Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Nga là "tội phạm chiến tranh" tại Syria

ANTĐ - Ngày 16-2, BBC đưa tin Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng tố cáo Nga thực hiện không kích vào các bệnh viện, trường học ở miền bắc Syria. Họ cho rằng đó là hành động không thể chấp nhận được và là “tội ác chiến tranh”. 

Liên Hợp Quốc cho biết, số người thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng tên lửa vào trường học và bệnh viện tại miền bắc Syria đã lên đến 50 người, trong đó ít nhất 12 người tử vong tại Azaz và các khu vực lân cận. 

Hai bệnh viện của Tổ chức phi chính phủ quốc tế Medecins Sans Frontieres (MSF) tại Maarat al-Numan, tỉnh Idlib cũng bị đánh bom, biến thành đống đổ nát khiến 10 người thiệt mạng và 8 người khác vẫn mất tích.
Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Nga là "tội phạm chiến tranh" tại Syria ảnh 12 bệnh viện của MSF trúng tên lửa, biến thành đống đổ nát

Trước tình hình này, MEGO Terzian- Chủ tịch của MSF nói với Reuters rằng: "Chính phủ Syria hoặc Nga phải chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công này".

Tuy nhiên, Đại sứ Syria ở Moscow, Riad Haddad lại cho rằng các cuộc tấn công này là do Mỹ thực hiện, ngay lập tức Lầu Năm Góc đã bác bỏ cáo buộc trên.

“Chúng tôi không có lý do gì để thực hiện các cuộc tấn công tấn công ở Idlib bởi vì Tổ chức nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) không hoạt động ở đó”, Đại úy Mỹ Jeff Davis khẳng định.

Trước đó Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục đổ lỗi cho Nga về các cuộc không kích vào bệnh viện, trường học tại Syria, trong khi Nga vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào.

Pháp cho biết, nước này cũng kịch liệt lên án vụ đánh bom vào các bệnh viện của MSF. Ngoại trưởng Pháp, Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh: “Hành động như vậy là không thể chấp nhận được và là tội ác chiến tranh”.

Tuần trước các cường quốc trên thế giới đã đồng ý làm việc cùng nhau để hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, dự kiến, lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu được thực hiện vào cuối tuần này.

Song theo ý kiến của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một lệnh ngừng bắn như vậy sẽ là không thể nếu như tất cả các bên không đặt vũ khí của họ xuống.

Ông nói: “Cho đến nay, các cường quốc trên thế giới nói rằng họ muốn có lệnh ngừng bắn trong vòng 1 tuần, nhưng ai là người có khả năng thiết lập tất cả những điều kiện và yêu cầu trong thời gian ngắn như vậy?”.

Gần 5 năm qua, nội chiến ở Syria đã dẫn đến cái chết của hơn 250.000 người, hơn 11 triệu người phải di cư, gây nên khủng hoảng nhập cư tại Châu Âu. Cuộc khủng hoảng không chỉ là vấn đề nội tại của Syria hay của khu vực Trung Đông nữa, mà nó đã trở thành vấn đề toàn cầu và cần sự chung tay góp sức của cả thế giới để giải quyết triệt để.