Phát triển an toàn điện hạt nhân

ANTĐ - Cho dù bị đặt nhiều dấu hỏi sau sự cố nghiêm trọng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản song điện hạt nhân vẫn đang trong xu thế phát triển trên thế giới.
Phát triển an toàn điện hạt nhân ảnh 1
Một nhà máy điện hạt nhân đang được khẩn trương xây dựng tại Hàn Quốc 
để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của nước này

Năng lượng hạt nhân đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các nền kinh tế trên thế giới và tiếp tục khẳng định là ngành năng lượng của tương lai. Đó là bức thông điệp được các tập đoàn công nghiệp và khai thác năng lượng đưa ra tại Triển lãm năng lượng hạt nhân thế giới (WNE) tổ chức từ ngày 14 đến 16-10   tại Trung tâm triển lãm Bourget, phía bắc Thủ đô Paris của Pháp.

Đây là lần đầu tiên một triển lãm về hạt nhân dân sự được tổ chức dưới hình thức một hội chợ quốc tế nhằm giúp các tập đoàn, doanh nghiệp, giới chuyên môn và chuyên gia khắp thế giới gặp gỡ giới thiệu công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về khảo sát, thiết kế, chế tạo và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời thiết lập các quan hệ đối tác trên phạm vi toàn cầu. Đại diện của 495 tập đoàn và công ty hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và điện nguyên tử đến từ 24 quốc gia như đã tham gia WNE với kỳ vọng tìm kiếm đối tác, dự án phát triển điện hạt nhân.

Theo Giám đốc Truyền thông của Ủy ban năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế của Pháp (CEA) Xavier Clément, con số đông đảo các tập đoàn năng lượng, khách tham quan trong 3 ngày diễn ra WNE đã cho thấy năng lượng hạt nhân tiếp tục là ngành năng lượng của tương lai. Ông Clément khẳng định, năng lượng hạt nhân cùng các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ cung cấp năng lượng với chi phí tiết kiệm đồng thời giảm ô nhiễm so với các năng lượng hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt. 

Thành công của WNE còn được xem là câu trả lời cho những hoài nghi về tương lai năng lượng hạt nhân trên thế giới sau sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ở Nhật Bản hồi tháng 3-2011. 2 năm rưỡi sau sự cố chấn động toàn cầu này, các quốc gia trên thế giới đã có đủ thời gian để nhận định, đánh giá và đưa ra quyết định hệ trọng về việc phát triển an toàn năng lượng hạt nhân.

Cho dù có một số quốc gia dứt khoát nói không với năng lượng hạt nhân song đa phần các quốc gia, trong đó có Nhật Bản, vẫn quyết định sẽ phát triển năng lượng hạt nhân. Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), hiện trên toàn thế giới có 435 lò phản ứng đang hoạt động trong các nhà máy điện hạt nhân, sản xuất ra lượng điện hơn 370.000 MW, chiếm gần 17% tổng lượng điện toàn cầu, trong đó 2 nước Pháp và Nhật Bản có điện hạt nhân chiếm tỷ trọng cao nhất với lần lượt 78% và 34%.

Bên cạnh việc sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong sản lượng điện toàn cầu, năng lượng hạt nhân còn được xem là giải pháp quan trọng để thế giới cắt giảm khí dioxide carbon gây hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng lên.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm gần 3 triệu người tử vong mỗi năm và con số này có thể còn tăng gấp 3 lần vào năm 2025, trong khi đó đến giữa thế kỷ 21, điện hạt nhân có thể được giảm 8-240 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, qua đó giúp giảm được khoảng 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano khẳng định nhu cầu sử dụng điện hạt nhân tiếp tục tăng lên trong các thập kỷ tới do nhu cầu phát triển kinh tế và dân số tăng cũng như những lo ngại về biến đổi khí hậu.