Kinh nghiệm phòng chống tội phạm tham nhũng:
Phương thuốc phòng ngừa
(ANTĐ) - Nhắc đến những nguy cơ mang tính toàn cầu, người ta thường nghĩ ngay đến những cụm từ như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu hay khủng hoảng tài chính. Tuy vậy, trong danh sách ngày càng được mở rộng này, một vấn đề đang nóng lên - nạn tham nhũng. Vì những hậu quả to lớn mà nạn tham nhũng có thể mang lại, bên cạnh việc siết chặt thêm chế tài với loại tội phạm này, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh phòng ngừa - chủ yếu thông qua việc minh bạch tài sản cá nhân.
Mỹ: Quà tặng không quá 20USD
Các quan chức cấp thành phố trở lên ở Mỹ đều nằm trong danh sách phải công khai báo cáo tài sản của mình và nếu muốn xem những nội dung này, người dân có thể tìm kiếm dễ dàng trên internet. Bà Jane Ray - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Đạo đức Chính phủ Mỹ (OEG) cho biết, không báo cáo công khai tài sản sẽ không được nhận các chức vụ chính yếu trong bộ máy chính quyền. Đối với các quan chức cao cấp, việc báo cáo thống kê tài sản hàng năm cũng tương đương với việc kiểm tra tư cách hàng năm. Nếu không báo cáo kịp thời hoặc cung cấp thông tin giả, quan chức này sẽ đối mặt với án kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí bị khởi tố điều tra.
Việc báo cáo công khai tài sản đã phát huy tác dụng rất tốt trong suốt nhiệm kỳ làm việc của các quan chức cấp cao. Các ứng cử viên trong nội các của nhiệm kỳ Tổng thống mới đầu tiên phải báo cáo kê khai tài sản lên OGE, hễ phát hiện có những xung đột lợi ích tiềm tàng, ví dụ như việc ứng cử viên chức Bộ trưởng Năng lượng có sở hữu cổ phần của một công ty dầu khí nào đó, ứng cử viên này sẽ buộc phải đứng trước hai sự lựa chọn: một là ký thỏa thuận đạo đức, cam kết lập tức áp dụng biện pháp giải quyết xung đột; hai là nếu không cam kết xử lý tài sản cá nhân, có nghĩa là việc ứng cử coi như chấm dứt.
Trong các quy định của Chính phủ Mỹ còn có một bản “Quy tắc hành vi đạo đức cho nhân viên cơ quan hành chính”, nói rõ và hạn chế những vấn đề xung đột lợi ích có thể phát sinh trong quá trình công tác của các nhân viên như quan hệ với doanh nghiệp, nhận, tặng quà thượng, hạ cấp, làm nghề phụ… Theo đó, trong bất kể tình huống nào, quà tặng mà các nhân viên được nhận có giá trị không được vượt quá 20USD.
Thụy Điển: Công khai triệt để
Thụy Điển là một trong những quốc gia thực thi chế độ báo cáo công khai tài sản đầu tiên trên thế giới, cộng với những chế độ công khai thông tin khác, quan chức nước này luôn chịu sự giám sát chặt chẽ.
Bắt đầu từ năm 1766, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua “Luật tự do xuất bản”, trong đó điều khoản chủ yếu là “công khai tất cả các văn bản không liên quan đến bí mật”, nhờ vậy Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới thực thi việc công khai hành chính. Đến nay, tất cả các tư liệu công vụ, công hàm, báo cáo tài chính… của chính phủ hoặc các cơ quan công cộng nếu không thuộc về bí mật quốc gia đều được công khai trước người dân. Trong khi đó, bất cứ người dân Thụy Điển nào cũng có quyền kiểm tra tình trạng tài sản và việc nộp thuế của quan chức, đội ngũ quản lý doanh nghiệp, thậm chí thành viên vương thất.
Vì được pháp luật trao cho quyền lực lớn nên người dân và báo chí Thụy Điển hoàn toàn không “nương tay” trong mọi tình huống. Không chỉ các quan chức chính phủ đã mãn nhiệm, các quan chức mới lên nắm quyền nếu bị phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi không chính đáng đều có thể bị điều tra công khai. Ví dụ như vụ tháng 10-1995, Phó Thủ tướng trẻ tuổi Mona Salin dùng thẻ tín dụng công mua mấy hộp chocolate, đã bị một phóng viên điều tra tận ngọn ngành, từ đó tìm ra nhiều chứng cứ cho thấy những lần bà dùng thẻ công khác, sau đó cáo buộc Phó Thủ tướng “lạm dụng công quỹ” khiến bà phải từ chức khi chưa nắm quyền được bao lâu. Trường hợp khác, năm 2006, một số nhân vật được Thủ tướng mới đề bạt, vì bị hàng xóm báo cáo việc không nộp thuế truyền hình đã buộc phải ra đi…
Indonesia: Phạt nặng để răn đe
Thời gian qua, Ủy ban Chống tham nhũng ở Indonesia ngày càng có thanh thế lớn ở nước này. Được thành lập năm 2003, từ đó đến nay, ủy ban này liên tiếp điều tra ra những vụ tham nhũng lớn, ví dụ như nghị sĩ quốc hội nhận hối lộ bị bắt ngay tại hiện trường, quan chức cao cấp viện kiểm sát hay cựu thống đốc, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương phải ngồi tù vì ăn tiền… đều là thành quả của ủy ban này.
Theo hồ sơ lưu trữ, từ năm 2004 đến tháng 6-2009, Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia đã điều tra làm rõ 88 án tham nhũng, trong đó nửa đầu năm 2009 là 24 vụ. Các đối tượng liên quan gồm 12 nghị sĩ quốc hội, 3 bộ trưởng và quan chức tương đương cấp bộ trưởng, 1 Thống đốc, 4 Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương và khá nhiều thị trưởng, tỉnh trưởng, quan chức viện kiểm sát, quan chức ngoại giao… Riêng năm 2008, các vụ án do ủy ban này làm rõ giúp thu về cho quốc khố Indonesia hơn 400 tỷ rupiah.
Được biết, cơ quan chống tham nhũng vốn được thành lập ở Indonesia từ những năm 1950, nhưng vì chỉ chú trọng xử phạt mà coi nhẹ phòng ngừa nên hiệu quả không cao, và điều này đã được cân đối hài hòa hơn từ sau khi Ủy ban Chống tham nhũng ra đời.
Nhìn chung, trên thế giới chưa quốc gia nào có một chế độ công khai minh bạch tuyệt đối, hoàn thiện nhưng các nước không ngừng quá trình điều chỉnh chính sách để hướng tới mục đích ngày càng công khai, ngày càng minh bạch. Thực tiễn đấu tranh ở các quốc gia đều cho thấy, quyền lực vận hành minh bạch là phương thuốc tốt nhất để phòng ngừa tham nhũng, độ minh bạch càng cao, khả năng kiểm soát với nạn tham nhũng càng lớn hơn.
Bảo Trâm
(Tổng hợp)