Quan hệ Nga - Nhật: Vượt qua bất đồng, hướng tới tương lai

ANTD.VN - Xuất phát từ những lo ngại trước mối quan hệ quá gần gũi giữa Nga và Trung Quốc, Nhật Bản đang nỗ lực xích lại gần Nga, bất chấp các áp lực từ người đồng minh Mỹ. Để phát triển mối quan hệ với Nga, mới đây Nhật Bản đã cử thêm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quan hệ kinh tế Nga-Nhật - một vị trí đặc biệt ở vùng Viễn Đông.

Nhật Bản xích lại gần Nga

Kể từ năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã xác định việc thúc đẩy quan hệ với Nga là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Quan hệ hai nước trở nên nồng ấm bởi hai bên có điểm tương đồng là cùng sẻ chia lợi ích. Hiện nay, dù chịu nhiều sức ép của Mỹ và phương Tây về việc trừng phạt Nga do việc sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng Thủ tướng Nhật Bản chỉ tham gia trừng phạt tượng trưng bằng cách hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Crimea và hứa sẽ đóng băng các tài sản tài chính của người Nga nằm trong danh sách trừng phạt.

Ông Abe cũng không thể hiện thái độ ủng hộ rõ ràng với các lệnh trừng phạt mà Mỹ đề xuất nhằm chống Nga. Dường như ông không muốn làm tổn hại tới mối quan hệ này, bởi lẽ Tokyo vẫn đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho việc duy trì cuộc đối thoại chính trị cao cấp với Moscow. Ngoài ra, Nhật Bản cũng không muốn gắn vấn đề Ukraine với các cuộc đàm phán hướng tới việc xích lại gần nhau chiến lược, mà muốn ưu tiên vào các hành động của Nga ở châu Á, nơi Nga đang tích cực đẩy mạnh "chính sách hướng Đông".

Ông Putin và ông Abe tại Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông Vladivostok. (Nguồn: Reuters)

Từ ngày 6 đến 8-6-2019, tại Trung tâm triển lãm Expoforum thành phố St. Petersburg (Nga) đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg 2019 lần thứ 23 (SPIEF-2019), với chủ đề "Định hình chương trình nghị sự cho sự phát triển bền vững", Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận bốn chủ đề chính: "Tìm kiếm sự cân bằng trong nền kinh tế thế giới", "Nền kinh tế Nga: Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia", "Công nghệ trong tương lai gần" và "Con người là trên hết ", lãnh đạo Nhật Bản cũng đã tham gia diễn đàn này của Nga. Hồi năm ngoái, tại Diễn đàn SPIEF, Thủ tướng Abe đã tiến hành hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại thủ đô Moscow. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Abe với Tổng thống Putin sau khi ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 vào tháng 3-2018.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cách thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trong 5 lĩnh vực tại các quần đảo tranh chấp như đã nhất trí vào tháng 9-2017. Theo đó, hai bên đồng ý đẩy nhanh các cuộc tham vấn nhằm tăng cường hoạt động thương mại tại khu vực quần đảo tranh chấp và cử phái đoàn thương mại đến đây. Nhật Bản hy vọng các hoạt động này sẽ mở đường để đi tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ qua và sẽ dẫn đến việc ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn: IBTimes)

Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi Nga giải quyết vấn đề lãnh thổ của hai nước nhằm đảm bảo nền hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế trong khu vực. Đồng thời, cần có một hiệp ước hòa bình, phát triển của khu vực. Nhật Bản tiếp tục duy trì quan điểm rằng 4 đảo do Nga kiểm soát là phần cố hữu của lãnh thổ Nhật Bản, và các hòn đảo này đã bị chiếm đóng bất hợp pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nguyên nhân chính cản trở Nhật Bản và Nga ký một hiệp ước hòa bình là do hai nước chưa đạt được thỏa thuận liên quan đến một nhóm 4 hòn đảo mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, gồm Iturup, Kunashir, Shikotan Habomai mà phía Nga gọi là "quần đảo Nam Kuril" và phía Nhật Bản gọi là vùng "Lãnh thổ phương Bắc".

Hồi cuối năm 2018, trong buổi họp báo sau Hội nghị của Hội đồng Bộ trưởng OSCE ở Milan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 7-12 đã có tuyên bố cho biết, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe vừa đạt được thỏa thuận thúc đẩy đàm phán ký kết Hiệp ước Hòa bình trên cơ sở tuyên bố Xô-Nhật năm 1956. Hiệp ước Hòa bình giữa Nga và Nhật Bản đến nay chưa được ký kết do những khác biệt cơ bản về quan điểm của cả hai nước khi phân chia lãnh thổ Phát xít Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ hai và bất đồng về ý nghĩa của các thỏa thuận Yalta (2-1945), Tuyên bố Potsdam (7-1945) và Hiệp ước San Francisco (9-1951).

Tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Putin đã gặp nhau hơn 20 lần, nhiều hơn bất cứ lãnh đạo nào trên thế giới. Con số này cho thấy sự xích lại gần nhau có tính chiến lược của hai nước. Một mặt nhằm đạt được những lợi ích chung về hợp tác kinh tế và năng lượng, mặt khác nhằm tạo thế cân bằng giữa các cường quốc châu Á. Với hy vọng một hiệp ước hòa bình được ký kết với Nga sẽ cho phép củng cố chiến lược tạo đối trọng với Trung Quốc, Nhật Bản đã áp dụng đường lối linh hoạt nhằm vượt qua sự bế tắc trong vấn đề lãnh thổ.

Do bất an vì Trung Quốc?

Theo giới phân tích, lý do sâu xa của việc Nhật Bản muốn xích lại gần Nga xuất phát từ chính nỗi bất an của Tokyo trước một Trung Quốc quá hùng mạnh. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Bắc Kinh và Tokyo đã quen với việc không tin tưởng lẫn nhau. Ngay cả các nhà lãnh đạo hiện tại của hai nước là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đều nhấn mạnh có "khoảng cách" giữa họ. Hơn nữa, các cuộc họp song phương cũng rất hiếm khi diễn ra.

Chừng nào mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không vượt qua quan hệ đối tác bình thường, họ sẽ không khiến Nhật Bản quá lo lắng. Tuy nhiên, triển vọng của một liên minh chiến lược Nga-Trung đã làm cho Tokyo thực sự lo ngại, đặc biệt mới đây trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 6-2019, cuộc gặp lần thứ 30 giữa lãnh đạo 2 nước từ năm 2013), hai bên đã nhất trí nâng tầm quan hệ lên mức "đối tác chiến lược toàn diện của hợp tác trong kỷ nguyên mới" với những lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp vào tháng 3-2018. (Nguồn: Independent)

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Viễn Đông của Nga Valery Kistanov nhận định, nếu Nga và Trung Quốc cùng tham gia vào các hoạt động chống Nhật Bản, thì đối với Tokyo, điều đó sẽ có nghĩa là "cơn ác mộng" của họ trở thành sự thật. Ông cho rằng: "Bầu không khí giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay đã căng thẳng đến mức giới hạn. Chủ tịch Tập Cận Bình không cả muốn nghe tới cuộc gặp gỡ với ông Shinzo Abe, các nhà chính trị này nếu có đối diện với nhau, thì cũng chỉ là bên lề các hội nghị thượng đỉnh lớn, chứ không phải chỗ nào khác. Tôi xin đưa ra ẩn dụ thế này, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay đang đóng băng".