Pháp và Đức quyết tâm ngăn Trung Quốc "hiện diện trong lòng châu Âu"

ANTD.VN - Hai quốc gia đầu tàu của châu Âu vừa bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đối với Liên minh châu Âu (EU), thông qua một loạt các thương vụ đình đám liên quan đến đất đai hoặc công nghệ.

Pháp và Đức quyết tâm ngăn Trung Quốc "hiện diện trong lòng châu Âu" ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận các vấn đề EU tại Hội nghị các lãnh đạo Ủy ban châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 23-2-2018

Phát biểu tại buổi gặp mặt các nông dân trẻ tuổi ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết áp dụng các biện pháp nhằm ngăn cản các nhà đầu tư Trung Quốc mua đất nông nghiệp ở quốc gia này. Tổng thống Macron khẳng định: "Đất nông nghiệp của Pháp là đầu tư chiến lược, quyết định chủ quyền của đất nước, vì vậy không thể để cho hàng trăm hécta đất rơi vào tay các cường quốc bên ngoài mà không biết rõ mục đích của các thương vụ này”. Ông nhấn mạnh chính quyền sẽ áp dụng các quy định bảo vệ và phối hợp với người nông dân để chấm dứt các thương vụ kiểu này. 

Cam kết trên của Tổng thống Macron được đưa ra sau khi Hiệp hội Nông thôn Pháp SAFAR lên tiếng kêu gọi Chính phủ hành động chống lại sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng các nhà đầu tư tài chính, chứ không phải nông dân, đi mua đất nông nghiệp. Điển hình là vụ một quỹ đầu tư của Trung Quốc mua 900ha đất tại vùng Allier, vốn là đất trồng ngũ cốc ở miền trung Pháp và mua 1700ha đất ở Indre. 

Điều này cũng từng xảy ra với Australia khi thống kê cuối năm 2017 cho thấy tỉ lệ đất nông nghiệp người Trung Quốc sở hữu tại quốc gia châu Đại Dương đã tăng thêm 880% trong 1 năm qua, tương đương 13 triệu ha. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư đất nông nghiệp lớn thứ hai tại Australia, chỉ sau Anh. Chính quyền Australia buộc phải cam kết giám sát và tăng cường tính minh bạch trong ngành nông nghiệp và đầu tư nước ngoài để bảo đảm các hoạt động trên “không xung đột với lợi ích quốc gia”.

Không chỉ cam kết với người dân, trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Tổng thống Pháp Macron đã đặt vấn đề với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về sự tương hỗ cân bằng hơn trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Pháp đã làm mọi việc để tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực nhạy cảm. Tổng thống Pháp cũng lên tiếng cảnh báo việc một số nước châu Âu quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc (khi được ưu đãi các khoản cho vay hoặc được Bắc Kinh hứa đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng) trong nội bộ EU, đang “làm tổn hại đến quyền lợi của châu Âu”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng cảnh báo Trung Quốc không nên gắn các khoản đầu tư vào các nước châu Âu với những yêu sách chính trị. Nhận định của bà Merkel được đưa ra trong bối cảnh gần đây Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược và cơ sở hạ tầng quan trọng tại châu Âu, điển hình là việc mua cảng Piraeus ở Hy Lạp, cửa ngõ vào EU. Hy Lạp là một trong nhiều nước Nam và Đông Âu sẵn sàng nhận tiền đầu tư của Trung Quốc, kể cả trong các lĩnh vực chiến lược để giảm tải gánh nợ công chồng chất. 

Theo đánh giá của nhà lãnh đạo Pháp và Đức, Trung Quốc mua lại các công ty lớn ở châu Âu không chỉ đơn thuần là muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác chiến lược hoặc đầu tư tiền bạc. Đây thực chất là kỳ vọng thâu tóm, sáp nhập và gây tình trạng “chảy máu” công nghệ của châu Âu. Trung Quốc cần tăng trưởng và sẽ không từ bỏ bất kỳ thị trường nào cũng như chiến lược chinh phục và chia rẽ trong lòng Liên minh châu Âu. 

Xét về đầu tư, Trung Quốc sẵn sàng nắm bắt tất cả những gì có thể có lợi cho sự phát triển của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, hiện đang ở ranh giới giữa dân sự và quân sự. Các chuyên gia kinh tế châu Âu từng nhìn nhận “Trung Quốc không chỉ đang thâm nhập qua các cửa ngõ châu Âu mà đã thực sự hiện diện ở trong lòng châu Âu” khi gây ảnh hưởng có mục đích đối với các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế, trong từng nước lẫn toàn bộ EU.