Qua mặt mật vụ Pháp
(ANTĐ) - Sau khi vào sống trong lòng địch hậu, giải quyết xong những thử thách ban đầu khi phải đối mặt với Trưởng ty Công an Ngụy Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng nhì Forlelle... Anh Thùy bàn với chị Đào: Có hai việc cần phải làm ngay đó là “Kiếm sống nuôi con và tìm bắt liên lạc với Anh Cả”.
>>> Kỳ I: Người điệp báo thành Sơn
Tìm cách bắt liên lạc
Điệp báo viên Đào Thiện Thùy trong vai Phó ty Cảnh binh Sơn Tây trong kháng chiến chống Pháp (người thứ nhất bên trái) |
Vợ chồng điệp báo viên quyết định chọn nghề đi bán đồng nát và cắt tóc để tìm bắt liên lạc. Thực hiện sáng kiến của vợ, trong phiên chợ Nghệ hôm sau, anh đã ra chợ mua một bộ đồ cắt tóc, rồi hàng ngày xách chiếc hòm nhỏ, lân la đến các khu gia binh gần sân bay Tông. Cắt tóc cho cánh lính thợ, thường Thùy lấy giá rẻ, có lần quên cả đòi tiền nợ chịu của mấy chú binh nhì nghèo kiết, nên được bọn chúng yêu thích. Mấy anh pháo thủ Marốc, Angiêri, Tuynidi… biết Thùy nói giỏi tiếng Pháp, nhà chị cả Chính, nơi vợ chồng Thùy ở nhờ, lại bán rượu lậu, nên hay tìm đến nhà Thùy. Họ thường mang theo ít đồ hộp, mấy gói “Khẩu phần số 5”, gạ đổi lấy ít rượu lậu, khen ngon hơn cả rượu Mac-ten, Cô-nhắc của Pháp.
Khi đã ngà say thì đủ mọi thứ chuyện, từ chuyện vợ con vùng sa mạc châu Phi, vùng biển Địa Trung Hải, đến chuyện cấp trên, chuyện đi càn… họ đều nói ra hết.
Thời gian sau, Thùy bỏ nghề cắt tóc chuyển sang bán rượu, lạc rang, suốt ngày xách túi đi khắp vùng đất đỏ Tông, Kim Đái, Vị Thủy, Xuân Khanh, Lễ Khê… Bán rượu nhiều khách hơn vì anh em lính thợ, lính pháo người da đen châu Phi xa quê hương thường thích tiêu khiển thời gian bằng những chén rượu.
Vợ Thùy thì đôi quang gánh đi mua đồng nát suốt từ vùng đồi núi đất đỏ Lễ Khê, Vị Thủy, Trung Hưng về đến Cá Chê, đền Và, thị xã Sơn Tây. Rong ruổi trên các nẻo đường quanh thị xã Sơn Tây, nóng lòng chờ đợi đã hơn ba tháng, vợ chồng Thùy - Đào vẫn chưa được tin gì của “Anh Cả” ngoài vùng tự do. Bỗng một hôm, đến gần đền Và, Đào thoáng thấy bóng một người phụ nữ đang đi nhanh về phía chị. Khi đã gặp nhau, chị người lạ hỏi nhỏ bằng ám hiệu.
Nhìn quanh, thấy không có ai, người phụ nữ bấu vào tay Đào nói nhỏ:
- Có thư “Anh Cả” gửi chị Nguyên cuốn trong nút chai. Tối mai vào giờ này, chúng ta lại gặp nhau ở đây.
Về nhà, Đào gọi chồng xuống bếp vừa đẩy mấy cọng rơm nấu cơm, vừa nhìn ra ngoài rồi khẽ nói:
“ Có liên lạc rồi. Chiều nay qua đền Và em gặp một chị gọi bán mấy vỏ chai thủy tinh. Đã nhận đúng mật hiệu, có thư của Anh Cả gửi chị Nguyên cuốn trong nút chai đó”.
Lên buồng, Thùy mở nút chai nhẹ nhàng lấy ra một bức thư và một bản mật mã kèm theo. Anh dùng mật mã dịch bức thư, đọc đi đọc lại đến hơn mười lần không sót một chữ, một dấu phẩy, dấu chấm:
“Chị Nguyên!
Đã biết tin chị. Buôn bán thế tốt đấy.
Tìm về thị xã hay hơn.
Em”
Ăn tối xong Thùy thức gần trắng đêm căn cứ bảng mật mã viết báo cáo. Đây là báo cáo đầu tiên của anh ra ngoài vùng tự do nên Thùy viết rất tỉ mỉ. Để giãi bày được nhiều nội dung trên trang giấy cuốn vừa trong chiếc nút chai Thùy đã phải viết những dòng chữ đến giới hạn nhỏ nhất có thể. Sáng hôm sau chị Đào nhận ở chồng chiếc nút chai “đặc biệt” cắm vào cái chai thủy tinh hôm trước, giấu kín trong quang gánh đi chợ như thường lệ.
