Quan hệ đảo chiều

(ANTĐ) - Mối quan hệ đồng minh hiếm hoi giữa một quốc gia Hồi giáo như Ai Cập với Israel đang có dấu hiệu đảo chiều khi Cairo đồng ý để tàu chiến của Iran đi qua kênh đào Suez để tới Địa Trung Hải mà Israel là một nước nằm ven bờ.

Quan hệ đảo chiều

(ANTĐ) - Mối quan hệ đồng minh hiếm hoi giữa một quốc gia Hồi giáo như Ai Cập với Israel đang có dấu hiệu đảo chiều khi Cairo đồng ý để tàu chiến của Iran đi qua kênh đào Suez để tới Địa Trung Hải mà Israel là một nước nằm ven bờ.

Tàu chiến của Iran sẽ lần đầu tiên đi qua kênh đào Suez để đến Địa Trung Hải
Tàu chiến của Iran sẽ lần đầu tiên đi qua kênh đào Suez để đến Địa Trung Hải

Là quốc gia Hồi giáo song chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập đã trở thành một đồng minh thân thiết của Israel cũng như của Mỹ tại khu vực. Cũng chính vì thế mà quan hệ giữa Ai Cập với quốc gia Hồi giáo chống Mỹ và Israel kịch liệt như Iran luôn trong trạng thái căng thẳng và thù nghịch.

Chính quyền Ai Cập dưới thời Tổng thống Mubarak đã “cấm cửa” mọi tàu quân sự của Iran đi từ vùng Vịnh sang Địa Trung Hải qua đường kênh đào Suez. Điều đó rất dễ hiểu bởi Israel - đồng minh của Ai Cập, nằm ngay bên bờ Địa Trung Hải.

Thế nhưng, mối quan hệ đồng minh hay đối thủ của Ai Cập được cho là chắc chắn có sự thay đổi quan trọng cùng với việc ra đi của Tổng thống Mubarak. Suốt 3 thập niên cầm quyền, nhà lãnh đạo này luôn được Mỹ và Israel coi là đồng minh thân thiết bậc nhất trong thế giới Hồi giáo.

Vẫn biết quan hệ giữa Ai Cập với Israel và Iran sẽ có những thay đổi đáng kể song không mấy người ngờ điều đó lại đến sớm như vậy. Tín hiệu rõ ràng nhất về sự đảo chiều các mối quan hệ của Ai Cập được thấy qua “liều thuốc thử” tàu chiến của Iran muốn đi qua kênh Suez.

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mubarak phải từ chức và trao quyền lãnh đạo đất nước cho Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã thấy chính quyền Tehran đề nghị cho phép tàu chiến của Iran đi từ vùng Vịnh qua kênh đào Suez sang Địa Trung Hải. Việc chính quyền mới ở Ai Cập quyết định thế nào đối với đề nghị này sẽ xác định quan điểm của Cairo với Israel cũng như Iran.

Bởi vậy, việc chính quyền Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đồng ý để hai tàu chiến của Iran lần đầu tiên đi qua kênh đào Suez từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đã làm cho Israel hết sức lo ngại. Không bình luận trực tiếp về quyết định của Ai Cập, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman cho rằng việc tàu chiến Iran qua kênh đào Suez là “một khiêu khích” ngày càng lớn của Iran.

Theo kế hoạch, hai tàu chiến của Iran sẽ tiến vào kênh Suez sáng hôm nay (21-2) và hoàn tất chuyến đi đến Địa Trung Hải vào tối cùng ngày. Cho đến nay, Mỹ chưa chính thức tỏ thái độ mà người phát ngôn Nhà Trắng chỉ nói úp mở rằng Washington “sẽ theo dõi sát đường đi” của các tàu hiện đang ở Biển Đỏ.

Chính quyền mới ở Ai Cập hiện vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về các thỏa thuận hòa bình đã ký với Israel song từ sự kiện tàu chiến Iran lần đầu tiên đi qua kênh đào Suez có thể thấy sự biến động lớn trong mối quan hệ đồng minh một thời này. 

 Hoàng Tuấn