo hàng năm của Boeing về tình hình thị trường Trung Quốc công bố tháng trước, đến năm 2034, Trung Quốc dự kiến mua thêm 6.330 máy bay mới với tổng trị giá 950 tỷ USD. Bản thân ông Tập Cận Bình cũng có kế hoạch đến thăm nhà máy chế tạo máy bay chính của Hãng Boeing tại bang Washington. Những hợp đồng và những con số “nhỏ” trong hợp tác với Boeing đã chứng minh cho những lợi ích “lớn” mà các công ty Mỹ có thể được hưởng lợi từ mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.

Quan hệ Trung Quốc - Mỹ: Nói nhiều, làm được bao nhiêu? ảnh 2

Trở lại với lòng tin

Những ngôn từ và nghi thức ngoại giao hay giá trị các bản hợp đồng chắc chắn sẽ không thể che giấu thực trạng quan hệ Trung - Mỹ. Đó là mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh trên nhiều lĩnh vực. Những bước phát triển nhảy vọt về quan hệ kinh tế không thể làm lu mờ những mâu thuẫn, mà trên nhiều phương diện ngày càng gay gắt.

Chính tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cũng thừa nhận kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979 đến nay, quan hệ Trung - Mỹ đã trải qua nhiều thành tựu và cả sóng gió. Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 555,1 tỷ USD, vốn đầu tư giữa hai nước vượt 120 tỷ USD, số lượt người qua lại giữa hai bên đạt trên 4,3 triệu lượt, cứ 17 phút lại có một chuyến bay và bình quân mỗi ngày có 120.000 người qua lại mỗi nước...

Theo tờ báo của Trung Quốc, các mâu thuẫn mang tính kết cấu ngày càng bộc lộ rõ nét. Thách thức hiện nay trong quan hệ Trung - Mỹ đến từ những thay đổi trong quan hệ song phương, đa phương và cục diện thế giới. Hai nước tồn tại nhiều bất đồng trong các vấn đề tranh chấp trên biển, an ninh mạng…Theo phía Trung Quốc, lòng tin chiến lược là nền móng để xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, và luôn là vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất trong quan hệ Trung - Mỹ.

Nói về lòng tin, hoài nghi lớn nhất của Bắc Kinh đối với Washington chính là chiến lược tái cân bằng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang thực hiện. Việc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự, cố kết các quan hệ đồng minh truyền thống đồng thời mở rộng và tăng cường quan hệ đối tác với nhiều nước trong khu vực đã khiến Trung Quốc nghĩ mình là mục tiêu chính đang bị bao vây và ngắm tới. Với sự tự tin có khả năng rút ngắn khoảng cách về thực lực, Trung Quốc đang tự coi mình là đối thủ cạnh tranh vị thế thống trị của Mỹ.

Ngược lại, những hành động của Bắc Kinh cũng đang khiến Mỹ và các đồng minh không khỏi nghi ngại về một Trung Quốc không còn “giấu mình chờ thời” nữa. Trong khi “mối đe dọa” từ Trung Quốc trong các vấn đề an ninh mạng, kinh tế hay biến đổi khí hậu chưa thực sự rõ ràng thì những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông lại là những ví dụ sinh động và có thật cho những lo ngại của Mỹ cùng nhiều quốc gia.

Không phải vô cớ mà báo chí Mỹ cho rằng cùng với các vấn đề như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, kinh tế, nhân quyền và Triều Tiên, Biển Đông sẽ trở thành chủ đề trọng tâm trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama tại Washington D.C. Sự thật không thể chối cãi là Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa cùng một số đảo, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Không những thế, Bắc Kinh còn ngang nhiên xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông, hủy hoại môi trường sinh thái biển và vi phạm luật pháp quốc tế. Những hành động như vậy không chỉ khiến Mỹ mà còn làm nhiều quốc gia khác hoài nghi và e ngại về sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Như một quán tính tồn tại nhiều thập kỷ qua, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tập trung trước hết và trên hết vào vấn đề kinh tế. Điều đó vừa giúp né tránh những vấn đề “nhạy cảm”, vừa mang lại cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình một kết quả thực tế nào đó trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chững lại với mức tăng trưởng quanh mức 7%, còn kinh tế Mỹ cũng phục hồi chưa vững chắc.

Không nên ảo vọng rằng chỉ qua chuyến thăm lần này, Trung Quốc và Mỹ có thể giải quyết ổn thỏa mọi bất đồng. Thiết thực nhất, hãy chờ xem sẽ có bao nhiêu tỷ USD được liệt kê từ các hợp đồng được ký kết và “Hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung” (BIT), vốn được đàm phán trong suốt 7 năm qua, liệu có bước đột phá nào không?