Nước sôi lửa bỏng ở Trung Đông

ANTĐ - Tình hình tại Trung Đông những ngày qua sục sôi với những diễn biến phức tạp. Sự đối đầu từ bên trong và bên ngoài biến khu vực này thành một điểm nóng khiến cả thế giới phải dõi theo. Tuần vừa qua không chỉ sôi động ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi mà còn đánh dấu một giai đoạn mới trong làn sóng chính biến.

Không chỉ tiếp tục cuộc đối đầu giữa các bên như đã bùng nổ trong thời gian qua, mà còn bắt đầu thấy có những biểu hiện về sự tham gia của phe biểu tình phản đối vào việc định hình thể chế chính trị ở quốc gia và trật tự chính trị an ninh ở khu vực. Trong hai tháng đầu năm 2011, thế giới chứng kiến sự ra đi của hai nhà lãnh đạo kỳ cựu tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi bởi cùng một lý do: đó là sức ép của các cuộc biểu tình đường phố.

Làn sóng nổi dậy vẫn tiếp tục lan rộng ở thế giới Ảrập và không ai có thể đoán trước được câu chuyện của mỗi nước sẽ kết thúc như thế nào? Các mối quan hệ căng thẳng cho thấy giai đoạn bất ổn của cả khu vực Trung Đông. Đêm 28-11, Lebanon đã nã những quả rốc két đầy khiêu khích về phía Israel, ngay lập tức Telaviv đã đáp trả dữ dội. Những động thái mới này đang châm ngòi cho những xung đột vốn luôn tồn tại giữa hai đất nước láng giềng này. Tình trạng căng thẳng có thể xảy ra sau nhiều tháng bất ổn tại Syria chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và áp lực của lệnh trừng phạt phương Tây nhắm vào Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Theo giới phân tích, chiến tranh giữa Israel và Lebanon hoàn toàn có thể xảy ra nếu hai bên không giải quyết dứt điểm những căng thẳng dọc biên giới. Hai yếu tố có thể dẫn đến cuộc chiến giữa Israel và Lebanon là: Israel ngày càng quan ngại trước các loại vũ khí của phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah mà Tel Aviv đánh giá là một mối đe dọa lớn đối với Nhà nước Do Thái và căng thẳng Israel - Hezbollah vốn đã tồn tại âm ỉ từ lâu.

Cũng lúc này, Ai Cập, Yemen và Syria được coi là những tâm điểm biến động chính trị. Nhưng diễn biến ở nhiều nơi khác nữa như ở Palestin, Israel, Maroc, Bahrain, Libya và Tunesia cũng được chú ý không kém. Bản chất của dấu mốc mới là tham gia định hình thể chế chính trị mới. Hai cuộc bầu cử đã được tiến hành trong bối cảnh chính biến  ở Tunesia và Maroc  đều cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ và thắng thế của các lực lượng Hồi giáo. Chiều hướng đấy cũng đã bắt đầu bộc lộ ở Libya sau cuộc chiến cũng như vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của tổ chức Hamas ở Palestin. Làn sóng biểu tình ở Bahrain lại nổi lên, nhưng mục đích không phải lật đổ quyền lực của hoàng gia mà chỉ nhằm cải tổ chính trị.

Ai Cập và Syria sẽ là những điểm nóng trong giai đoạn tiếp này của làn sóng chính biến. Không ai có thể phủ định tầm quan trọng về địa chính trị của Syria trong khu vực khi nằm giữa Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và đặc biệt là Iraq; đồng thời là đồng minh chính trị của Iran và có liên hệ chặt chẽ với nhóm du kích Hezbollah. Cuộc khủng hoảng ở Syria đang có nguy cơ đẩy nước này vào nội chiến và gây bất ổn toàn khu vực. Liên đoàn Arab vừa đình chỉ tư cách thành viên của Syria, Vua Jordan kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang chuẩn bị những bước đi cứng rắn hơn với chính quyền Assad, những sĩ quan quân đội đào ngũ đang trở về Syria tấn công chống lại Chính phủ…. Trong khi đó, những báo cáo về việc thường dân Syria bị sát hại không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, kịch bản NATO hậu thuẫn phe nổi dậy lật đổ chính quyền của ông Bashar al-Assad giống như ở Libya sẽ khó xảy ra. Dù chống Mỹ và phương Tây, nhưng từ trước đến nay, chính quyền Syria luôn khéo léo tránh dùng những từ ngữ, cách nói để các nước phương Tây có thể dựa vào đó để chỉ trích, kết tội, đồng thời luôn cho rằng họ đang chống lại những kẻ khủng bố hoặc kẻ thù từ bên ngoài và điều đó làm cho LHQ khó hơn trong việc lặp lại những gì đã làm giống như tại Libya. Cũng không thể không nhắc đến yếu tố Nga và Trung Quốc đối với trường hợp Syria cũng rất khác với Libya. Hai nước này ngay từ đầu đã phủ quyết mọi nghị quyết của LHQ chỉ trích và trừng phạt Syria. Bởi cả hai nước này trong thời gian qua ký nhiều hiệp định đầu tư kinh tế và hợp tác quốc phòng với cả Iran và Syria.

Hiện sự chú ý của dư luận lại dồn cả cho tình hình mới tại Ai Cập. Ngày 28-11, cử tri Ai Cập đi bầu Quốc hội đầu tiên từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ sau hơn 4 thập kỷ cầm quyền, nhưng nhiều người bối rối trước đường hướng phát triển đất nước những năm tới. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước này đang lâm vào khủng hoảng do các vụ đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trong vòng một tuần qua đã làm ít nhất 42 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương.

Giới phân tích ngày càng tin rằng, tổ chức Anh em Hồi giáo đứng sau làn sóng biểu tình tại Cairo. Chia sẻ quan điểm này, nhà báo Yaakov Lappin nhận định, có thể  chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ "trị vì" Ai Cập... đang gợi ý về việc đưa luật Hồi giáo Sharia trở thành Hiến pháp của Ai Cập. Với những gì đang diễn ra tại Ai Cập, người dân nước này dường như khó có hy vọng gì về một tương lai hòa giải sắp đến gần để mở đường cho một tương lai ổn định và phồn vinh.

Tình hình tại Yemen được coi là ít nóng nhất tại Trung Đông lúc này, sau khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh chấp nhận từ bỏ quyền lực, mở ra một trang mới trong lịch sử quốc gia. Với quyết định từ chức theo kiểu "hẹn giờ" trong 90 ngày tới, ông Saleh là nhà lãnh đạo thứ tư tại Bắc Phi và Trung Đông phải chia tay quyền lực tối cao, sau các ông Hosni Mubarak ở Ai Cập, Ben Ali ở Tunisia và Moammar Gadhafi ở Libya. Thế nhưng, Yemen vẫn còn những nguy cơ bất ổn, trong bối cảnh bạo lực vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn dù ngày bầu cử Tổng thống đã được ấn định là 21-2-2012.

Ba nước Ai Cập, Syria và Libya vẫn đang viết những chương riêng của mỗi nước trong Mùa xuân Ảrập, quan sát nhau như cả thế giới theo dõi họ. Không ai có thể dự đoán làm cách nào hoặc khi nào toàn bộ câu chuyện sẽ kết thúc.

Giai đoạn chính biến tiếp sẽ có những bất ngờ mới và điều chắc chắn - nó chưa phải là giai đoạn cuối cùng của làn sóng chính biến.