Bản cáo trạng tử hình
Năm 1950, được tin tỉnh tuyển nhân viên cảnh binh, Đào Thiện Thùy tìm đến Trưởng ty Thức nhờ giúp đỡ. Từ khi gia đình Thùy về sống ở Sơn Lộc rồi ra thị xã, Thức vẫn luôn cho mật vụ theo dõi. Qua nhiều lần thẩm tra, cơ quan công an chế độ cũ kết luận:
“Chưa thấy vợ chồng Thùy có lời nói, hành động nào sai trái đáng nghi vấn. Cả hai vợ chồng vẫn làm ăn lương thiện”. Do đó, vừa được tin Thùy xin làm cảnh binh, Thức cho gọi vào luôn.
Đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển, Thùy được chọn vào làm việc ở Ty cảnh binh. Một hôm Thức gọi Thùy đến vồn vã và cho biết tên Trưởng Phòng nhì Pháp cần nói chuyện với anh.
Sáng hôm sau, Thùy cùng Thức đến gặp Forkelle. Vào phòng, hắn chỉ cho Thức và Thùy ngồi rồi đưa Thùy một tờ giấy nói:
- Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và thấy cần cho ông biết: Ông đọc kỹ tờ giấy này. Việt Minh họ chẳng tốt gì với ông đâu...
Cầm tờ giấy trong tay Thùy nhẩm đọc:
Cáo trạng
Công an tỉnh Sơn Tây được lệnh Chính phủ tuyên án tử hình với nhân viên công an Đào Thiện Thùy đã phản bội Tổ quốc bỏ hàng ngũ kháng chiến mang vợ con về với địch…
Thùy cố bình tĩnh lấy khăn lau mắt. Hình ảnh thân thương của các anh Nguyễn Đức Tường, Nguyễn Công Bình, Bảo Ninh, Phùng Thế Tài… hiện lên trong trí nhớ anh.
Forkelle cười, phá tan bầu không khí yên lặng:
- Hãy yên tâm ông bạn của tôi. Đầu tuần tới tôi sẽ cử ông về Hà Nội học một lớp học của cảnh binh Bắc Việt rồi về làm việc lâu dài với chúng tôi. Ông thấy thế nào?
Chiến công đầu tiên
Biết Thùy đã được vào cảnh binh, sắp đi Hà Nội học, về thăm quê, một nhóm pháo thủ, lính thợ người châu Phi kéo nhau ra thăm. Một tên kiếm được một chai rượu “ngang” loại mạnh, mang đến với Thùy. Chúng uống vào, hò vang: Chúc mừng bạn Thùy! Say sưa rồi chúng hát nhớ Ca-sa-bơ-lan-ca, nhớ Đại Tây Dương, Địa Trung Hải… Một tên ba hoa nói lộ việc sắp đi càn vùng xóm Mít, đồi Trốn, gốc Đa, Xóm Rùa, suối ổi… chân Ba Vì.
Thùy giật mình nghĩ:
“Đây là căn cứ đóng quân của Công an tỉnh năm xưa”.
Anh lấy cớ phải về nhiệm sở, chia tay cánh bạn “bất đắc dĩ” vừa cấp cho anh một nguồn tin giá trị.
Về nhà, Thùy vào buồng kín giở bản mật mã viết báo cáo về việc chuẩn bị đi càn của giặc Pháp vào vùng đồi Trốn, gốc Đa, xóm Rùa… đưa chị Đào gửi ngay ra vùng tự do cho “Anh Cả” rồi chuẩn bị đồ dùng về Hà Nội học ngày mai.
Sáng chủ nhật đầu tiên của khóa học, Đào đến lớp học cảnh binh của Thùy ở phố Sinh Từ, Hà Nội và giúi vào túi áo anh một bức thư. Thùy vào nhà vệ sinh, lần túi ngực lấy bức thư Đào vừa chuyển sung sướng đọc:
“Chị Nguyên. Đã nhận chiếc nhẫn chị gửi. Quý lắm. Đi buôn về, nhớ gửi hàng tiếp cho em. Anh Cả gửi lời thăm và khen chị.
Em Bảo”.
Thùy nhận rõ chữ viết anh Bảo Ninh, cảm động nhớ lại hình ảnh Tết năm nào anh đưa gia đình Thùy từ chân núi Ba Vì về Vị Thủy. Thùy coi đây là một nguồn động viên lớn nhắc anh tiếp tục cuộc chiến đấu gian nguy mới đang ở chặng đường đầu tiên.
(Còn nữa)
Đỗ Sâm