Ở Campuchia

(ANTĐ) - Chập chờn như tỉnh, như mơ. Hay là lúc tỉnh, lúc mơ là cái cảm giác mà con người ta ở Campuchia. Chưa cần đi khắp các địa danh của đất nước Chùa Tháp thời hiện đại, chỉ bằng đường bộ qua cửa khẩu Tây Ninh vào cửa ngõ đất nước này. Ghé qua Phnôm Pênh, đến Xiêm  Riệp, đối mặt với các đền tháp, leo trèo và lặn lội trên đỉnh núi Kôlin, phóng tầm mắt cho đến tận đường chân trời nơi các cánh đồng lúa ven đường hoặc mặt hồ Tông Lê Sáp (Biển Hồ) là con người ta nhập ngay vào tình trạng chập chờn như tỉnh như mơ vậy.

Ở Campuchia

(ANTĐ) - Chập chờn như tỉnh, như mơ. Hay là lúc tỉnh, lúc mơ là cái cảm giác mà con người ta ở Campuchia. Chưa cần đi khắp các địa danh của đất nước Chùa Tháp thời hiện đại, chỉ bằng đường bộ qua cửa khẩu Tây Ninh vào cửa ngõ đất nước này. Ghé qua Phnôm Pênh, đến Xiêm  Riệp, đối mặt với các đền tháp, leo trèo và lặn lội trên đỉnh núi Kôlin, phóng tầm mắt cho đến tận đường chân trời nơi các cánh đồng lúa ven đường hoặc mặt hồ Tông Lê Sáp (Biển Hồ) là con người ta nhập ngay vào tình trạng chập chờn như tỉnh như mơ vậy.

Tượng đài chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và chiến sỹ Campuchia tại bến phà Niếc Lương
Tượng đài chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và chiến sỹ Campuchia tại bến phà Niếc Lương

Và có lẽ trong trạng thái chập chờn ấy, con người ta mới thoát ra khỏi những định kiến thường nhật để nhận ra những chân giá trị chăng?

Đối diện với các đền tháp. Một Ăngko Vát diện tích cỡ hai trăm mẫu tây (200ha), đỉnh ngọn tháp cao nhất cỡ tòa nhà 8 tầng, những khối đá tảng sa thạch chừng hàng tấn, hàng tấn được sếp đặt, chạm khắc tinh xảo và kỳ vĩ. Những bức tranh chạm đá hoành tráng, hàng nghìn hàng vạn vũ nữ  ápsara, mỗi người là một gương mặt thần, đầy biến ảo.

Người ta kể rằng: Khu đền tháp được hoàn thành sau 37 năm kể từ khi những khối đá tảng được đẽo gọt vuông vức, đục lỗ, thòng dây xuyên qua các khối đá, kéo và nâng lên các bè mảng, thả trôi trên các con suối, con sông theo dòng chảy tự nhiên hoặc nhân tạo từ núi Kôlin về khu đền tháp Ăngko Vát, Ăngko Thom - khu đền tháp mà ông bà ta xưa gọi là Đế Thiên, Đế Thích. Đế Thiên (Ăngko Vát) là nơi thờ các vị thần, nơi dự định để di hài vị vua thứ nhất, thứ nhì dựng nên đế chế Ăngko. Đế Thích (Ăngko Thom) là một vùng rộng lớn cả nghìn mẫu tây với trên dưới 300 đền tháp.

Nổi bật là đền tháp của những nụ cười Bayon bốn mặt. Truyền thuyết và sử sách đế chế Ăngko kể rằng: Mỗi ngọn tháp bốn mặt người, là đại diện cho một thành bang của đế chế Ăngko. Con số thành bang là 154, cả thảy cộng lại là 616 gương mặt người: Thành bang hưng thịnh mang gương mặt cười.

Thành bang kém phát triển mang gương mặt ưu tư, phiền muộn... Bayon cũng được xây cất bằng độ dài thời gian tương tự như độ dài thời gian xây cất nên Ăngko Vát. Hơn ba trăm đền tháp. Mỗi đền tháp là một công trình kiến trúc bề thế, một công trình nghệ thuật tuyệt hảo, một sử thi huyền ảo mà sức nặng của đá đã găm chặt vào đất. Nghệ thuật và truyền thuyết đã bay lượn cả ngàn năm.... Đế chế đâu chỉ là đền tháp.

Tượng Phật bốn mặt ở ăngko Thom (Đế Thích)
Tượng Phật bốn mặt ở ăngko Thom (Đế Thích)

Đế chế Roma có trường đấu cả trăm mẫu tây nơi thi thố bi kịch cơ bắp của những võ sĩ giác đấu là tù binh và nô lệ thì đấu trường Ăngko cũng tinh xảo và kỳ vĩ không thua kém lại là đấu trường của những tượng binh hùng dũng trên các thớt voi... Ăngko Vát, Ăngko Thom vẫn cứ sờ sờ ra đấy. Như tỉnh lại như mơ là vậy. Các nhà khảo cổ và văn hóa khắp nơi trên hành tinh đổ về đây để tôn tạo, phục dựng, bảo tồn và định giá trị.

