Phận già ở xứ sở Kim chi

ANTĐ - Khi góa phụ Yoon Sook-Hee, 62 tuổi qua đời sau một đợt viêm phổi vào giữa tháng 1 vừa qua, bà đã “gia nhập” số lượng ngày càng tăng những người già ở xứ sở Kim chi chết một mình trong cô đơn và việc hậu sự phải nhờ vào những tổ chức từ thiện. 

Cụ Kong Kyung Soon sống cô quạnh trong căn nhà 2m2

Chết cô đơn

Hàn Quốc ngày càng giàu có hơn, nhưng văn hóa truyền thống cũng đang dần mai một. Có rất nhiều người già ở xứ sở Kim chi sống cô đơn và chết trong hiu quạnh cho dù họ vẫn còn người thân và con cháu. Bà Yoon Sook Hee qua đời do viêm phổi hồi giữa tháng 1-2013. Trong suốt thời gian ốm đau và ngay cả đến lúc nhắm mắt xuôi tay, bà Yoon không hề có người thân nào bên cạnh. Chồng cũ của bà Yoon, người ly dị bà cách đây 40 năm, khi nhận được thông báo của bệnh viện đã từ chối lo liệu cho người vợ cũ. Bà Yoon có một người con trai nhưng từ lâu đã không còn liên lạc với mẹ. Cuối cùng bà được những người không quen biết mai táng. Sự ra đi cô quạnh của bà Yoon Sook Hee chỉ là một phần trong bức tranh những người già ở Hàn Quốc sống neo đơn những năm tháng cuối đời và chết trong cô đơn.

 “Ngày càng có rất nhiều người già sống cuối đời trong tuyệt vọng vì họ không có một nơi để chôn cất sau khi chết. Họ dành dụm được một số tiền nhỏ và đến gặp chúng tôi nhờ lo liệu sau khi qua đời” - anh Kang Boong Hee, một tình nguyện viên của Công ty Dịch vụ tang lễ cho người già neo đơn nói. Những trường hợp như bà Yoon Sook Hee không phải là hiếm gặp ở xứ sở Kim chi. Trong tổng số 50 triệu dân, Hàn Quốc có tới 1,2 triệu người già có hoàn cảnh tương tự. Anh Kang cho biết, hiện nay có khoảng 234.000 cụ già trên 65 tuổi (tương đương 19,7%) sống độc thân cần giúp đỡ, trong số đó có khoảng 20% cụ bệnh tật nặng qua đời bất cứ lúc nào, trong khi kinh phí hỗ trợ mai táng của tổ chức từ thiện này đã cạn kiệt và rất cần sự trợ giúp của chính phủ. 

Sống cô quạnh

Căn hộ nhỏ bé của cụ Kong Kyung Soon nằm sát khu Kangnam, một khu dân cư giàu có ở Seoul, nơi giờ đã trở nên nổi tiếng sau khi bản hit Kangnam style được biết đến trên toàn thế giới. Tuy nhiên có một điều mà nhiều người còn chưa biết về Kangnam, đó là  nơi đây có rất nhiều người già sống hiu quạnh dù dư thừa vật chất. Theo thống kê, con số này vào khoảng 7.000 cụ - một con số không nhỏ so với dân số ít ỏi của khu vực giàu có nhất nhì Seoul.

Cụ Kong Kyung Soon, 73 tuổi, sống một mình trong căn hộ siêu nhỏ với diện tích khoảng 2m2, hàng ngày đun nước nóng bằng nồi cơm điện để tiết kiệm gas. Cụ Kong đã ly dị chồng cách đây hơn 30 năm sau khi phát hiện chồng có quan hệ lăng nhăng với nhiều cô gái khác. “Nếu tôi bị ốm, thì chắc là tôi sẽ chết” – cụ nói và thêm rằng, hàng tháng cụ phải trả 360.000 won (340 USD) tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác trong số 500.000 won bà được nhận từ trợ cấp. Cụ Kong rất lo lắng về chuyện hậu sự của mình “Tôi nói với chị gái tôi rằng tôi muốn về với tiên tổ. Chị ấy bảo, tôi có thể làm điều tôi muốn sau khi tiết kiệm đủ 5 triệu won để lo chuyện hậu sự” - cụ Kong Kyung Soon tâm sự. Khi được hỏi tại sao không kêu gọi hỗ trợ từ con cháu, cụ Kong cho biết, giờ thời thế đã thay đổi, cụ chỉ trông cậy vào khoản phúc lợi xã hội. 

Theo số liệu thống kê, dân số Hàn Quốc đang ngày càng già đi. Số người già ở quốc gia phát triển này tăng từ 3,8% năm 1980 lên 11,8% năm 2012. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 24,3% vào năm 2030. Năm 2050, cứ 10 người Hàn Quốc sẽ có 4 người trên 65 tuổi. Với tuổi thọ của người dân ngày càng cao và tỷ lệ sinh thấp, Hàn Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia có tỷ lệ người già cao nhất hành tinh. 

Giải pháp “hộp sữa”

Một khảo sát mới đây cho thấy, cứ 100.000 người già trên 65 tuổi ở Hàn Quốc thì có 71 cụ tự kết liễu đời mình. Tỷ lệ người già tự tử ở Hàn Quốc cao gấp 2 lần so với Nhật Bản và gấp 7 lần so với Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách giúp đỡ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người già. Tuy nhiên, sự trợ giúp cũng chỉ có hạn, bởi ngân sách dành cho phúc lợi của nước này được xếp ở vị trí thấp thứ hai trong số các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, gồm 34 thành viên trong đó hầu hết là các quốc gia có thu nhập cao). 

Hàn Quốc đã thông qua luật về phúc lợi cho người già đầu tiên trên phạm vi rộng từ năm 1981, tập trung vào việc phát hiện sớm và điều trị bệnh cũng như các phúc lợi khác cho người cao tuổi. Để ngăn chặn tình trạng các cụ già qua đời mà không ai biết tới, chính phủ Hàn Quốc đã có chương trình thăm viếng người già bắt đầu từ năm 2007. Mỗi tuần ít nhất một lần, một nhân viên chăm sóc sức khỏe được cử đến thăm nhà những người già sống một mình. Mỗi nhân viên chăm sóc luôn liên lạc thường xuyên với trung bình 30 người già và cũng hướng dẫn cho họ cách gọi điện  để giữ liên lạc.

Ở một số nơi, chính quyền địa phương còn có cách tiếp cận khác, chẳng hạn như mỗi ngày họ đều để một hộp sữa chua ở trước cửa. Nếu phát hiện thấy không có người nhận sữa, đồng nghĩa với việc có điều bất thường xảy ra trong căn nhà cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, những điều này cũng không giải quyết được vấn đề chính của những người cao tuổi. “Ở đâu cũng vậy, những người già chỉ muốn có một người nào đó để nói chuyện”- anh Kang nói, yếu tố quan trọng nhất giúp hạn chế nguy cơ tự tử ở người lớn tuổi là sự thương yêu và chăm sóc của những người thân trong gia đình dành cho họ.