Cứ theo như quan niệm duy vật và thực nghiệm khoa học thì quần thể Ăngko là kỳ quan thế giới do con người, của con người. Vậy mà trong các đám đông du khách lại có vẻ không đặt hoàn toàn niềm tin vào những cứ luận khoa học thực nghiệm và quan niệm duy vật.

Người ta ngờ rằng có một bàn tay siêu nhiên và huyền bí nào đó đã  nâng những khối đá sa thạch ở khoảng cách trên dưới 70 cây số, băng qua cánh rừng nguyên sinh đại ngàn đến vùng đất Ăngko mà tạo tác trong khoảng thời gian trên dưới ba chục năm mà thành. Niềm tin đám đông du khách ấy hình như cũng là niềm tin của người dân Campuchia bản địa ngày nay.

Xưa nay, cuộc tranh đấu niềm tin có vẻ như là cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ và không dễ bị thuyết phục hoặc khuất phục. Tại một phòng trưng bày có tính cứ liệu của niềm tin duy vật và khoa học thực nghiệm ở đất nước Chùa Tháp có trưng bày một tấm bản đồ của đế chế Ăngko.

Tấm bản đồ này không mang hình thù lưỡi voi hoặc lưỡi bò, đế chế Ăngko từng trải rộng trên đất liền (chứ không phải trên biển và đại dương) cả một vùng mà ngày nay là lãnh thổ Malaysia, Thái Lan, Lào, Trung bộ và Nam bộ thuộc Việt Nam(?)

Cứ liệu này được trưng bày ở đất nước Chùa Tháp chỉ là để lý giải một cách duy vật kỳ quan Ăngko hình như là kết quả sáng tạo và công của từ một đế chế, của một đế chế. Thật là thú vị, đám đông du khách dường như vừa chia sẻ với niềm tin duy vật và khoa học thực nghiệm, vừa chia sẻ với niềm tin huyền bí của người Campuchia bản địa về bàn tay của thần linh.

Cứ nhìn vào đôi mắt to và mở rộng của người dân Campuchia là người ta thấy nụ cười Bayon, nụ cười ápsara mà không phải là đôi mắt mang hình những chiếc lưỡi bò, lưỡi voi đầy răng và nước miếng...

Đấu tranh niềm tin dù là niềm tin thần linh hay niềm tin đế chế, ở  Campuchia hiện có một ngoại lệ? Vẫn còn đây: Những dấu tích khủng khiếp của họa diệt chủng ba năm, tám tháng, hai mươi ba ngày để áp đặt một “niềm tin” đánh đổi bằng hàng triệu sinh mạng người.

Ápsara ẩn hiện dưới dòng suối trên đỉnh Kôlin
Ápsara ẩn hiện dưới dòng suối trên đỉnh Kôlin

Nó chỉ được chặn lại bởi sự hy sinh của biết bao nhiêu người Campuchia bình thường và những chiến sĩ Việt Nam tình nguyện. Vẫn đang là đây, cuộc hồi sinh của cả một dân tộc, là kết quả của công cuộc hòa giải dân tộc thành công. Thế giới có thể có nhiều sự đánh giá khác nhau về cuộc hồi sinh của dân tộc, của đất nước Campuchia ngày nay, như đã từng đánh giá về kỳ quan Ăngko của đế chế Ăngko thuở nào.

Nhưng thế giới của những người bình thường lại có sự đáng giá bình thường và giản dị về công cuộc hồi sinh mà điển hình là: Đã có hai triệu tấn gạo được xuất khẩu từ những “cánh đồng chết”. Đã có hai triệu khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần bí của nụ cười Bayon, từ 1-1-2007 đến tháng 12-2007.

Campuchia đã trở thành thành viên đại gia đình ASEAN, trở thành thành viên WTO chỉ trải qua không quá một vòng đàm phán... Thành công nối tiếp thành công có lẽ là bắt nguồn từ thành công lớn nhất là đại thành công của công cuộc hòa giải dân tộc.

Ở Campuchia ngày nay, vẫn còn đây những “di tích” của thời kỳ diệt chủng được bảo tồn nhưng cứ nhìn vào con mắt người Campuchia bản địa thì chả còn dấu tích nào của người lính Pônpốt và người lính nhân dân cộng hòa Campuchia; người dân từng bị ép buộc theo Pônpốt và người dân Campuchia bình thường.

Trong các đền tháp Campuchia và nền đá nguyên thủy của con suối trên đỉnh Kôlin là sự giao hòa giữa những chạm khắc thần linh Linga và Yoni, ápsara và các biểu tượng nhà Phật. Phải chăng sự giao hòa thần linh và niềm tin tôn giáo, niềm tin tôn giáo này  và niềm tin tôn giáo kia đã làm nên sự đại thành công hòa giải dân tộc Campuchia hiện đại, cho dù những dấu tích của một khoảnh khắc diệt chủng vẫn được bảo tồn nghiêm cẩn cho đến hôm nay.

Bài và ảnh: Minh Quang